Sau khi nắm vững được khả năng và nhu cầu của nước ta về một số cây thuốc và vị thuốc (xem I, II, III của phụ lục này) cùng với việc tiếp tục tiến hành điều tra, chúng tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu để có thể kịp thời khai thác một số cây thuốc và vị thuốc có nhu cầu lớn, có nhiều khả năng về nguyên liệu và điều kiện chế biến, sản xuất. Trong việc lựa chọn những vấn đề nghiên cứu để khai thác, chúng tôi dựa vào mấy phương hướng sau:
I. Ưu tiên khai thác trước những chất thuốc đã được thế giới nghiên cứu và sử dụng
Chúng tôi nghiên cứu để đưa vào sản xuất những chất đã được nghiên cứu rồi, nhân dân, thầy thuốc đã quen dùng, nguyên liệu ta sẵn có, điều kiện trang bị, thiết bị của ta hiện nay có thể sản xuấtđược nhưng trước đây vì lý do nào đó ta lại chỉ biết xuất nguyên liệu để rồi nhập thành phẩm. Làm được như vậy, chúng ta sẽ thừa kế được những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, rút ngắn được thời gia mò mẫm, tiết kiệm chi phí, nhanh chóng đưa vào phục vụ đúng với tinh thần của cấp trên đề ra. Trong khi thực hiện theo phương hướng nàyluôn luôn nắm vững kỹ thuật thể hiện trên chấy lượng và giá thành của sản phẩm.
Ngay từ năm 1948, chúng tôi đã chiết clorophin từ lá tre, lá táo chế thành thuốc mỡ, thuốc tiêm vì clorophin là một chất kháng sinh vào loại hiện đại nhất lúc đó để điều trị những vết loét, vết thương, chống hôi thối. Nguyên liệu ta sẵn có, nhưng bí quyết là sản xuất như thế nào cho sản phẩm có chất lượng đảm bảo, số lượng đủ dùng, giá thành có thể so sánh với giá mua của nước ngoài nếu có.
Cũng năm 1948, chúng tôi đã chiết
stricin - một ancaloit có tác dụng kích thích thần kinh giúp tiêu hóa -
từ một loại hạt mã tiền mọc hoang rất nhiều ở vùng núi rừng Việt Bắc.
Từ năm 1955, chúng tôi lại còn cải tiến thay dung môi rẻ bằng 1/5 dung
môi cũ, cho đến nay vẫn được áp dụng.
Năm 1956, lần đầu tiên ở Việt
Nam, chúng tôi đã chế tinh thể tecpin - một vị thuốc chữa ho - từ tinh
dầu thông, chấm dứt tình trạng từ lâu ta xuất tinh dầu thông để rồi lại
nhập tecpin của nước ngoài.
Cũng trong năm 1956, lần đầu tiên ở vùng Đông Nam á, chúng tôi đã chiết chất neriolin - một glucozit chữa tim, chỉ mới được thế giới đưa vào sản xuất ít năm gần đây - từ cây trúc đào, một loại cây trước đây nhân dân ta chỉ trồng làm cảnh.
Cũng để tận dụng những nguồn thuốc mới chữa tim mà nguyên liệu ta sẵn có, năm 1958, chúng tôi đã chiết thành công chất thevetin, một glucozit chữa tim khác, từ hạt cây thông thiên trước đây cũng chỉ được trồng làm cảnh.
Năm 1959, trước nhu cầu thuốc có vitamin của Bộ Y tế đề ra, bằng dụng cụ và dung môi đơn giản, rẻ tiền, lần đầu tiên ở Việt Nam chúng tôi đã chiết được từ hoa hòe chất vitamin P (còn gọi là chất rutin, rutozit). Chúng ta biết rằng, chất rutin cũng là một loại thuốc mới được thế giới chú ý ít năm gần đây để làm thuốc chữa bệnh tim mạch, huyết áp. Do công trình nghiên cứu này, nguyên liệu hoa hòe của ta trước đây bị coi là một mặt hàng ứ đọng, ít được chú ý khai thác, đã trở thành một nguyên liệu có giá trị xuất khẩu cao vì hàm lượng rutin gấp 4 đến 5 lần những nguyên liệu khác mà thế giới vẫn sử dụng để chiết rutin.
Tinh dầu là một loại hoạt chất lấy từ các loại cây, đã được nghiên cứu nhiều, tác dụng chữa bệnh không có điều gì phải tranh cãi, cách chiết không đòi hỏi trang thiết bị phức tạp, vốn đầu tư ít, cho nên ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng tôi cũng đã tiến hành cất và tinh chế tinh dầu tràm (khuynh diệp) rồi chế thành thuốc xoa, thuốc tiêm, làm thuốc sát trùng chữa ho, chữa bỏng, đắp vết thương, xoa bóp nơi đau nhức. Và từ năm 1956, đã tiến hành nghiên cứu đặt vấn đề trồng và khai thác tinh dầu bạc hà, một loại tinh dầu có nhu cầu rất lớn ở nước ta, vì trước kia hàng năm ta phải nhập dùng cho nhiều ngành công nghiệp: chế biến dầu cù là, chữa cảm cúm, kem đánh răng, nước uống bạc hà...
Do
đó, khi được chính thức giao nhiệm vụ, có thêm người, thêm kinh phí, năm
1977 chúng tôi đã góp phần vào việc tự túc sản xuất được 60 tấn tinh
dầu bạc hà và trên 10 tấn mentol tinh thể.
Cũng loại hoạt chất chiết
bằng cách cất lần đầu tiên ở nước ta, vào năm 1957, chúng tôi đã tiến
hành nghiên cứu tận dụng hạt mơ, hạt đào, lá đào để cất nước cất hạt mơ,
hạt đào và lá đào dùng thay thế cho nước cất lá anh đào (eau disti- llé
de laurier cerise) trước đây ta phải mua của Pháp để làm thuốc chữa ho,
đau bụng.
Chế được những hoạt chất từ những cây thuốc của ta, không những chúng ta làm tăng giá trị nguyên liệu mà lại còn làm tăng nhu cầu, do đó càng thúc đẩy trồng trọt và chăn nuôi những cây thuốc và động vật làm thuốc sớm đi vào công nghiệp hiện đại.
II. Nghiên cứu chế thành dạng tiện dùng, tiện bảo quản, hiệu lực đồng đều đối với những cây thuốc, vị thuốc hoạt chất chưa được rõ, hoặc còn ít được nghiên cứu
Chúng ta biết rằng, ngay ở những nước có nền khoa học hiện đại, không phải người ta chỉ sử dụng cây thuốc để chiết hoạt chất. Đối với nhiều cây thuốc mà hoạt chất chưa rõ ràng như ngải cứu, râu ngô, nhân sâm, người ta cũng vẫn dùng toàn bộ cây thuốc và tìm cách chế thành những dạng thuốc tiện dùng, tiện bảo quản, hiệu lực tương đối đồng đều. Trong lĩnh vực y học cổ truyền dân tộc của ta lại càng có nhiều vị thuốc chưa được nghiên cứu. Việc nghiên cứu tìm hoạt chất và cơ chế không đơn giản và nhanh chóng như một số người nghĩ. Trước nhu cầu to lớn về thuốc men của nhân dân ta, theo phương châm tự lực cánh sinh, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu chế thành những dạng thuốc tiện dùng, tiện bảo quản và hiệu lực tương đối đồng đều để sớm đưa vào sử dụng, đồng thời chúng tôi cũng vẫn tiến hành nghiên cứu đi sâu về các mặt khác. Điều quan trọng ở đây là lựa chọn những bệnh phổ biến, những cây thuốc, vị thuốc hiệu quả chắc chắn, nguyên liệu ta có sẵn dồi dào để tiến hành trước.
Thuốc chữa các bệnh của phụ nữ là loại thuốc chúng tôi chú ý đầu tiên (1946).
Thuốc đông y chữa bệnh phụ khoa trước đây hoàn toàn phải nhập từ biệt dược như ái mẫu ninh, ô kê, bạch phượng, ninh khôn hoàn v.v... đến các vị thuốc kê đơn như đương quy, thược dược, xuyên khung, thục địa (hai vị sau, ta mới di thực và tự túc một phần trong mấy năm gần đây). Dựa vào kinh nghiệm nhân dân, vào kinh nghiệm gia đình, đối chiếu với những tài liệu đã nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài chúng tôi đã đưa ra một đơn thuốc gồm các vị thuốc hoàn toàn Việt Nam, trước đây bị xem thường, chế thành dạng thuốc ống để uống, dễ bảo quản, khi dùng có ngay không mất công sắc. Đơn thuốc này đã được công nhận chính thức, hoặc đưa vào sản xuất lớn dưới dạng ống và viên với những tên Cao hương ngải, Cao ích mẫu, Viên ích mẫu v.v...
Cũng từ năm 1946, chúng tôi đã chế cây cỏ sữa nhỏ lá thành thuốc chữa lỵ cho trẻ em dưới dạng thuốc ống để uống. Hiện nay tuy chưa được trồng để sản xuất lớn, cỏ sữa nhỏ lá đã là một vị thuốc được tín nhiệm để chữa lỵ trẻ em. Cùng với những cây thuốc chữa lỵ amip và trực trùng khác (nha đàm tử, viên pama) chế từ những vị thuốc trong nước và có thể sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn, thuốc chữa lỵ từ cây cỏ sữa nhỏ lá đã góp phần nào giải quyết bệnh lỵ là một bệnh phổ biến ở nước ta. Trước đây thuốc chữa bệnh này cũng gần như lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, vì thuốc tây thì chỉ quen với emetin là một ancaloit phải mua của các nước tư bản, cacbason, mixiot, ganidang, cloroxit cũng đều phải mua ở nước ngoài.
Trước đây năm 1964, toàn bộ thuốc chữa những trường hợp mầm ngứa, dị ứng cũng chỉ có những cây thuốc tây phải nhập như pipolphen, thiantan, bimedrol v.v... Chưa nói đến những tác dụng phụ gây khó chịu cho người dùng như buồon ngủ, mệt. Dựa vào kinh nghiệm của nhân dân, có tham khảo các tài liệu nghiên cứu trong nước và nước ngoài, chúng tôi đã đưa vào sản xuất hai loại thuốc K1 và K2 hoàn toàn dùng những cây thuốc có sẵn ở trong nước, đồng thời chứng minh bằng thực nghiệm và lâm sàng một tác dụng mà trước đây, theo chúng tôi được biết, chưa thấy tài liệu nào nói đến. Hiện nay K1 và K2 đã được sản xuất dưới hai dạng thuốc ống để uống và thuốc viên rất tiện dùng và dễ uống; những cây thuốc trước đây chưa được chú ý nay đã được ghi vào danh mục để phát triển.
Cũng theo hướng này, năm 1969, những nhu cầu rất lớn về thuốc chữa bướu cổ ở nước ta, nhờ tham khảo tài liệu, chúng tôi được biết ở Liên Xô đã sử dụng cây ké đầu ngựa (có chứa nhiều iôt) để chữa bướu cổ. Tuy đây là một kinh nghiệm không thấy trong nhân dân ta cũng như trong đông y, nhưng chúng tôi cũng đặt vấn đề tìm thêm một công dụng mới cho một cây có nhiều ở nước ta. Sau khi kiểm tra và định lượng, thấy cây ké đầu ngựa ở nước ta dù mọc ở đồng bằng hay miền núi, đều chứa một lượng iôt khá cao, đủ để chỉ cần sử dụng với 1 đến 2g cây. Chúng tôi đưa vào sử dụng trên lâm sàng thấy kết quả rất tốt. Thế là, chúng ta đã có được một vị thuốc trong nước, mọc nhiều ở miền núi để chữa một bệnh phổ biến. Trước đây, thuốc iôt chữa bướu cổ hoặc phải mua của nước ngoài, hoặc mới đây ta chế được từ một loại rong mơ nhưng vì mọc ở dưới biển nên phải chế biến từ biển rồi vận chuyển lên miền núi, còn đây là một vị thuốc mọc ngay tại địa phương miền núi.
Đối với bệnh huyết áp, lúc đầu dựa theo kinh nghiệm của thế giới, chúng tôi đặt vấn đề di thực cây ba gạc ấn Độ Rauwoflia serpentina (1958), nhưng sau đó chúng tôi phát hiện thấy cây ba gạc Việt Nam Rauwoflia verticillata trước tiên ở Lào Cai (1959), sau đó ở Cao Bằng, Lạng Sơn và nhiều tỉnh khác. Sau khi so sánh hoạt chất và tác dụng khác, thấy cây ba gạc Việt Nam và cây ba gạc ấn Độ tương tự nhau, chúng tôi đặt vấn đề chế cây ba gạc Việt Nam dưới dạng cao lỏng và viên ancaloit toàn phần để dùng thay cho ba gạc ấn Độ. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là vận dụng một kinh nghiệm của nước ngoài vào một cây cùng họ, cùng chi ở nước ta. Trước một nhược điểm của thuốc ba gạc, chúng tôi đặt vấn đề tìm một đơn thuốc hoàn toàn Việt Nam, đã đưa ra đơn thuốc HA1, chế thành dạng thuốc ống để uống dùng hạ huyết áp lại tránh được những tác dụng phụ khó chịu của thuốc ba gạc. Đơn thuốc này hiện nay cũng đã được nhiều nơi đưa vào sản xuất hàng loạt hoặc dùng dưới hình thức kê đơn về sắc thuốc.
Thuốc tẩy giun sán cũng là một nhu cầu lớn đối với nước ta, nhưng hầu hết thuốc giun vẫn phải nhập như xăngtônin, piperazin; một số vị thuốc khác có trong nước như tinh dầu giun, sử quân tử, nhưng hoặc phức tạp trong cách dùng, khó uống hoặc không đủ nhu cầu. Chúng tôi dựa vào kinh nghiệm thu thập được trong nhân dân, kiểm tra lại trong phòng thí nghiệm và trên lâm sàng (trên hơn một vạn người), để dùng vỏ xoan (một nguyên liệu ta có rất sẵn, phần vỏ trước đây hoàn toàn vứt bỏ đi mỗi khi người ta chặt xoan lấy gỗ) để làm thuốc tẩy giun, sán. Kết quả: tỷ lệ ra giun rất cao, ra cả giun đũa lẫn giun kim, không phải dùng thuốc tẩy, còn đính chính được một thành kiến sai lầm cũ cho rằng vỏ xoan rất độc. Thực tế khi dùng đúng liều lượng thì không độc như người ta nghĩ, mà hiệu quả lại cao. Đối với bệnh sán, ngoài những vị thuốc như vỏ lựu, hạt bí ngô, hạt cau quen thuộc, dựa vào kinh nghiệm nước ngoài chúng tôi đã sử dụng có kết quả lông và hạch cây rùm nao Mallotus philippinensis mọc rất phổ biến ở trung du, tăng thêm một vị mới trong danh mục thuốc trị sán ở nước ta.
Cũng nhờ nắm vững được ta có những cây thuốc gì, có nhiều hay ít, đã được nhân dân sử dụng như thế nào, cho nên khi được Bộ y tế đề ra tìm một loại thuốc cho công nhân làm ở những nơi nóng uống (lò đúc gang, lò thủy tinh, lò xi măng v.v..) có khả năng giảm lượng mồ hôi, giảm mệt nhọc, giảm hiện tượng đi tiểu ra máu vi lượng rất hại người; sau khi đã nghiên cứu và thí nghiện trên thực địa, chúng tôi đã đưa vào sử dụng rộng rãi nước quả mơ (trước đây quả mơ chỉ dùng để chế ô mai). Sau công trình nghiên cứu này, một số cơ sở sản xuất đã chế thành nước giải khát phục vụ rộng rãi nhân dân trong mùa hè.
Tóm lại, nhờ theo đúng phương châm: trên cơ sở của khoa học hiện đại, thừa kế và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông, cho nên trong thời gian ngắn chúng tôi đã tìm được hai phương hướng trên và đưa được vào sản xuất một số thuốc chữa một số bệnh phổ biến ở nước ta. Những thuốc đưa ra do có hiệu lực, việc sử dụng laị thuận tiện, đơn giản hơn những các dùng cũ, đã góp phần làm cho quần chúng càng thêm tin tưởng vào kinh nghiệm của cha ôngvà nguồn dược liệu phong phú của nước nhà.
Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.