Khi chúng tôi bắt đầu
tiến hành công tác điều tra cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, ở nước ta
hầu như không thấy có một tài liệu nào giới thiệu phương pháp điều tra
tài nguyên thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng. Chúng tôi chỉ
biết đại khái là trước đây, để làm công tác điều tra thực vật ở toàn
Đông Dương, Pháp đã huy động một lực lượng và một bộ máy khá tinh vi,
chi phí một số tiền khá lớn, mà trong vài chục năm chưa hoàn thành.
Chúng tôi cũng chưa được thấy ai đã làm để học tập. Thêm một khó khăn nữa là công tác điều tra thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng, chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng của nó, nên chưa có biên chế và ngân sách riêng. Chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và dần dần đúc kết thành một số nguyên tắc rồi tùy nhiệm vụ, hoàn cảnh cụ thể từng lúc mà vận dụng cho thích hợp. Qua một số năm làm công tác điều tra tìm hiểu cây thuốc đặc biệt là từ khi hòa bình được lập lại, chúng tôi thấy trong công tác điều tra cần phải làm ít nhất một số việc sau đây:
1. Xác định rõ mục đích, yêu cầu của toàn bộ công tác điều tra và của từng đợt điều tra ngắn;
2. Lựa chọn những vùng đi điều tra trước, sau;
3. Tiến hành điều tra cụ thể.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số việc bản thân đã làm và hướng dẫn nhiều đoàn cùng làm trong những năm vừa qua:
1. Xác định rõ mục đích, yêu cầu của toàn bộ công tác điều tra ngắn. Chúng ta biết rằng công tác điều tra có thể nhằm nhiều mục đích: điều tra sự phân bố; điều tra trữ lượng, điều tra hoạt chất trong cây và hay điều tra công dụng, liều dùng, cách chế biến cây thuốc và vị thuốc trong nhân dân. Tùy theo mục đích, yêu cầu mà tổ chức cần thay đổi cho thích hợp. Hiện nay chúng tôi mới có khả năng đóng khung công tác điều tra trong việc phát hiện lại một số cây thuốc và vị thuốc được nhân dân quen dùng, nhất là những vị thuốc trước đây ta vẫn phải nhập và một số cây thế giới quen dùng, muốn hỏi mua của ta như: mã tiền (Strychnos nux vomica), vòi voi (Strophan-thus); ba gạc (Rauwolfia) .v.v.
Đồng thời chúng tôi chú ý điều tra cả cách chế biến, sử dụng vị thuốc trong nhân dân. Chúng tôi còn tiến hành điều tra một số hoạt chất trong cây thuốc như cây thuốc có tanin, có ancaloit, có tinh dầu, saponin, antraglucozit .v.v.
Chúng tôi chưa đi sâu vào điều tra trữ lượng, vì công tác này đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều người, tổ chức phải rất qui mô, tốn kém, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan ở một trình độ cao.
Trong mỗi đợt sưu tầm, chúng tôi lại xác định nhiệm vụ cụ thể của từng đợt. Ví dụ: trong đợt đi Lạng Sơn (8-1956) chúng tôi nhằm điều tra sơ bộ cây hồi và cách cất dầu hồi trong nhân dân giúp tổng công ty lâm thổ sản; trong đợt đi Sapa (8-1957) chúng tôi đi tìm hiểu cây thảo quả; đợt đi Thanh Hóa và Vinh (1959) chúng tôi nhằm phát hiện cây vòi voi Strophanthus và tìm hiểu cây quế .v.v. Lẽ dĩ nhiên trong mỗi đợt đi, ngoài nhiệm vụ chính đề ra, chúng tôi không bỏ việc tìm, phát hiện những cây khác.
Cũng vì xác định được nhiệm vụ chính cho vừa với khả năng, nên trong mỗi đợt đi điều tra nói chung, chúng tôi đều đạt kết quả tốt gây phấn khởi cho bản thân và những người cùng đi.
2. Lựa chọn những vùng để điều tra trước sau. Việc lựa chọn vùng để điều tra trước, sau rất cần thiết trong hoàn cảnh nhiều việc cần làm, mà khả năng có hạn. Căn cứ vào mục đích và hoàn cảnh thời gian, chúng tôi đã lựa chọn như sau:
a) Lúc đầu còn ít kinh nghiệm, chúng tôi tiến hành điều tra ở Hà Nội, vì như đã nói trong mục tình hình tổ chức khai thác cây thuốc ở Việt Nam, ở Hà Nội có một số bà hàng lá chuyên bán thuốc nam. Vì ở ngay Hà Nội, cho nên chúng tôi có thể xem cây thuốc khô và nếu cần có thể nhờ các bà dẫn đi xem những cây tươi. Trước kháng chiến, chúng tôi đã có dịp điều tra các hàng lá này và chúng tôi đã phát hiện thấy hầu hết các bà đều quê ở Đại Yên, một làng ngoại thành ngay vườn bách thảo; chúng tôi đã quen biết một số và biết được một số cây thuốc các bà hay buôn. Không những chúng tôi còn tự tiến hành điều tra, mà còn trao công tác này cho các sinh viên cùng làm, giới thiệu các chuyên gia nước bạn tới tìm hiểu kinh nghiệm của các bà. Có thể nói hòa bình lập lại, chúng tôi đã coi và biến đây thành một nơi để đưa sinh viên đến thực tập xem cây thuốc ở ngoài trời, do đó góp phàn làm cho dân làng và các bà thấy rõ tầm quan trọng của việc mình làm và càng thêm phấn khởi; vì trước đây không ai chú ý đến công việc của các bà. Được khuyến khích và nâng đỡ, chính quyền xã và các bà đã hết sức giúp đỡ chúng tôi trong công tác điều tra.
Tại Hà Nội, còn có rất nhiều hiệu thuốc đông y và các ông lang. Năm 1955, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu những kinh nghiệm quý báu của các cụ. Tuy trong giới đông y lúc đầu còn lẻ tẻ những hiện tượng giữ bí mật nhà nghề, nhưng chúng tôi kiên trì lấy lòng thành cởi mở để gần gũi các cụ, chủ động giới thiệu các cụ, chủ động giới thiệu một số kinh nghiệm của mình trước, chúng tôi thấy các cụ cũng không giấu gì đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng đã tham gia hội họp với các cụ trong hội y dược (một tổ chức tập hợp các cụ đông y ở Hà Nội và các tỉnh có từ trước hòa bình trong vùng tạm chiếm; hội này tồn tại cho đến năm 1958 là năm hội đông y mới hiện nay được thành lập) và trong các dịp sinh hoạt này, chhúng tôi đã đề nghị và được các cụ chấp thuận, biến vương hoa của Y miếu (Y miếu là miếu thờ các vị danh y có công đối với nền y học Á Đông, xây dựng từ đời Hậu Lê ở ngõ Ngô Sĩ Liên phố Sinh Từ nay là phố 224, số nhà 19A, được hội y dược dùng làm trụ sở của hội từ trước năm 1934) thành vườn cây thuốc. Từ năm 1955, chúng tôi vui mừng được thấy các cụ có tuổi trực tiếp cuốc vườn, đắp luống để trồng cây thuốc, các cụ đem trồng tại đấy những cây thuốc kinh nghiệm nhất của các cụ, có những cây các cụ đem từ những tỉnh xa về. Nhờ có vườn thuốc này, khi giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm, các cụ có thể chỉ cây, thống nhất tên cây, và nếu cần phổ biến giống. Chúng tôi cũng có thể do đó nhận xét cây thuốc tươi và xác định tên khoa học được dễ dàng, chính xác. Kinh nghiệm này về sau được phổ biến để xây dựng vườn thuốc tại các tỉnh.
Một lý do nữa đã quyết định chúng tôi chọn Hà Nội làm thí điểm điều tra đầu tiên vì Hà Nội là nơi tập trung đầu mối kinh doanh cây thuốc; từ cuối 1954, Bộ nội thương đã thành lập Tổng công ty lâm thổ sản chuyên kinh doanh các sản phẩm của rừng núi và đồng ruộng, trong đó cây thuốc chiếm một vị trí quan trọng. Tổng công ty này có chi nhánh khắp các tỉnh ở trong nước; ngoài những vị thuốc đang kinh doanh, Tổng công ty thường nhận được những mặt hàng mới do địa phương phát hiện được, gửi về hỏi xem có nên thu mua không vì nhân dân có dùng, hoặc vì trước đây thấy nói người ta có thu mua. Chúng tôi thường được hỏi đến với tính chất cố vấn do đó vừa giúp được Tổng công ty, đồng thời cũng lại nắm thêm được tài nguyên ở các nơi. Trong trường hợp nghi ngờ, chúng tôi cần tổ chức đi điều tra tại chỗ thì các cơ sở của tổng công ty ở các tỉnh đã giúp đỡ chúng tôi liên hệ với quần chúng địa phương. Đến năm 1957 do nhu cầu thuốc tăng lên, phần kinh doanh thuốc nam thuốc bắc của Tổng công ty này tách ra để thành lập "Công ty thuốc nam thuốc bắc trung ương", chúng tôi lại càng có nhiều điều kiện thuận tiện để hoạt động hơn nữa. Ngoài việc giúp đỡ Tổng công ty xác định những vị thuốc nghi ngờ, chúng tôi còn đề nghị tổ chức giúp Tổng công ty này đào tạo cán bộ thu mua dược liệu. Qua nhiều lớp đào tạo, con số cán bộ dược liệu lên tới 600. Những cán bộ được đào tạo tung đi khắp các tỉnh miền bắc lập thành mạng lưới giúp chúng tôi vươn đến khắp nơi. Mỗi khi cần về địa phương nào để xác định lại, chúng tôi đã có sẵn cơ sở giúp đỡ.
Chúng tôi chọn Hà Nội làm nơi thí điểm, vì ở Hà Nội việc đi lại dễ dàng, không mất nhiều thời gian; chúng tôi có thể tranh thủ những lúc rỗi rãi dù chỉ một hai giờ! Vì công tác mới làm nên còn đôi khi thiếu sót, trong trường hợp đó chúng tôi vẫn có thể có thời gian điều tra lại nhiều lần để làm cho tốt.
Tại Hà Nội còn tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, nhiều phòng thí nghiệm, nhiều cán bộ có khả năng. Ngoài sự cố gắng của bản thân, chúng tôi còn có thể tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của đông đảo cán bộ chuyên môn các ngành khác có liên quan, tham khảo các tài liệu về cây thuốc và vị thuốc.
Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy, nếu làm tốt ở Hà Nội, chúng ta có thể nắm được một nửa công việc giúp cho việc đi điều tra ở các địa phương sau này.
b) Sau Hà Nội, chúng tôi tiến hành điều tra ở các tỉnh vùng núi biên giới Trung Việt Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, rồi đến các tỉnh ven biển, trước tiên là các tỉnh ở ven biển miền Bắc (Quảng Ninh).
Qua sự tìm
hiểu các tài liệu và thực tế theo dõi ở những cơ sở kinh doanh thuốc
nam thuốc bắc ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy những vị thuốc mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều dùng thường có nhiều tài liệu hơn. Chúng tôi còn
biết là tại các tỉnh miền núi biên giới Trung Việt trước đây, các dân
tộc ít người thường khai thác một số vị thuốc bán thẳng sang Trung Quốc
qua các đường tiểu ngạch, để rồi các vị thuốc đó lại nhiều khi được
bán sang Việt Nam, qua đường biển với tên thuốc bắc. Một trong những
mục đích chúng tôi vạch ra là nhận rõ những vị thuốc bắc cần phải tiếp
tục nhập hay đi thực tế những vị thuốc bắc giả nghĩa là ở Việt Nam cũng
có để đặt vấn đề khai thác hay phát triển.
Đồng thời với việc tiếp
tục điều tra ở Hà Nội và sau khi đã có một số kinh nghiệm, chúng tôi
đã đi điều tra ở các tỉnh miền núi, trước tiên là các tỉnh biên giới
như Lạng Sơn (8-1956), Lào Cai (8-1957), Cao Bằng (1960 và 1962), Tây
Bắc (1960). Do đó chúng tôi đã phát hiện lại được cây kim anh
(Rosalaevigata) ở Lạng Sơn và Cao Bằng, cây tục đoạn (Dipsacus
japonica) ở Lào Cai - Sapa (1957), Cây đảng sâm ở Lạng Sơn (1960); nhờ
sự phối hợp với Tổng công ty lâm thổ sản, chúng tôi phát hiện lại những
cây gấu tàu (Aconitum fortunei), hoàng liên (Coptis) ở Sapa (1958)
v.v... Những vị thuốc đó trước kia thường phải nhập thì nay đã được
khai thác ở trong nước.
Tại các tỉnh ven biển, chúng tôi tìm hiểu các vị thuốc đặc biệt miền biển như cá ngựa (Hippocampus), rau câu (Gracilaria sp) ô tặc cốt (Sepia esculenta) ở Hòn Gai (1957), trân châu ở Hải Ninh. Đồng thời chúng tôi cũng biết rằng tại vùng này cũng có nhiều vị thuốc như các tỉnh miền núi. Tại những vùng ven biển này, vì giao thông thuận tiện, có nhiều người Trung Quốc đã đến sinh sống từ lâu đời, họ biết khai thác nhiều vị thuốc mà ông cha họ đã biết khai thác, sử dụng ở Trung Quốc; nay sang đây họ tiếp tục khai thác để sử dụng hay xuất về nước, trong khi nhân dân ta chưa chú ý khai thác như vị ba kích (Morinda officinalis), tắc kè (Gekko gekko) v.v...
c) Cũng trên tinh thần tìm, phát hiện trước những cây thuốc vẫn gọi là thuốc bắc, chúng tôi chú ý đến những vùng có khí hậu mát, lạnh gần giống khí hậu một số tỉnh miền nam Trung Quốc; chúng tôi đã tìm hiểu các vùng Sapa, Tam Đảo. Tại những vùng này chúng tôi còn chú ý tìm những cây mà Pháp đã di thực vào Việt Nam trước đây như cây áctisô (Cynara scolymus), bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum dens-leonis).
d) Ngoài
những vùng chủ yếu trên đây, khi có hoàn cảnh thuận tiện, chúng tôi
cũng không bỏ qua những tỉnh đồng bằng hay miền núi khác, nhất là những
tỉnh ở cực nam của miền Bắc nước ta có khí hậu nhiệt đới hơn, để tìm
những cây đặc biệt nhiệt đới như cây nhàu (Morinda citrifolia).
Trên
cơ sở những vùng đã chọn lựa, chúng tôi lần lượt tiến hành điều tra,
có những vùng điều tra một lần cũng có những vùng điều tra nhiều lần
vào những tháng khác nhau trong năm để có phát hiện những cây vào mùa
hoa quả của nó, giúp cho việc xác định tên khoa học được dễ dàng.
Ngoài
việc bản thân đi điều tra, chúng tôi còn tranh thủ đề nghị các cơ quan khác cùng làm. Nhờ được thông tri của Cục quân y (1958) và của Bộ y tế
(1959) trao trách nhiệm điều tra cho các địa phương, nên các tỉnh đều
có gửi báo cáo về tài nguyên hiện đang được khai thác hay có nhiều
triển vọng ở tỉnh mình. Nghiên cứu những báo cáo đó, đồng thời đối
chiếu với thực tế khai thác của Tổng công ty thuốc nam thuốc bắc trung
ương, chúng tôi chọn hướng để đi điều tra dần ở những vùng có những cây
chúng tôi chưa được xem tận mắt.
Như vậy, chúng tôi đã có dịp đi điều tra ở hầu hết các tỉnh trên miền Bắc, và chúng tôi rất vui mừng thấy phát hiện lại được một số lớn một vị thuốc thông thường nhất, cũng như một số lớn vị thuốc có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên còn cần phải tiếp tục đi sâu kiểm tra nhiều mặt khác nữa, đồng thời tiếp tục phát hiện thêm những cây mới hay ít nhất cũng phải phát hiện lại cho hết những cây có trong các tài liệu thống kê cũ.
3. Tiến hành điều tra cụ thể: Tùy theo vùng điều tra, chúng tôi áp dụng những phương pháp khác nhau. Nhưng nói chung bao giờ cũng gồm ba giai đoạn là: Chuẩn bị, vận động quần chúng, thu thập mẫu, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.
a) Trong khi chuẩn bị, cần nghiên cứu những tài liệu đã có về những cây định tìm (tài liệu, hình vẽ màu nếu có, sưu tập cây khô) để có thể hình dung được những cây định tìm; nghiên cứu địa lý những vùng dự định đi điều tra, đặc biệt về mặt kinh tế, nhất là những tài nguyên liên quan đến cây thuốc. Số người tham gia không cần nhiều (thường chỉ 2-3 người, trong đó cần có người chuyên về dược liệu và thực vật) chuẩn bị những phương tiện để lấy mẫu cây, lấy hạt giống, cây con đem về trồng. Nếu có điều kiện mang theo cả một số thuốc thử hóa học để có thể tìm hoạt chất tại chỗ, nhưng ta nên chú ý tránh mang những dụng cụ có thể nhờ địa phương giúp đỡ mà không trở ngại nhiều đến công tác của họ như kính hiển vi, một số dụng cụ chính xác khác. Cần liên hệ trước với nơi mình định tới bằng thư từ hay cử người đến trước.
b) Vận động quần chúng tham gia điều tra. Vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của công tác điều tra. Nhân dân ta thường nói "ở trong mỗi người chúng ta đều có một ông lang". Thật thế, qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thấy hầu như ai cũng có thể giới thiệu cho ta một bài thuốc, một vị thuốc kinh nghiệm của mình hay của gia đình mình. Cho nên trong mọi cuộc điều tra chúng tôi đặc biệt chú ý làm sao cho có thật nhiều người giới thiệu cây thuốc hay bài thuốc, rồi dựa trên cơ sở những cây giới thiệu, lựa chọn thêm hướng đi cụ thể ở mỗi địa phương. Đối tượng vận động chủ yếu là những ông lang, bà mế, bà hàng lá, những người từ trước đến nay vẫn sống bằng nghề đi kiếm lâm sản để bán (vì có thể trước đây họ đã lấy cây thuốc để bán). Nhưng còn một lực lượng rất quí, mà ta thướng ít chú ý đến là các học sinh và các em bé chăn trâu. Do sống gần thiên nhiên nên các em biết rất tỉ mỉ những điều mà các em chú ý hay các em thấy người khác đã làm. Chính nhờ một em bé chăn trâu 11 tuổi mà năm 1959, chúng tôi đã tìm được rất nhiều cây ba gạc (Rauwlo-fia) ở Sapa, trong khi đó người lớn đều nói không biết hay nói là ở rất xa; năm 1957, cũng chính nhờ hai em bé học sinh khác ở Sapa hướng dẫn mà chúng tôi đã phát hiện được cây hoàng tinh (Polygonatum) làm thuốc bổ, một giống bạc hà mọc hoang rất thơm và một số cây thảo quả mọc hoang ở một khu rừng gần ngay thị trấn Sapa. Tại miền núi có nhiều đồng chí trong Ủy ban hành chính vốn gia đình có biết thuốc, nên cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc phát hiện những cây thuốc mới có giá trị.
Nhưng làm thế nào để khêu gợi được quần chúng? Còn
tùy hoàn cảnh cụ thể, tùy người mà thay đổi, nhưng trước hết phải có
lòng tin tuyệt đối và thành tâm học tập kinh nghiệm của nhân dân. Ví dụ
như ở Hà Nội, thường chúng tôi tới thăm hỏi các nhà ông lang, tham dự
các buổi họp mặt của các cụ, hoặc đến tìm các bà hàng lá ở đầu phố, góc
chợ. Nhiều khi phải mua của các bà một số thuốc rồi mới lân la hỏi
chuyện. Chúng tôi giới thiệu trước những kinh nghiệm của chúng tôi hoặc
những điều khoa học mới đã chứng minh kinh nghiệm của các cụ. Sau khi
thu thập kinh nghiệm, chúng tôi phải tiến hành một sự chọn lọc kiểm tra
cẩn thận, vì nhiều khi các cụ cũng nhầm lẫn.
Khi đến các tỉnh, sau
khi tiến hành xong các thủ tục hành chính cần thiết, thường chúng tôi
thăm hỏi các cụ lang có uy tín ở địa phương hoặc nếu không có gì phiền
nhiễu thì triệu tập mời các cụ họp mặt để trao đổi kinh nghiệm rộng
rãi. Từ năm 1958, sau khi Hội đông y chính thức được thành lập ở Hà Nội
và ở các tỉnh, đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tập hợp lực
lượng. Đối với những tỉnh chưa có Hội đông y, chúng tôi vẫn dựa vào các
Công ty lâm thổ sản địa phương, các cơ quan phụ trách thu mua hàng
xuất khẩu hay một tổ chức tương tự ở xã hay huyện.
Trước năm 1960, vì Bộ y tế chưa quản lý vấn đề thuốc nam thuốc bắc, cho nên nói chung, chúng tôi có rất ít liên hệ; nhưng từ năm 1960, khi nhiệm vụ kinh doanh thu mua thuốc nam thuốc bắc được chuyển về ngành y tế phụ trách, thì chúng tôi đã được các ty y tế giúp đỡ, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục liên hệ với những cơ quan cũ.
Trong các cuộc họp mặt, trước hết chúng tôi trình bày mục đích điều tra về các cây thuốc và bài thuốc, sau đó đề nghị các cụ có điều gì chỉ dẫn hay muốn giới thiệu những người nào có kinh nghiệm ở địa phương. Sau đó chhúng tôi hỏi thăm về những cây chúng tôi định tìm. Trong trường hợp này cần có hình vẽ màu hay tối thiểu cũng phải có hình vẽ đen. Nếu cần thì phải nói đến công dụng của nó để gợi ý. Khi giới thiệu công dụng chữa bệnh của cây định tìm, phải nói các triệu chứng để các cụ dễ hiểu vì nhiều khi người ta không hiểu tên bệnh mà chỉ biết các triệu chứng thôi. Nhiều khi lại phả hỏi theo đường vòng: ví dụ tìm cây vòi voi (Strophanthus) là một cây trong nhân dân chưa dùng để chữa bệnh, chúng tôi phải điều tra bằng cách hỏi về những cây nhân dân vùng đó đã dùng để tẩm tên thuốc độc dùng trong việc săn bắn.
Sau khi nghe các cụ giới thiệu chúng tôi lựa chọn những cây đáng chú ý, hỏi lại một vài chi tiết để kiểm tra, sau đó nhờ các cụ cho người dẫn đường đi tìm trong rừng. Nếu những cây đó đã có trồng ở vườn đông y các tỉnh thì xem ở vườn trước khi đi rừng. Khi đi theo những người dẫn đường địa phương, đồng thời với việc tìm những cây người ta giới thiệu, chúng tôi tìm thêm những cây dự định tìm và những cây có giá trị khác.
Trong khi đi điều tra thực địa như vậy, do chúng tôi đi thành đoàn, mang theo những dụng cụ hơi lạ mắt với nhân dân địa phương (kép ép cây, thùng đựng cây, máy ảnh v.v...) một số người tò mò và nhất là các trẻ em hay đi theo xem, chúng tôi không bỏ lỡ dịp giới thiệu mục đích điều tra và hỏi khéo những cây định tìm, những người có tài chữa bệnh ở địa phương; do đó nhiều khi tìm được những vấn đề mới không ngờ đến. Có nhiều em bé tự nguyện xung phong đi dẫn đường. Cứ như vậy, từ địa phương này đến địa phương khác, chúng tôi dần dần phát hiện lại những cây thuốc hay dùng nhất. Đến địa phương sau chúng tôi giới thiệu những kinh nghiệm của địa phương trước đã được kiểm tra nghiên cứu rồi.
Một hình thức quan trọng nữa để động viên quần chúng đông đảo tham gia công tác điều tra là triển lãm. Thường người ta chỉ hay dùng triển lãm để biểu dương kết quả. Nhưng qua nhiều đợt triển lãm, chúng tôi thấy ngoài việc dùng để biểu dương kết quả, triển lãm còn là một phương tiện điều tra rất tốt.
Cuối năm 1956, chúng tôi tổ chức một cuộc triển lãm đầu tiên (ở Trường đại học y dược) nhằm giới thiệu những kết quả bước đầu của việc tìm hiểu và nghiên cứu khai thác từ trong kháng chiến và sau khi hòa bình lập lại để nhằm gây tin tưởng đối với cây thuốc Việt Nam. Cuộc triển lãm được sự cộng tác chặt chẽ của phòng dược liệu thuộc Tổng công ty lâm thổ sản và Cục quân y. Tuy chỉ mở cửa có ít ngày nhưng phòng triển lãm đã thu hút được hàng mấy nghìn người xem, trong đó có rất nhiều chuyên gia nước bạn. Đặc biệt cuộc triển lãm được vinh dự đón tiếp Hồ Chủ Tịch và phái đoàn chính phủ của Trung Quốc do thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu tới thăm nhân dịp phái đoàn tới thăm trường đại học y dược. Trong cuộc triển lãm chúng tôi có dựng một bản đồ cây thuốc đầu tiên ở Việt Nam. Vì mới xây dựng lần đầu, cho nên có nhiều vị thuốc chưa được ghi vào và nhiều vùng có vị thuốc quí chưa được nêu lên. Chúng tôi nhận thấy quần chúng đến xem triển lãm bổ sung khá nhiều chi tiết đáng quí. Do đó, chúng tôi đã rút kinh nghiệm dùng triển lãm làm phương tiện điều tra trong những đợt sau. Sau đó, chúng tôi đã dùng triển lãm phối hợp làm điều tra ở Hồng Quảng (1959), ở Cao Bằng (1962) và ở Hà Tĩnh (1963).
Ngoài những hình thức thông thường để tuyên truyền cho giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế của cây thuốc, chúng tôi chú ý giới thiệu những cây thu thập được ở địa phương mà chúng tôi đã xác nhận giá trị do những nghiên cứu từ trước, giới thiệu cả người nào đã giới thiệu đơn thuốc hay vị thuốc đó, vẽ một bản đồ dược liệu sơ lược của vùng đó, rồi đề nghị những người tới xem bổ sung, góp ý thêm. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, chúng tôi lựa chọn và lại điều tra thêm nữa. Những người mách thuốc thường là những người hướng dẫn chúng tôi trong đợt điều tra mới này.
c)
Thu thập mẫu cây, xác định tên khoa học, nghiên cứu hoạt chất và
nghiên cứu tác dụng dược lý. Trong khi tiến hành điều tra, cần thu thập
những mẫu cây. Phải cố gắng lấy mẫu cây có đủ hoa quả và bộ phận dùng
làm thuốc. Nhưng nếu đi điều tra không đúng mùa có hoa quả, thì cũng
vẫn phải hái những bộ phận còn lại vì có vẫn hơn không; sau này sẽ chú ý
trở lại khi có dịp. Trên cơ sở những bộ phận hái được, nhiều khi cũng
có thể xác định được hay ít nhất cũng cho ta một khái niệm về cây. Đồng
thời với việc lấy mẫu, cần ghi chép màu sắc của hoa, quả, lá, vì sau
này cây ép khô sẽ mất màu tự nhiên, mà màu sắc nhiều khi là một tiêu
chuẩn giúp ta xác định cây thuốc.
Nếu có người biết dùng thuốc thì
cần hỏi ngay dùng chữa bệnh gì, cách bào chế, dùng tươi hay dùng khô,
liều lượng và cách dùng. Chúng ta đã biết rằng do cách bào chế khác
nhau, liều lượng tác dụng có thể khác nhau. Ví dụ: dùng tươi mới có tác
dụng, còn dùng khô không có tác dụng. Chúng ta chỉ cần nhớ một thí dụ
thông thường hàng ngày: mía ăn tươi có vị ngọt, nếu đem phơi khô sẽ mất
hết chất ngọt. Từ đó suy ra thuốc cũng vậy. Cho nên càng thu thập được
nhiều chi tiết càng tốt.
Cùng với việc thu thập tiêu bản cây khô,
cần thu thập cả hạt để về trồng và theo dõi; Nhiều khi hái cành, hay
đào cây con, mẫu rễ vì có nhiều cây trồng bằng cành hay mẫu rễ thì mọc
bảo đảm hơn.
Đối với một số cây quan trọng định nghiên cứu sâu thêm
về hóa học hay dược lý, cần thu hái một lượng nguyên liệu càng nhiều
càng tốt, ít nhất cũng 1 đến 5kg.
Việc nghiên cứu sơ bộ hoạt chất có thể tiến hành tại chỗ đối với một số chất không đòi hỏi thiết bị cồng kềnh. Ví dụ: ta có thể sơ bộ xác định sự có mặt của tinh dầu bằng mùi thơm, của chất béo bằng cách ép giữa hai tờ giấy thấy có vết mờ trong hay của chất ancaloit bằng giấy có tẩm thuốc thử Draggendorf. Nhưng dù sao sự nghiên cứu tại chỗ cũng chỉ có giá trị sơ bộ; cần phải điều tra lại trong điều kiện đầy đủ của phòng thí nghiệm.
Phương pháp xác định sơ bộ hoạt chất chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong bộ sách "Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam" và một số tài liệu khác nên không nói lại ở đây. Việc xác định tên khoa học cũng có thể tiến hành sơ bộ tại chỗ, nhưng bao giờ cũng phải kiểm tra lại cẩn thận tại phòng thí nghiệm, đối chiếu với các tài liệu cho chắc chắn. Sau khi xác định tên khoa học, còn cần xác định tên cổ hay tên Trung Quốc của vị thuốc, vì chúng tôi phải tìm tài liệu về cây thuốc không những trong các sách hiện đại mà còn cả những sách cổ nữa. Trong khi tra khảo các tài liệu mới và cũ về cây thuốc, nếu thấy tài liệu và những điều được giới thiệu trong nhân dân ăn khớp thì thôi; nếu không khớp thì ghi lại để khi có dịp sẽ kiểm tra thêm. Có nhiều vị thuốc không thấy có tài liệu để tham khảo, chúng tôi cũng ghi chép lại, nhưng chú ý trước tới những vị thuốc mà nhiều nơi giới thiệu giống nhau.
Việc nghiên cứu đi sâu đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều chi phí, do phương tiện có hạn nên chúng tôi chỉ đóng khung vào việc đi sâu nghiên cứu một số vị thuốc nào cần thiết đối với nhu cầu trong nước hay có giá trị xuất khẩu cao. Đối với những vị khác, chúng tôi để lại sau, hay giới thiệu những người khác nghiên cứu.
Qua hơn 30 năm nghiên cứu, tìm hiểu về cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, đặc biệt từ ngày hòa bình lập lại, chúng tôi rất vui mừng thấy chúng ta đã phát hiện lại hầu hết những vị thuốc thông thường nhất và một số lớn các vị thuốc có giá trị cao về xuất khẩu.
Đối với một số cây thuốc, chúng tôi đã có dịp đi sâu nghiên cứu về thực vật, hóa học và tác dụng dược lý; một số đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong thực tế. Nhưng còn rất nhiều vị chỉ mới nêu được vấn đề, thu thập một số tài liệu tương đối mới nhất để bước đầu giúp các bạn sau này muốn đi sâu nghiên cứu về cây thuốc và vị thuốc ở nước ta.
Dù sao đây cũng mới chỉ là những kết quả đầu tiên còn nghèo nàn. Chúng tôi tin rằng với hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đã có Viện dược liệu (thành lập tháng 7-1961) chuyên nghiên cứu về cây thuốc, công tác điều tra cây thuốc lại được chính thức ghi vào trong kế hoạch nghiên cứu của Bộ y tế và của Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, có nhiều đơn vị tham gia phối hợp, chắc chắn trong gia đoạn sắp tới công tác dược liệu sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.