Giới thiệu sách

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cây thuốc Việt Nam và vai trò của Giáo sư Đỗ Tất Lợi trong việc nghiên cứu các cây đó

Nguồn tin:  Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Cập nhật: 14/12/2024 08:02 SA

IMG

Giá trị và mức độ nghiên cứu nền y học Việt Nam Rõ ràng là vô lý, đôi khi ta gọi nền y học khoa học hiện đại là "tây y". Điều đó chỉ có thể đúng theo ý nghĩa địa lý hẹp, bởi vì nền y học đó thực sự bắt đầu vào nửa thế kỷ vừa qua từ các bệnh viện ở Pháp, Anh, Đức và cũng như ở một số nước châu Âu, kể cả nước Nga. Chẳng bao lâu nền y học đó, một nền y học được xây dựng trên kinh nghiệm lâm sàng và trên những dẫn liệu vật lý, hóa học, giải phẫu và sinh lý người đã vượt khỏi biên giới lục địa châu Âu và thực sự trở thành nền y học của cả nhân loại. Ngày nay, các nhà bác học của tất cả các nước trên thế giới đóng góp xây dựng nền y học khoa học đó với mức độ như nhau. Y học khoa học hiện đại hiện nay khác hẳn với nền y học tây y châu Âu trung cổ cũng như nó khác với nền y học vổ truyền của các dân tộc châu Âu, Tây Tạng hay Trung Quốc.

Điểm ưu việt nổi bật của nền y học hiện đại so với nền y học cổ truyền không có nghĩa là các nhà y học hiện đại được quyền bỏ qua những kinh nghiệm quí báu đã tích luỹ được (và hiện nay vẫn còn đang tích lũy nữa) của y học dân gian các nước châu á, Phi và Mỹ la tinh. Nhất là kho tàng dược liệu của những nền y học đó.

Một số những cây thuốc đó, dưới dạng này hay dạng khác được dùng làm nguyên liệu chế các chế phẩm của nền y học khoa học hiện đại; những cây thuốc đó tuy đã nhiều loại nhưng cũng chỉ là một nhóm rất nhỏ bé so với kho tàng các cây thuốc của y học phương Đông. Về căn bản, đó chỉ là những cây thuốc ở miền Địa Trung Hải, miền Trung Âu và đã được biết từ thời đại Galiêng, Điôtxcôriđơ và Hipôcrat.

Sau khi đã vứt bỏ một cách không thương tiếc các quan điểm lý thuyết trung cổ của những người tiền bối, nền y học khoa học hiện đại hầu như đã mượn toàn bộ của nền y học cũ những cây cỏ, vỏ, rễ v.v.. mà các thầy thuốc châu Âu trung cổ đã dùng để chữa bệnh. Ta không lấy làm lạ rằng tất cả những kinh nghiệm to lớn của nền y học cổ truyền của các dân tộc á, Phi, Mỹ la tinh bao gồm hàng trăm nghìn cây thuốc (cả động vật nữa) đã tham gia tương đối ít ỏi vào nền y học khoa học hiện đại. Có thể giải thích tình trạng đó xuất phát từ mâu thuẫn đối kháng vốn có giữa nền y học cổ truyền của những nước thuộc địa và nửa thuộc địa với nền y học hiện đại nằm trong tay những thầy thuốc châu Âu hay Bắc Mỹ. Ngay cả những thầy thuốc của dân tộc á, Phi và Mỹ la tinh được đào tạo trong các trường đại học y khoa châu Âu tổ chức ngay trên đất nước họ, cũng thường nghi ngờ hoặc khinh thường những kinh nghiệm y học của chính nước mình. Còn những thầy thuốc dân gian (thầy lang) của những nước đó, do bị chê cười và có khi bị truy nã nữa đã coi nền y học khoa học là nền Y học của bọn “da trắng" và thường có thái độ thù địch sâu sắc.

Mới gần đây tình trạng không hiểu biết lẫn nhau và thái độ thù nghịch mới bắt đầu được tiêu tan khi mà trong thời đại chúng ta, đa số các nước vùng nhiệt đới đã dành được độc lập.

Học thuyết y học cổ truyền về bản chất của bệnh đã phát sinh từ thời cổ một cách độc lập trong nền văn hóa của những dân tộc khác nhau ở châu á, sau đó nó bị biến dạng theo thời gian và có màu sắc riêng đối với từng nước khác nhau ở phương Đông. Dưới ánh sáng của các thành tựu khoa học hiện đại, rất nhiều quan điểm lý thuyết của y học cổ truyền đã tỏ ra rất ngây thơ và tất nhiên đã mất hết giá trị. Nhưng trong nền tảng của y học cổ truyền đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu về việc sử dụng các dược liệu nguồn gốc thực vật và động vật nhằm mục đích chữa bệnh. Kinh nghiệm của rất nhiều thế hệ các nhà y học dân gian đã lựa chọn được những dược liệu hiệu nghiệm nhất. Không phải ngẫu nhiên mà trong kho tàng thuốc đông y có một số dược liệu được lưu truyền hàng trăm, và có khi hàng nghìn năm (nhân sâm, đại hoàng v.v... Hammerman 1958).

Thuốc đông y và phương pháp sử dụng thuốc đông y có những điểm khác nhau về căn bản so với những vị thuốc mọi người đã quen biết và được ghi trong các Dược điển (Nicônôv và những người khác, 1961; Brekhman 1963; Brekhman và những người khác, 1963):

   1) Nhóm những cây thuốc dùng trong đông y khác và nhiều hơn so với nhóm những cây thuốc dùng trong tây y (Hammerman, Kêmitrév 1963).

   2) Đông y rất coi trọng sự phức hợp tự nhiên của các chất trong cây. Hơn thế nữa, Đông y còn chú ý làm cho phức hợp thêm. Thường thường trong nhiều đơn phức hợp của đông y, ta thấy nhiều vị thuốc gần gũi nhau về nguồn gốc thực vật hoặc về tác dụng trị bệnh. Còn y học khoa học (tây y) thì thường không dùng những vị thuốc nguồn gốc tự nhiên mà chỉ hay dùng những vị thuốc nguồn gốc tổng hợp. Các cây thuốc được thường loại hết chất độc và dùng dưới dạng các hoạt chất tinh khiết.

   3) Trong đông y, dạng thuốc phổ biến nhất là thuốc sắc hay vị thuốc tán thành bột hầu như không chế biến gì khác. Trong y học khoa học hiện đại, người ta dùng riêng từng hoạt chất của vị thuốc được chiết ra bằng những dung môi hữu cơ.

   4) Đông y đặc biệt dùng những vị thuốc ít độc có tác dụng chung và thường ít dùng với liều lượng lớn. Y học hiện đại dùng nhiều vị thuốc chữa triệu chứng, có dược lực rõ rệt, thường có tác dụng mạnh và độc.

   5) Đơn thuốc của y học cổ truyền rất phức tạp, nó gồm một, vài khi tới hàng trăm chục vị thuốc. Còn y học hiện đại thường dùng các đơn thuốc gồm một vị thuốc.

   6) Đông y dùng nhiều vị thuốc nguồn gốc động vật hơn những vị thuốc nguồn gốc động vật được thừa nhận chính thức trong các Dược điển các nước Âu, Mỹ.

Với những điểm khác nhau căn bản đó và một số điểm khác nữa, Đông y đã chữa được nhiều bệnh bằng những vị thuốc đặc biệt của mình và ở các nước phương Đông nó đã được thừa nhận chính thức và về căn bản đã thỏa mãn nhu cầu điều trị thuốc men của nhân dân các nước đó; mặc dầu dân chúng vẫ không từ chối dùng thuốc kháng sinh và những vị thuốc khác là thành tựu mới nhất của y học khoa học.

Tất cả những điều nói trên áp dụng đầy đủ cho nền y học cổ truyền của nhân dân Việt Nam (đông y).

Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, giữa thế kỷ vừa qua những người châu Âu bắt đầu nghiên cứu một cách khoa học nền y học của Việt Nam và những cây thuốc Việt Nam. Phần lớn những công trình của Pháp dành cho việc nghiên cứu thực vật chí (Flora) của Việt Nam (gồm Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ là ba phần thuộc Pháp và cũng bị chia riêng biệt vào hồi đó) nhưng cũng có những công trình riêng chuyên nghiên cứu về các cây thuốc của y học cổ truyền.

Lần đầu tiên thầy thuốc Torell (theo tài liệu của Brentschneider 1898) đoàn viễn du miền Đông Dương (Indochine) của Pháp đã công bố những bút ký về y học vùng này trong các tài liệu của cuộc viễn du.

Regnault (1902) đã xuất bản một cuốc sách nói tỉ mỉ về nền y học cổ truyền của hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc nhưng chưa phân tích được sự khác nhau giữa hai hệ thống y học đó. Ông đã dẫn ra 494 dạng cây thuốc, tên gọi các cây thuốc được ghi bằng chữ Hán, đồng thời lần đầu tiên các cây đó có tên gọi khoa học bằng tiếng la tinh. Tiếp sau đó xuất hiện công trình về Dược liệu Việt Nam do nhà Dược liệu học nổi tiếng thành phố Paris tên Perô (Perrot, Hurrier 1907) và một số công trình khác nhữa. Nhưng tất cả các công trình đó không có những tài liệu về thành phần hóa học của các cây cũng như tác dụng dược lý của chúng.

Những cây thuốc được sử dụng cả trong nền y học Trung Quốc và ấn Độ đã được các nhà bác học châu Âu khảo cứu và tài liệu về các cây đó phong phú hơn.

Năm 1939, do cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, quan hệ giữa Pháp và Việt Nam bị gián đoạn và đồng thời công tác khoa học cũng bị ngừng trệ mặc dù những công trình riêng biệt hoàn thành dựa trên các tài liệu thu thập trước đây vẫn tiếp tục xuất bản. Đáng chú ý là các công trình của nhà thực vật học người Pháp Pételot. Ngay từ những năm trước chiến tranh, cùng với Crevost, ông đã xuất bản danh mục sản vật Đông Dương. Vị thuốc (Catalogue des Produits de l' Indochne - Produits médicinaux) gồm 2 cuốn (Crevost - Pételot, 1928 - 1935). Sau chiến tranh lại xuất bản cuốn sách gồm 2 tập của Pételot (1952 - 1953) về cây thuốc của Cămpuchia, Lào và Việt Nam.

Chỉ những năm gần đây mới thấy xuất hiện những công trình tuy vẫn còn ít ỏi của chính những nhà khoa học Việt Nam mà chúng tôi đã có được in (Đỗ tất Lợi 1964; Vũ văn Chuyên 1964).

Trong những năm kháng chiến, nhân dân Việt Nam thiếu hẳn một hệ thống y tế theo nghĩa hiện đại. Chẳng có sunfamit, các thuốc kháng sinh cũng như các dược phẩm quan trọng khác nữa. Mặc dù như vậy nhân dân Việt Nam chiến đấu và quân đội của họ vẫn có được nền y tế có hiệu quả xây dựng trên các nguyên tắc và phương thuốc của nền y học cổ truyền của Việt Nam. Trong các rừng rậm, đôi khi có thể gây ra các nguy hiểm tới tính mệnh, người ta thu hái các cây thuốc; nhiều cây thuốc đó được trồng riêng biệt. Trong các khu du kích không phải chỉ có các của hàng thuốc mà còn có cả xưởng bào chế hoạt động nữa.

Hiện nay ở nước Việt Nam có 2 hệ thống y tế: một hệ thống được xây dựng trên những nguyên lý chung của y học khoa học hiện đại, còn hệ thống kia hoàn toàn dùng các dược liệu của đông y (1), một nền y học hợp pháp được chính phủ Việt Nam nâng đỡ. Cả hai hệ thống đó không mâu thuẫn với nhau mà tồn tại song song làm phong phú cho nhau.

Chú thích (1): Từ đây về sau, ta hiểu đông y là nền y học cổ truyền của Việt Nam như ở Việt Nam người ta thường gọi.

Tại nhiều lànng, thôn có các trạm y tế chỉ có những lương y trình độ trung cấp làm việc. ở những bệnh viện huyện và tỉnh có những nhóm lương yhoạt động và họ điều khiển một khoa riêng biệt. Không những chỉ ở tỉnh, mà ngay ở Hà nội ta có thể thấy những bệnh viện trong đó mọi việc chữa chạy đều dựa vào đông y mà không lấy một thầy thuốc có bằng cấp tây y. Thường thường những bệnh viện đó chuyên chữa một số ít bệnh nhất định.

Năm 1957 ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành lập hội đông y, đến nay đã có tới 16.000 hội viên. Tại các huyện, tỉnh có các ban chấp hành huyện, tỉnh. Hàng năm hội tiến hành mở đại hội để kiểm điểm kết quả sử dụng đông y. Tại Trường Đại học Y khoa ở Hà Nội, nơi giảng dạy tây y đã có bộ môn đông y riêng. Các sinh viên y khoa trong vòng 45 ngày được nghe giới thiệu những cơ sở của nền y học cổ truyền của Việt Nam. Ngoài ra còn tổ chức lớp bồ dưỡng nghiệp vụ cho các lương y trình độ trung cấp và cao cấp. Nhưng phần lớn các lương y được đào tạo theo nguyên tắc "thầy kèm trò".

Đối với sự phát triển của học thuyết đông y, Viện Đông y thành lập năm 1957 đã có một giá trị rất lớn lao. Trong các nhiệm vụ của Viện có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm của đông y, kiểm tra laị những vị thuốc hiệu nghiệm nhất để phổ biến ứng dụng rộng rãi trong nhân dân.

Sự tổ chức các công việc ở đây là một thí dụ về mối liên hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa hai nền y học. Mỗi bệnh nhân đều được các lương y và các bác sĩ tây y khám bệnh. Công tác điều trị tại các khoa của Viện (phương pháp chẩn bệnh hiện đại, việc trông nom người bệnh, bệnh án v.v...) ở một trình độ khá cao. Màng lưới tổ chức cung chấp thuốc đông y trong toàn quốc ở mức độ quốc doanh. Có cả một màng lưới thu mua để thu mua các cây thuốc mọc hoang và các cây thuốc do hợp tác xã trồng được để chuyển vào kho quốc doanh dược liệu. Quốc doanh dược liệu cung cấp dược liệu cho các cửa hàng, bệnh viện và các xí nghiệp dược phẩm. Xí nghiệp dược phẩm ở Hải Phòng chuyên sản xuất các thuốc bào chế đông y.

Người có công đóng góp vào việc tổ chức cung cấp thuốc đông y của nhân dân Việt Nam chiến đấu và trong việc nghiên cứu kho tàng to lớn các vị thuốc Việt Nam là một người con của nhân dân, nhà bác học nổi tiếng, giáo sư Đỗ Tất Lợi.


I. I. Brekman, A. F. Hammerman, I. V. Gruxvitxki và A. A. Iaxenkô-Khmêlepxki


Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn www.dotatloi.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Bách hợp
10/04/2025 08:24 CH

- 百合. Còn gọi là cây tỏi rừng (Sơn Pha, Sơn Đông, Lạng Sơn). Tên khoa học Lilium brownii F. E. Br. var. colchesteri Wils. Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Bách hợp (Bulbus) là dò phơi hay sấy khô của cây bách hợp và một số cây cùng chi. Tên bách hợp là do chữ...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Ba chạc - 三桠苦. Còn gọi là dầu dấu, bí bái, mạt, kom la van tio tăng (Viêm tian), swai anor (Cămpuchia). Tên khoa học Evodia lepta (Spreng) Merr. (Evodia triphylla Guill, non DC.). Thuộc họ Cam quít (Rutaceae).
Ba chẽ - 假木豆. Còn gọi là ba chẽ, niễng đực. Tên khoa học Desmodium cephalotes Wall. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Ba đậu - 巴豆. Còn gọi là mắc vát, cóng khói, bã đậu, giang tử, mãnh tử nhân, lão dương tử, ba nhân, mần để, cây để, cây đết, phổn (Hòa Bình). Tên khoa học Croton tiglium L. Thuộc học Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây ba đậu cho ta các vị thuốc sau đây: (1) Hạt ba đậu (Semen Tiglii) là hạt ba đậu phơi khô; (2) Dầu ba đậu (Oleum Tiglii) là dầu ép từ hạt ba đậu; (3) Ba đậu sương là hạt ba đậu sau khi đã ép hết dầu đi rồi. Vì vị thuốc giống hạt đậu, lại sản xuất ở Ba Thục (vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc hiện nay) do đó có tên này.
Ba đậu tây - 響盒子 (响盒子). Còn gọi là điệp tây, cây vông đồng, sablier. Tên khoa học Hura crepitans L. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Bấc đèn - 燈心草 (灯心草). Còn có tên là đăng tâm thảo. Tên khoa học Juncus effusus L. var. decipiens Buch. Thuộc họ Bấc (Juncaceae). Đăng tâm thảo (Medulla Junci caulis) là ruột phơi khô của thân cây bấc đèn.
Bạc hà - 薄荷. Tên khoa học Mentha arvensis L. Thuộc họ Hoa môi (Labiatae). Bạc hà là một vị thuốc rất phổ thông ở nước ta. Nó được dùng trong cả đông y và tây y. Cây bạc hà cho những vị thuốc chủ yếu sau đây: (1) Bạc hà (Mentha hay Herba Menthae) là toàn bộ phận trên mặt đất, tươi hay phơi hoặc sấy khô của cây bạc hà; (2) Bạc hà diệp (Folium Menthae) là lá bạc hà tươi hay phơi hoặc sấy khô; (3) Tinh dầu bạc hà (Oleum Menthae) là dầu cất từ cây bạc hà; (4) Mentol hay bạc hà não (Mentol-Mentol) là chất đặc, trắng chiết từ tinh dầu bạc hà ra. Về mặt thực vật cần phân biệt nhiều loài bạc hà hiện có ở nước ta. Loài chủ yếu thường gặp là loài Mentha arvensis L. mọc hoang rất nhiều ở nước ta, nhưng qua mấy năm điều tra, chúng tôi chưa thấy lại. Tuy nhiên trong thời gian từ năm 1955 đến nay, chúng tôi đã di thực được loài Mentha piperita L. này bằng hạt nhận được ở Pháp (1956) và dây giống bạc hà của Liên Xô (1958) hiện nay đã phổ biến đi nhiều nơi và của Đức (1962) ở nước ta.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]