Các công trình nghiên cứu của ông Đỗ Tất Lợi có tới hơn 70 bản đã xuất bản. Nếu xét tới những bước đầu nghiên cứu của ông Đỗ Tất Lợi trong hoàn cảng kháng chiến, lúc không thể mơ tưởng việc xuất bản các tài liệu khoa học một cách bình thường, ta sẽ phải kinh ngạc năng lực và khả năng lao động của ông.
Trong đại đa số các công trình, ông đã xem xét các cây thuốc đông y với quan điểm thực vật và hóa thực vật. Ngoài những đóng góp chủ yếu đó cho dược liệu học, trong các công trình của ông còn làm sáng tỏ nhiều vấn đề thời sự của nền y và dược học của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong các tác phẩm có ghi lại những phương pháp cổ điển của châu Âu trong việc nghiên cứu các nguyên liệu thực vật như nghiên cứu hóa học, nghiên cứu vi phẫu, dẫn liệu dược lý đối với thầy thuốc v.v...
Trong số các tác phẩm đó có 3 công trình đáng được đặc biệt chú ý. Trước hết đó là một giáo trình tổng quát (320 trang) về các phương pháp chữa bệnh và các vị thuốc của Việt Nam cùng viết với Đỗ Xuân Hợp và đã được xuất bản 2 lần (1958, 1960).
Giáo trình dược liệu của ông Đỗ Tất Lợi cũng đáng được chú ý và cũng được xuất bản 2 lần. Trong đó ngoài những cây thuốc cổ điển của y học khoa học như Convallaria majalis L., Valeriana officinalis L., còn mô tả tỉ mỉ rất nhiều cây thuốc Việt Nam. Đa số các cây trong sách có nêu tên gọi latinh chính xác, có mô tả hình dáng chung, cấu tạo vi phẫu và cả thành phần hóa học.
Nhưng công trình chủ yếu của ông Đỗ Tất Lợi có thể coi là bộ sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" gồm 6 tập (1962-1965). Trong bộ sách đó đã trình bầy khoảng 430 loài cây thuốc, thuộc 116 họ, 51 vị thuốc động vật và 19 vị thuốc khoáng vật. Một số các vị thuốc được trình bầy thành một chuyên luận hoàn chỉnh.
Cũng như trong các quyển sách của ông Đỗ Tất Lợi xuất bản từ trước, với mỗi cây trong bộ sách đều có trình bầy đặc điểm hình thái mô tả cấu tạo vi phẫu, thành phần hóa học (thường kèm theo công thức cấu tạo) và những dẫn liệu về tác dụng dược lý.
Bộ sách có khoảng 50 hình vẽ minh họa và có kèm theo các bảng tra cứu. Khi dùng sách chúng ta có thể tra cứu bằng bảng liệt kê tên latinh của tất cả các cây được xếp theo họ và xếp theo thứ tự mẫu tự latinh.
Có thể nói rằng, trong số rất nhiều các sách nói về cây thuốc nhiệt đới, chưa có một bộ sách nào có thể so sánh được về mức độ chính xác và tỉ mỉ khoa học. Rất nhiều cây thuốc mà ông Đỗ Tất Lợi giới thiệu mới là lần đầu tiên thấy được dẫn ra trong các tài liệu về dược liệu học.
Sau đây chúng tôi sẽ phân tích danh mục các cây thuốc của bộ sách đó. Các cây thuốc được ông Đỗ Tất Lợi nhóm lại theo tác dụng chữa bệnh.
Nhóm lớn nhất gồm 70 loài cây là nhóm các vị thuốc chữa bệnh ở bộ máy tiêu hóa ( trong y học nhân dân của các nước khác nhóm này cũng chiếm ưu thế).
Trong nhóm này có nhiều cây dùng để kích thíchtiêu hóa, và trong loại này người ta nghĩ đến gia vị và các chất đắng.
Miền Đông Nam châu á rất giàu các loài cây gia vị, trong đó có nhiều sản vật như hạt tiêu, đinh hương, quế nổi tiếng trên thế giới. Ông Đỗ Tất Lợi đã mô tả hơn 10 loại trong họ Gừng (Zingiberaceae) với các đại biểu của chi Đậu khấu (Alpinia L.), Sa nhân (Amomum L.), Nghệ (Curcuma L.), Địa liền (Kaempferia L.) và Gừng (Zingiber Adams), trong khi ở châu Âu chỉ biết tới một loài gừng (Zingiber officinale Rosc.).
Trong y học khoa học, người ta coi chất đắng tốt nhất là chất đắng của rễ cây Gentiana lutea L. ở Việt Nam dùng một thứ thay thế cho nó là long đởm Gentiana scabra Bunge, cây này cũng có mọc ở miền Viễn đông nước ta (đáng được nghiên cứu).
Để làm thuốc săn (astrigent), y học Việt nam dùng các cây có nhiều chất tanin, trong đó phổ biến nhất là kha tử quả của cây khả tử Terminalia chebula Ketz, ở vùng nhệt đới, họ Bàng (Combretaceae). Kha tử được coi là một trong những vị quan trọng nhất của y học Tây Tạng và ấn Độ (Hammerman , Xêmitrev 1963, Chopra và các người khác, 1965).
Để chữa bệnh lỵ, ở Việt Nam dùng trên 8 loại cây: trong đó chúng ta biết rõ Tỏi Allium sativum L. và lựu Punica granatum L. Nhưng có những cây mọc ở Liên Xô chúng ta không dùng. Chẳng hạn như rau sam Portulacca oleraceae L. (có dùng cả trong danh sách của y học ả Rập và ấn Độ).
Vị thuốc này được coi là chống kiết lỵ tốt nhất là hoàng liên Coptis chinensis Franch, mọc ở nhiều vùng núi miền Bắc Việt Nam và được người ta thu hái để sử dụng. ở miền Viễn đông Liên Xô, chúng ta cũng thấy có một loài khác của chi đó là Coptis trifolia (L.) Salisb. Qua việc thử tính chất chống khuẩn của những cây nói trên, ta thấy chúng đáng được chú ý.
Trong số những vị thuốc nhuận tràng, phải kể tới rễ đại hoàng Rheum palmatum L., một vị thuốc nổi tiếng thế giới từ thời cổ. Nước Việt Nam phải nhập đại hoàng từ Trung Quốc. Ông Đỗ Tất Lợi đã đề nghị dùng rễ cây chút chít Rumex wallichii Meissn. để thay thế. Ngoài ra các lương y Việt Nam còn kê đơn, những thuốc nhuận tràng mà ai cũng biết tới như dầu thầu dầu, ba đậu. Người ta còn dùng các cây có chứa các anthraglucozit (các giống muồng Cassia L. và Lô hội Aloe L. v.v..).
Trong nhóm những thuốc trị giun sán có giới thiệu 11 loài trong đó hàng loạt cây nhiệt đới được dùng phổ biến với mục đích đó, cả ở Trung Quốc, ấn Độ và Tây Tạng. Đông y Việt Nam thường dùng quả sử quân tử Quisqualis indica L. họ Bàng (Combretaceae). Một số của nhóm này được dùng rất phổ biến, vượt ra khỏi biên giới châu á và được xuất sang cả châu Âu. Chẳng hạn ancaloit arecolin lấy từ hạt cau Areca catechu L. đã được ghi vào Dược điển Nga từ đầu thế kỷ 20 và được dùng trong ngành thú y (Dược đển quân đội toàn Nga, 1913).
Nhóm các vị thuốc lợi tiểu thông mật có khoảng 30 loại; trong số đó có rất nhiều cây chúng ta còn ít biết, theo quan điểm y học. Đó là cây tai chuột Dischidia acuminata Cost., vương thái tô Oldenlandia corymbosa L., sòi Sabium sebiferum (L.) Roxb., thông thảo Tetrapanax papyrifera (Hook.) Kock v.v...
Trong số các loài chứa flavonozit phải kể nghệ Curcurma longa L., quả dành dành Qardenia radicans Thunb., hoa tiên Hermerocallis fulva L.
Để chữa bệnh thận có vị phục linh Poria cocos Wolf., loài này được dùng rộng rãi cả ở Trung Quốc (Ibraghimôv, Ibraghimova, 1960) và Triều Tiên (1).
Chú thích (1): Theo tài liệu mà I. V. Gruxvixki thu thập được ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Nhiều vị thuốc ở Việt Nam dùng để chữa bệnh gan thận cũng là những vị được y học khoa học sử dụng. Thí dụ râu ngô Zea mays L., actixô Cynara scolymus L., râu mèo Orthosiphon stamineus Benth. v.v..
Ông Đỗ Tất Lợi nêu ra trên 30 vị thuốc cầm máu. Cũng như trong các nhóm khác, nhóm này có những cây mà y học khoa học và y học nhân dân nước ta cũng dùng. Chẳng hạn rễ cây bông Gossypium sp., nghể Polygonum hydropiper L., long nha thảo Agrimonia pilosa L., hồng hoa Carthamus tinctorius L., ngải cứu Artemisia vulgaris L., rễ của các loài thuộc chi Thược dược Paeonia L. Nhiều hơn cả có những đại biểu của cây cỏ miền Đông và Đông Nam châu á. Đó là những loài mò Clerodendron L., huyết giác Pleomele cochinchinensis Merr. và rất nhiều loài khác. Một số trong các vị đó được dùng cả ở Trung Quốc như tam thất Panax pseudoginseng Wall., gai Boehmeria nivea (L.) Gaud., diếp cá Houttuynia cordata Thunb., bán hạ Pinellia ternata Breit, gỗ vang Caesalpinia sappan L. được dùng ở cả ấn Độ.
Trong danh sách các vị thuốc cầm máu có những cây có trồng ở nước ta nhưng chỉ để làm cảnh không dùng để làm thuốc như cây Mào gà đỏ Celosia cristata L. (và Mào gà trắng Celosia argentea L.) được dùng cả trong y học Trung Quốc và Tây Tạng. Cỏ nhọ nồi Ecliptaalba (L.) Hassk. mọc như một loài cỏ dại ở miền Viễn đông nước ta, nhưng ở Việt Nam được coi là một vị thuốc gia đình tốt nhất để chữa các viết thương nhỏ.
Bộ sách có nêu ra khoảng 40 loài cây dùng để chữa ho, hen. Nhiều cây trong số đó được dùng vì có cả những tính chất sát trùng. Người ta dùng các cây có tinh dầu thuộc họ hoa môi (Labiatae) như cây é - Ocimum basilium L., Ocimum sanctatum L., húng chanh Coleus aromaticus Benth., rễ của một số loài Hoa tán, nhựa cây tô hạp Liquidambar orientalis Miller, và cây cánh kiến trắng Styrax tonkinense Pierre v.v.. ở Việt Nam thấy phổ biến và sử dụng trong Đông y cỏ tỹ gà Drosera burmannii Wakl., cây này cũng như Drosera rotundifolia L. (Somiakin, Khôkhlôp 1949) đặc trưng do chứa chất naphtoquinon có tác dụng chống khuẩn.
Cũng trong loại thuốc chữa ho, về thuốc long đờm, người ta dùng các loại cây thuộc giống Viễn chí Polygala L. cũng như Cát cánh Platycodon grandiflorum DC mà rễ của nó, ở đây cũng như ở các nước Đông á khác được coi là một vị thuốc quí.
Nhóm các vị thuốc chữa bệnh tim tương đối không có nhiều loại. Trong các nhóm này trước hết bao gồm những cây chứa glucozit chữa tim. Trong số 5 cây thuộc nhóm này có 4 cây thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Đó là cây trúc đào Nerium oleander L., thông thiên Thevetia nerrifolia Juss., mướp sát Cerbera odollam Gaertn. và sừng dê Strophanthus divaricatus Hook. và Arm., loài thứ năm, vạn niên thanh Rhodea japonia Roth. thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae).
Ngoài ra 9 loài có tác dụng hạ huyết áp. Trong số đó trước hết phải kể tới cây có ancaloit đã biết: Cây ba gạc ấn Độ Rauwolfia serpentina Benth. Một dạng khác của loài đó có tác dụng chữa bệnh tương tự đó là Ba gạc Việt Nam Rauwolfia verticillata (Lour.) Baill. mà ông Đỗ Tất Lợi đã phát hiện thấy trong các rững rậm miền Bắc Việt Nam. Để giảm huyết áp người ta còn dùng dừa cạn Vinca rosea L., đỗ trọng Eucommia ulmoides Oliv. và một số cây nhệt đới thuộc họ Cà phê (Rubiaceae): 2 loài Morinda L. (nhàu và ba kích), và câu đằng Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jackson có catêchin và các chất mầu. Một số cây thuốc thuộc nhóm có nhiều chất rutin như hoa hoè Sophora japonica L. và hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georgi.
Y học Việt Nam có nhiều vị thuốc tác dụng tới thần kinh trung ương. Trong thống kê của ông Đỗ Tất Lợi có đưa ra 46 loài trong đó 38 loài có tác dụng bổ, 8 loài thuộc nhóm các vị thuốc an thần kinh. Trong số 8 loài sau, không có một loài nào được tây y sử dụng. Một số cây mà Việt Nam sử dụng có tác dụng an thần cũng được y học cổ truyền các nước khác biết tới: hoa nhài Jasminum Sambac Ait., lá vông Erythrina indica Lamk. dùng ở Trung Quốc, thiên trúc hoàng (lấy ở thân cây tre nứa) dùng ở ả Rập.
Ông Đỗ Tất Lợi đã xếp vào nhóm các vị thuốc bổ cả những vị có tác dụng kích thích lẫn những vị có tác dụng bổ toàn thân. Nhân sâm, một loại thuốc bổ nổi tiếng, nhập từ Trung Quốc được dùng phổ biến. Hàng loạt cây khác của Việt Nam thuộc họ Ngũ gia bì (Ara liaceae) đều có tác dụng bổ nhiều hay ít (Gruxvixki 1967) đặc biệt là tam thất Panax pseudoginseng Wall (Gruxvixki 1966). Tên sâm (các loại có tác dụng tương tự như nhân sâm) ở Việt Nam được dành cho ít nhất 10 cây thuộc họ khác nhau: thổ sâm cao ly (Talinum crassifolium Willd.) họ Rau sam (Portulacaceae). Sâm bố chính (Hibiscus sagittifolius Kurt.) thuộc họ Bông (Malvaceae). Bàn long sâm Spiranthes sinensis (Pers.) Ames họ Lan (Orchidaceae), nam sâm Schefflera octophylla (Lour.) Harms., họ Ngũ gia bì (Araliaceae), sâm rừng Boerhaavia repens L. họ Hoa giấy (Nyctaginaceae), Curculigo orchiodes Gaertn. họ Thủy tiên Amaryllidaceae v.v... Trong số các cây ở Viễn đông và ngoại Baican tham gia vào các nhóm này có khổ sâm Sophora flavescens Ait., hoàng kỳ Astragalus membranaceus (Fisch.) Bunge, hà thủ ô Polygonum multiflirum Thunb. và khiếm thực Euryale ferox Salisb. (tất cả những cây này đang được chú ý nghiên cứu).
Cũng như trong các hệ thống Đông y khác, người ta sử dụng rộng rãi rễ cây cam thảo, 3 loại ô đầu phụ tử Aconitum L. được sử dụng, rễ của nó được chế biến phức tạp, một số các vị giúp ăn ngon và có tác dụng bổ toàn thân (đường, hồ đào, vừng, ý dĩ Coix lachryma Jobi L.). ở đây có kể tới kim anh Rosa laevigata Mich. Quả của nó chua nhiều vitamin C.
Ngoài một số cây đã nói ở trên, trong số các cây nhiệt đới thuộc nhóm các vị thuốc bổ có khổ sâm cho lá Croton tonkinensis Gagnep. họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), hà thủ ô trắng Streptocaulon juventas Morr. họ Thiên lý (Asclepiadaceae); hoài sơn Dioscorea persimilis Prain et Burk. họ Củ nâu (Dioscoreaceae), cây sữa Alstonia scholaris R. Brown họ Trúc đào (Apocynaceae), trâu cổ Ficus pumila L. họ Dâu tằm (Moraceae), giây cam thảo Abrus precatorius L. họ Cánh bướm (Fabaceae) v.v.. Không hiểu làm sao danh sách này lại có đưa vào một số loài quế Cinnamomum Blume.
17 cây thuốc chữa tê thấp, đau xương được nêu ra, trong đó không có một cây nào trùng với với vị thuốc mà chúng ta đã biết. Có một số cây chứa saponozit (thổ phục linh Smilax glabra Roxb., tỳ giải Dioscorea tokoro Makino, độc hoạt Aralia cordata Thunb.); một số cây có ancaloit (phòng kỷ Stephania tetrandra S. Moora., náng Crinum asiaticum L.); thân rễ độc hoạt Aralia cordata dùng phổ biến ở miền Viễn Đông nước ta đã được nhập từ Trung Quốc.
Có tới trên 30 loài cây được dùng để chữa các bệnh mụn nhọt. Như ta thấy hàng loạt cây nêu ra đều có tính chất diệt vi khuẩn. Ông Đỗ Tất Lợi đã dẫn ra các nghiên cứu sinh vật chứng tỏ hoạt tính của một số cây còn được nghiên cứu ít như hoa kim ngân Lonicera japonica Thunb. họ Cơm cháy (Caprifoliaceae); sài đất Wedwlia chinensis Merr. họ Cúc (Compositae); quả liên kiều Forsythia suspensa Vahl. họ Nhài (Oleaceae). Trong dang sách có nêu ra cây bạch hoa sà Plumbago zeylanica L. và cây móng tay Lawsonia inermis L. là hai cây chứa naphtoquinon. ở đây có thể kể tới một số cây thuốc chứa tinh dầu như khung Ligusticum sinensis Oliv. và một số cây chứa nhiều tanin như hạ khô thảo Prunella vulgaris L.
Đông y dùng các cây có chứa indigo để chữa bệnh ngoài da (trong thống kê của ông Đỗ Tất Lợi có 5 loài). Những lọai khác chưa được kiểm tra tính chất chống vi khuẩn. Có 4 loài họ Bông chắc là người ta dùng tác dụng làm dịu các vết đau của những cây đó. Để làm lành da người ta dùng các đại biểu của họ Thầu dầu (5 loài).
Nhiều cây nói trên cũng được Trung Quốc sử dụng. Cây móng tay được sử dụng rộng rãi trên toàn vùng cận đông để chữa các vết loét và ung nhọt. ở Liên Xô chỉ có 6 loài trong nhóm đó.
Ông Đỗ Tất Lợi đã tách các cây độc ra một nhóm riêng. Bên cạnh cây sui (Antiaris toxicaria Leschen.) và cây hồi núi (Illicium griffithii Hook et Thoms) còn có 7 cây nhiệt đới ta còn biết ít trong đó có cây thân thảo rất độc thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae) là cây lá ngón Gelsemium elegans Benth.
Các nước nhiệt đới có rất nhiều rắn độc cho nên việc tách thành một nhóm các vị thuốc chữa rắn cắn là hợp lý. Những cây thuốc đó của đông y Việt Nam không phải là ít (cuồng Aralia armata Seem.; ngũ gia bì Schefflera sp. v.v...). Đặc tính của các cây đó được nêu lên ở những nhóm phân loại theo tác dụng trị bệnh.
Trong khi phân tách bảng thống kê của ông Đỗ Tất Lợi, chúng ta chú ý thấy rằng đa số các cây thuốc đều thấy có ở địa phương, chỉ có một số ít loài nhập của Trung Quốc (nhân sâm, đại hoàng v.v...). Rất nhiều cây được trồng ở Việt Nam như cây ăn quả (đu đủ Carica papaya L. ổi, chanh, cam, mơ, mận, lựu v.v...), các cây rau (khoai lang Impomea batatas Lamk., hành, tỏi, hạt cây cải xanh, cải củ), các cây công nghiệp (bông, gai, cây móng tay), và các cây gia vị. Tất cả những cây đó đều có tác dụng chữa bệnh ở mức độ nhiều hay ít.
Có những cây thuốc di thực từ những nước khác (thầu dầu Ricinus communis L., lô hội, thuốc phiện, Papaver somniferum L., bạc hà châu Âu Mentha piperia L., cây móng tay, canhkina Cinchona succirubra Pavon ...).
Nhiều cây thuốc Việt Nam thấy mọc hoang trên lãnh thổ Liên Xô. Đó trước hết là những loại cỏ dại mọc phổ biến như tề thái Capsella bursa pastorius (L.) Medic., ngưu bàng Artium lappa L., nghể, ké đầu ngựa Xanthium strumarium L.). Có nhiều nhất là những loài trùng với các loài mọc ở Viễn đông và ngoại Baican (đã nêu ra trong quá trình phân tích bản thống kê của ông Đỗ Tất Lợi).
Nếu xét bản thống kê theo quan điểm dân tộc học (tức là xét các nền y học dân tộc của các nước khác cũng dùng những cây thuốc Việt Nam), thấy rằng y học Việt Nam dùng nhiều cây thuốc mà Trung y cũng dùng. Nhiều cây thuốc nhiệt đớicũng được sử dụng cả trong y học ấn Độ, một số ít hơn được dùng ở y học ả Rập.
Dù mới chỉ xem qua bộ sách gồm 6 tập của ông Đỗ Tất Lợi, ta cũng phải thấy các tài liệu mà ông thu thập được rất phong phú, vô cùng bổ ích không những đối với nhân dân Việt Nam mà còn có tác dụng khích lệ việc nghiên cứu y học phương đông sâu sắc hơn nữa bằng các phương pháp khoa học.
Đáng chú ý là đơn thuốc phức hợp phổ biến rộng rãi không những ở y học Việt Nam mà còn ở các nền đông y khác nữa. Để lấy làm thí dụ chúng tôi nêu ra các bài thuốc chữa gẫy xương mà không cần bó bột (phương pháp điều trị độc đáo của Việt Nam).
Ngoài việc chỉnh đốn tại chỗ nơi gẫy và giữ nơi này bất động người ta còn điều trị tại chỗ và toàn thân. Chỗ gẫy được bôi dịch ngâm trong cồn 70 độ một hỗn hợp của 5 vị thảo mộc (nụ đinh hương Eugenia caryophyllata, hồi hương Foeniculum vulgare Mill., rễ bạch truật Atractyloides chinensis (DC) Koidz., ô đầu Aconitum sp., đại hoàng Rheum officinale Baill. v.v... sau đó đắp lên một lớp thuốc sền sệtnhư cháo dày 2-3mm gồm nước cơm (10 phần), lá cúc tần Pluchea indica Less. (5 phần), lòng trắng trứng (2 phần), bên trên đậy một miếng lá chuối. Đồng thời người bệnh được uống thuốc sắc của 15 vị thuốc: bổ cốt toái Polypodium fortunei Kuntze, đỗ trọng Eucommia ulmoides, tục đoạn Dipsacus chinensis Bat, sinh địa Rehmannia chinensis Libosch, bạch chỉ Angelica glabra Makino, bạch thược Paneonia albiflora Pall, xích thược Paneonia abovata Maxim, xuyên khung Conioselinum unvittatum Turez, cam thảo Glycyrrhiza L. v.v..
Để chữa bệnh đau thận kinh niên người ta dùng đơn phức hợp bao gồm é Ocimum sanctum L. 80g,, tía tô Perilla frutescens (L.) Breit. (lá), 70g; thân rễ gừng Zingiber officinale Rosc. 12g, quả táo đen Zizuphus jujuba Lam. 12g. Sắc tất cả các vị đó trong 500ml nước và cho thêm khoảng 200g hành củ. Thuốc sắc được dùng trong 2 ngày trong suốt quá trình điều trị phải uống 30 liều như thế.
Đáng chú ý hơn nữa việc nghiên cứu phương pháp chữa bệnh không phải bằng đơn thuốc nhiều vị mà những đơn thuốc chỉ dùng một cây thuốc. Chẳng hạn các thầy thuốc ở khoa thuốc nam bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã sử dụng thành công nước sắc của cỏ cây núc nác Oroxylum indicum Vent. để chữa các bệnh dị ứng.
Bài thuốc đó đã thu thập ở y học dân gian ở một huyện xa xôi của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Qua khảo sát dược lý tiến hành tại phòng thí nghiệm dược lý và trị liệu thực nghiệm của Viện nghiên cứu các hạt chất sinh vật thuộc phân viện Viễn đông của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô đã thấy rõ các tính chất đáng chú ý của cây đó, chứng minh tác dụng chống dị ứng của nó. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ cho đến nay chúng ta chưa có cây đó (có thể đem trồng cây núc nác ở vùng cận nhiệt đới của nước ta). Qua khảo sát kỹ lưỡng vị hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georgi. chúng ta thấy nó có thành phầnhóa học rất gần với núc nác. Chất Baicalein trong núc nác tương đương với genin của glucozit oroxylin A trong vỏ núc nác, và chất baicalin của núc nác chỉ khác wogoonin của vị hoàng cầm về vị trí của nhóm metoxy. Tất cả những điều đó chứng tỏ rằng cần nghiên cứu vị hoàng cầm để có thể dùng làm một vị thuốc chữa dị ứng.
Cùng với việc nghiên cứu cây họ thuốc Ngũ gia bì (Araliaceae) ở nước ta (nhân sâm Panax ginseng C. A. Mev; Eleutherococcus senticosus (Rupr. et Maxim.) Maxim., Echinopanax elatum Nakai, Acanthopanax sessiliflorum (Rupr. et Maxim) Seem; Aralia mandshurica Rupr. et Maxim) cần chú ý những đại biểu Việt Nam của họ đó.
Trong số rất nhiều cây thuộc họ Ngũ gia bì ở Việt Nam, đông y Việt Nam thường dùng hơn cả là cây Tam thất Panax Pseodoginseng Wall, cây ngũ gia bì Acanthopanax trifoliatus (L.) Merr., cây cuồng Aralia armata Seem, thông thảo Tetrapanax papyriferus (Hook.) K. Koch, nhiều loại của chi Schefflera J. R. et G. Forst. (Gruxvixki 1967), ở vùng nhệt đới.
Các dạng đó cần phải được trước hết nghiên cứu trên thực nghiệm.
Tại phòng thí nghiệm dược lý và trị liệu thực nghiệm của VIện nghiên cứu các hoạt chất sinh vật đã tiến hành một công trìnhnhỏ theo hướng đó (I. I. Brekhman).
Người ta thấy rằng hoạt tính về mặt tác dụng kích thích (thí nghiệm trên chuột bạch chạy trên dây dài vô hạn cho tới mệt mỏi hoàn toàn của rễ loài Schefflera sp. vào khoảng 225 CED33 (CED là 3 chữ đầu tiếng Nga có nghĩa là đơn vị kích thích), của lá là 118 CED33 tức là vào khoảng 2 lần lớn hơn hoạt tính của Eleutherococcus senticosus (Rupr. et Maxim, một loài thuốc dùng thay thế cho nhân sâm.
So với bất kỳ nền y học cổ truyền nào, y học khoa học thể hiện rất nhiều tính ưu việt.
Nhưng
ta không thể không mượn của nền y học cổ truyền vĩ đại của các dân tộc
những vị thuốc (đôi khi cả phương pháp chữa bệnh nữa) mà các lương y đã
tích lũy kinh nghiệm từ hàng nghìn năm nay.
Tất nhiên trong việc vay mượn đó, giai đoạn đầu tiên phải là giai đoạn nghiên cứu sâu sắc chân chính, khoa học các cây thuốc của y học cổ truyền.
Về mặt này kinh nghiệm của giáo sư Đỗ Tất Lợi rất đáng được học tập và đáng quý.
Cái cầu mà giáo sư Đỗ Tất Lợi đã bắc từ nền y học cổ truyền của nhân dân Việt Nam tới nền y học khoa học hiện đại tất nhiên mới là bước đầu của quá trình làm phong phú ngành dược liệu của chúng ta bằng rất nhiều cây thuốc vô cùng quý giá.
I. I. Brekman, A. F. Hammerman, I. V. Gruxvitxki và A. A. Iaxenkô-Khmêlepxki
Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.