Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

SÒI - 烏桕 (乌桕)

Còn gọi là ô cửu, ô thụ quả, ô du, thác tử thụ, mộc tử thụ, cửu tử thụ.

Tên khoa học Sapium sebiferum (L.), Roxb. (Croton sebiferum L. Stillingia sebifera Michx.).

Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

sòi, 烏桕, 乌桕, ô cửu, ô thụ quả, ô du, thác tử thụ, mộc tử thụ, cửu tử thụ, Sapium sebiferum (L.), Roxb., Croton sebiferum L. Stillingia sebifera Michx., họ Thầu dầu, Euphorbiaceae

Sòi - Sapium sebiferum

Cây sòi cho các vị thuốc sau đây:

1. Vỏ rễ - ô cửu căn bì (Radix Sapii) là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây sòi. Có khi người ta dùng cả vỏ thân, nhưng hay dùng vỏ rễ hơn.

2. Dầu hạt sòi - cửu chi hay ô cửu chi hay bì du (Oleum Sapii) là hỗn hợp chất sáp bọc lớp ngoài của hạt và dầu ép từ hạt sòi.

Tên gọi là ô cửu vì quạ (ô) thích ăn hạt cây này.

A. MÔ TẢ CÂY

Sòi là một cây nhỡ, cao chừng 4-6m sống lâu năm. Thân màu xám, lá mọc so le, sớm rụng, cuống dài 3-7cm, phiến lá hơi hình quả trám dài, rộng 3-9cm, đầu lá nhọn dài, 2 mặt đều màu xanh, bóng không có lông, mép nguyên, khi còn non thì mềm và mỏng. Hoa mọc thành bông dài 5-10cm ở kẽ lá hay đầu cành, đơn tính, hoa đực chiếm phần trên của bông, về sau ở phía dưới bông mới thấy xuất hiện 1-4 hoa cái. Cánh màu trắng vàng hay vàng. Quả hình cầu, đường kính chừng 12mm, khi chín có màu đen tía, 3 ngăn, mỗi ngăn có 1 hạt hình trứng, trên mặt có đường rãnh dọc, trong hạt có dầu, ngoài hạt có 1 lớp sáp trắng gọi là bơ sòi hay mỡ thảo mộc. Mùa hoa tháng 3-4, mùa quả tháng 9.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây sòi mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, nhưng tại miền Bắc và miền Trung, nhân dân thường trồng để lấy lá nhuộm lụa hay sa tanh màu đen.

Còn mọc hoang và được trồng tại các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Tại những nước này người ta trồng để lấy hạt ép dầu, trái lại ở nước ta do cắt nhiều lá để nhuộm cho nên ít quả.

Muốn lấy hạt, người ta hái vào mùa Thu, cuối Thu. Quả hái về phơi khô, đập lấy hạt, hạt này đặt trên một cái chỗ có lỗ nhỏ đun nóng lên thì lớp sáp bọc ngoài hạt sẽ chảy ra, để nguội sáp này đông đặc là loại sáp tốt nhất. Sau khi lớp sáp bọc ngoài hạt đã chảy rồi, đem giã nhỏ hạt còn lại và ép thì sẽ được thứ dầu lỏng. Nếu hạt lấy được đem giã nhỏ rồi ép ngay thì ta sẽ được bốn lớp sáp ở ngoài vỏ hạt và dầu lỏng của nhân.

Tại nhiều nước, người ta để riêng các loại dầu trên ra hay trộm chung tất cả với nhau. Ví như tại Trung Quốc, dầu ép được từ nhân (sau khi đã bỏ lớp sáp ở ngoài hạt đi rồi) thì gọi là tử du hay cửu du, sáp lấy từ lớp vỏ ngoài gọi là bì du, dầu do hỗn hợp lớp sáp ngoài và dầu trong nhân thì gọi là mao du hay mộc du.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong vỏ rễ có một loại tinh thể không màu hình trụ, có công thức thô là C10H12O4, cấu tạo hóa học đã được xác định là pholoraxetophenon 2-4 dimetyl ete, chất này có tác dụng sát trùng đường ruột.

pholoraxetophenon 2-4 dimetyl ete

Trong vỏ rễ sòi người ta còn chiết được xanthoxylin C10H12O4 và một tinh thể có độ chảy 200oC (Dược học học báo 1958, 6, 51 và Hóa học học báo 1957, 23, 259), trong lá sòi có chất béo, vitamin E (C. A. 1965, 63, 4663g), tanin 8,7%, từ lá tươi chiết được corilagin C27H22O18, axit ellagic, axit galic và izoquexitrozit (Arthur H. R. Symposium on Phytochemistry 1964, 164).

Theo Pradhan B. P. et al. (Indian J. Chem, 1973, II, 1217, 1220) trong vỏ thân sòi có 3-4 di-O-methylellagic axit C16H10O8 và axit sebiferic C30H48O2:

axit sebiferic, C30H48O2

Từ hạt lấy ra được các thành phần sau đây:

- Lớp sáp bao bọc quanh vỏ hạt (có thể chiết bằng ête). Hiệu suất 19-20%. Sáp này màu trắng nhạt, độ chảy 58o, chỉ số xà phòng 195,6, chỉ số iot (Hubl ở 22o) là 28,5.

- Trong nhân có chừng 20% dầu lỏng nữa.

Thường chỉ có loại dầu lỏng ép từ nhân hạt sòi sau khi đã loại bỏ lớp sáp và lớp vỏ nhân đi rồi có thể dùng ăn được, còn loại sáp và hỗn hợp dầu và sáp thường chỉ dùng trong kỹ nghệ làm xà phòng hay làm nến.

Năm 1953, Crossley A. và Hiditch T. P. J. Sei. Food Agr. Br. đã nghiên cứu thấy trong dầu nhân hạt sòi có axit decadienoic, linolenic, linoleic và các glyxerit tripoly-etenoit.

Khô dầu sòi chứa rất ít chất đạm và có giá trị phân đạm kém. Nhưng năm 1948, Holland Br. Meink W. đã thấy trong chất protít của nhân hạt sòi có các axit amin như xystin 1,3, histidin 2,9, lyzin 2, metionim 1,6 và một lượng đáng  kể vitamin B.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Sáp của hạt sòi có thể thay bơ ca cao để chế thuốc đạn (suppositoire), chế xà phòng, trộn với sáp ong làm nến, bôi tóc và chứa một số bệnh ngoài da. Muốn dùng thay bơ ca cao chế thuốc đạn, sáp sòi cần được trộn với 30-50% dầu lạc để hạ độ chảy từ 58o xuống khoảng 42o-41o-40o.

Vỏ rễ cây sòi là một vị thuốc được dùng trong nhân dân để chữa các bệnh bạo thủy, chưng kết, tích tụ, thủy thũng (với những triệu chứng biểu hiện như bụng đầy trướng, đại tiểu tiện đều khó khăn, có trướng nước ở vùng dưới cạnh sườn).

Năm 1957 (Trung dược thông báo 5-1957) đã chứng minh được vỏ rễ sòi có tác dụng chữa bệnh huyết hấp trùng (Schistosomiasis) gây ra lá lách và gan sừng to, bụng trướng nước, thiếu máu trầm trọng và bệnh viêm gan có tính chất truyền nhiễm (Phúc Kiến trung y dược số 8-1959) với những triệu chứng nước tiểu sánh, ít, đại tiểu tiện không thông, hoàng đản, sườn bên phải sưng đau, ăn uống kém ngon, sốt, .v.v.

Đào lấy rễ (có thể dùng vỏ thân, nhưng tác dụng kém hơn) loại bỏ lõi và lớp vỏ đen nâu bên ngoài chỉ lấy lớp vỏ lụa, có thể dùng tươi hay phơi khô tán nhỏ.

Liều dùng trung bình: Người lớn ngày uống 10-12g dưới dạng bột (có thể dùng tới 50-60g), trẻ con dùng trung bình 5-10g (có thể dùng tới 20-25g). Thường dùng từ 7-10 ngày đã thấy kết quả.

Nếu dùng vỏ lụa tươi thì sắc với nước mà uống. Liều vỏ tươi gấp 3 liều vỏ khô hay bột bỏ khô.

Ngoài những công dụng trên, lá và rễ sòi còn được dùng chữa rắn độc cắn: Lá hay vỏ rễ tươi giã lấy nước uống, bã đắp lên vết rắn cắn.

Đơn thuốc có dầu sòi và vỏ sòi dùng trong nhân dân:

    (1) Đơn thuốc chữa mụn nhọt mẩn ngứa, nước vàng chảy đến đâu mụn mọc đến đấy: Dầu hạt sòi (cả lớp sáp và nhân) 100g, nước 100g, hồng đơn 50g. Đun dầu và nước cho nóng rồi thêm hồng đơn vào khuấy đều, đun sôi nước, hễ nước bốc đi lại thêm vào cho đến khi hồng đơn mất màu, dùng cao này bôi lên các mụn nhọt, mạch lươn trên đầu.

    (2) Thuốc viên chữa bệnh thủy thũng, bụng trướng to, ăn uống kém ngon: Vỏ rễ cây sòi chỉ lấy lớp vỏ lụa phơi khô tán nhỏ, dùng nước cơm mà viên bằng hạt đậu xanh hoặc dùng táo đen Trung Quốc (1 phần táo đen nấu với 6 phần nước cho đến khi được một thứ nước hồ nhão, thì đem rây để loại bỏ bột), trộn với bột vỏ rễ mà viên gọi là ô táo hoàn. Tùy theo bệnh nặng nhẹ dùng mỗi ngày 10-20g viên thuốc nói trên. Có thể tăng hơn, dùng nước cơm hay nước cháo mà chiêu thuốc.

Chú ý:

    Trong cuộc điều tra sưu tầm những bài thuốc chữa bệnh huyết hấp trùng trong nhân dân Trung Quốc, người ta đã phát hiện thấy tại tỉnh An Huy huyện Minh Quốc có bài thuốc gia truyền bảy đời của ông Diệp Thanh Hoàng chỉ dùng có vị rễ sòi để chữa bệnh bụng trướng, thí nghiệm áp dụng trong một số trường hợp bệnh huyết hấp trùng thấy có kết quả tốt, bụng xẹp nhỏ lại, gan thu nhỏ lại, bệnh nhân ăn ngon, khỏe mạnh lại.

    Kinh nghiệm đó lại phù hợp với những tài liệu cổ truyền. Cần chú ý nghiên cứu với cây sòi của Việt Nam.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Tử uyển
14/04/2025 11:43 CH

- 紫菀. Còn gọi là thanh uyển, dã ngưu bàng. Tên khoa học Aster tataricus L. Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Tử uyển (Radix Asteris) lá rễ và thân phơi hay sấy khô của cây tử uyển. Từ là tía, uyển là mềm; vì tử uyển là một vị thuốc có màu tím lại mềm.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Cây ngưu tất - 牛膝. Còn có tên là cây cỏ xước, hoài ngưu tất. Tên khoa học Achyranthes bidentata Blume. Thuộc họ Dền (Amaranthaceae). Ta dùng rễ phơi hay sấy khô - Radix Achyranthis bidentatac - của cây ngưu tất. Sách cổ nói: Vị thuốc giống đầu gối con trâu lên gọi là ngưu tất ("ngưu" là trâu, "tất" là đầu gối).
Cây nhàu - 海濱木巴戟 (海滨木巴戟). Còn có tên cây ngao, nhầu núi, giầu. Tên khoa học Morinda citrifolia L. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Cây nhót tây - 枇杷葉 (枇杷叶). Còn có tên là phì phà (Cao Bằng), nhót Nhật Bản, tỳ bà diệp. Tên khoa học Eriobotrya japonica Lindl. Thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Tỳ bà diệp (Folium Eriobotryae) là lá khô của cây nhót tây hay tỳ bà.
Cây ổi - 番石榴. Còn gọi là ủi, phan thạch lựu, gouavier. Tên khoa học Psidium guyjava L. (P. pomiferum Linn. Psidium Pyriferum L.). Thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Cây rau má - 積雪草 (积雪草). Còn gọi là tích tuyết thảo, phanok (Vientian), trachiek kranh (Campuchia). Tên khoa học Centella asiatica (L.) Urb., (Hydrocotyle asiatica L. Trisanthus cochinchinensis Lour.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
Cây rau má lá rau muống - 一點紅 (一点红). Còn gọi là hồng bối diệp, dương đề thảo, nhất điểm hồng, cây rau má lá rau muống cuống rau răm, tiết gà, tam tróc, rau chua lè, hoa mặt trời, lá mặt trời. Tên khoa học Emilia sonchifolia (L) DC. (Cacalia sonchifolia (L), Gunura caluculata DC.). Thuộc họ Cúc asteraceae (Compositae).
Cây râu mèo - 貓須草 (猫须草). Còn có tên gọi là cây bông bạc. Tên khoa học Orthisiphon stamineus Benth. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Ta dùng lá râu mèo (Folium Orthosiphonis) là lá và búp phơi hay sấy khô hoặc chế biến rồi phơi hay sấy khô của cây râu mèo hay bông bạc.
Cây rau ngót - 天綠香. Còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần (Trung Quốc). Tên khoa học Sauropus androgynus (L) Merr. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Cây ráy - 海芋. Còn gọi là cây ráy dại, dã vu. Tên khoa học Alocasia odora (Roxb) C. Koch. (Colocasia macrorhiza Schott). Thuộc họ Ráy (Araceae).
Cây rùm nao - 粗糠柴. Còn gọi là thô khang sài, kamala, camala, mọt. Tên khoa học Mallotus philippinensis (Lam.) Muell. Arg. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Cây sầu đâu rừng - 鴉膽子. Còn gọi là cây sầu đâu cứt chuột, hạt khổ sâm, khổ luyện tử, nha đảm tử, chù mền, san đực (Sầm Sơn), cứt cò (Vĩnh Linh), bạt bỉnh (Nghệ An). Tên khoa học Brucea javanica (L.) Merr. (Brucea sumatrana Roxb.). Thuộc họ Thanh thất (Simarubaceae). Cây sầu đâu rừng cho vị nha đảm tử (Fructus Bruceae hay Brucea hoặc Semen Bruceae) còn gọi là khổ luyện tử hay khổ sâm hay quả xoan đâu rừng là quả khô của cây sầu đâu rừng. Chớ nhầm quả này với quả xoan Melia azedarach L. thuộc họ Xoan (Meliaceae) người ta lấy gỗ làm nhà, vỏ rễ để trị giun, người ta cũng gọi quả xoan là khổ luyện tử (xem cây xoan ở mục các vị thuốc chữa giun sán).
Cây sơn - 野漆樹 (野漆树). Còn gọi là tất thụ (Trung Quốc), arbre à laque (Pháp). Tên khoa học Rhus succedanea Linné - Rhus vernicifera D. C. Thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae). Cây sơn ngoài công dụng là một cây công nghiệp vì cho chất sơn, còn cho một vị thuốc mang tên can tất (can là khô, tất là sơn vì sơn để lâu ngày khô kiệt rắn lại dùng làm thuốc).
Cây sui - 箭毒木. Còn gọi là cây thuốc bắn, nỗ tiễn tử, nong (Lào, vùng Viêntian). Tên khoa học Antiaris toxicaria Lesch., (A. innoxia Blume, Antiaris saccidoin Dalz.). Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây có chất độc thường dùng chế tên thuốc độc, cần hết sức cẩn thận.
Cây sung - 優曇 (优昙). Còn gọi là lo va (Campuchia). Tên khoa học Ficus glomerata Roxb. var. chittagonga (Miq.) King (Ficus chittagonga Miq., C. mollis Miq.). Thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Ta dùng nhựa cây sung làm thuốc.
Cây sừng dê - 羊角拗. Còn gọi là cây sừng trâu, dương giác nữa, dương giác ảo, hoa độc mao ư hoa tử, cây sừng bò. Tên khoa học Strophanthus divaricatus (Lour.) Hook. et Arn, (Strophanthus divergens Graham, Penploca divaricata Spreng). Thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Người ta dùng hạt phơi hay sấy khô của quả sừng dê đã chín gọi là Semen Strophan thidi divaricati.
Cây tam thất - 三七. Còn có tên kim bất hoán, nhân sâm tam thất, sâm tam thất. Tên khoa học Panax pseudo-ginseng Wall. (Panax repens Maxim.). Thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).Tam thất (Radix psendo-ginseng) là rễ phơi khô của cây tam thất. Tên kim bất hoán (vàng không đổi) có nghĩa là vị thuốc rất quý, vàng không đổi được. Tên tam thất có nhiều cách giải thích: Trong sách "Bản thảo cương mục" ghi vì cây có 3 lá ở bên trái, 4 lá ở bên phải (?) do đó có tên tam thất. Nhưng có người lại nói "tam" = ba, có ý nói từ lúc nói gieo đến lúc ra hoa phải 3 năm; "thất" = bảy, ý nói từ lúc gieo đến khi thu hoạch rễ bán được phải mất 7 năm. Có người lại nói vì lá tam thất có từ 3 đến 7 lá chét.
Cây thạch lựu - 石榴. Còn có tên gọi là bạch lựu, tháp lựu, lựu chùa Tháp. Tên khoa học Punica granatum L. Thuộc họ Lựu (Punicaceae). Ta dùng vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ phơi hay sấy khô (Cortex Granati) hay có khi dùng vỏ quả lựu phơi hay sấy khô (Pericarpium Granati). Vỏ, thân và rễ lựu có độc, dùng phải cẩn thận.
Cây thông thảo - 通草. Còn có tên là cây thông thoát. Tên khoa học Tetrapanax papyrifera (Hook) Koch (Aralia papyrifera Hook.). Thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Thông thảo (Medulla Tetrapanacis) là lõi phơi hay sấy khô của thân cây thông thảo.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]