Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

MÁU CHÓ - 小葉紅光樹 (小叶红光树)

Còn gọi là muscadier à suif.

Tên khoa học Knema corticosa Lour. (Knema bicolor Raf, Myristica corticosa Hook. f. et Thoms).

Thuộc họ Nhục đậu khấu (Myristicaceae).

小葉紅光樹, 小叶红光树, máu chó, muscadier à suif., Knema corticosa Lour., Knema bicolor Raf, Myristica corticosa Hook. f. et Thoms, họ Nhục đậu khấu, Myristicaceae

Máu chó - Knema corticosa

Tên là máu chó vì khi chặt cây, chất nhựa chảy ra có màu đỏ giống như máu.

A. MÔ TẢ CÂY

Cây to, cao, có thể tới hơn 10m. Cành non có lông tơ màu hung đỏ. Lá mọc so le, có cuống, nguyên và nhẵn, mặt trên bóng. Hoa khác gốc, có lông mịn màu nâu nhạt. Quả hình trứng hay hình cầu, khi chín thì nhẵn, vỏ quả mỏng, áo hạt nguyên vẹn hay bị tước cả đầu. Hạt có vỏ mỏng và nhẵn.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây máu chó mọc hoang ở khắp miền rừng núi các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Trong tài liệu cũ thường chỉ kể Nam và Trung bộ, nhưng thực tế chúng tôi thấy máu chó rất phổ biến ở miền Bắc.

Ngoài ra chúng tôi thấy máu chó ở Miến Điện, Thái Lan, Cămpuchia.

Vào tháng 9-10 người ta thu hoạch hạt. Quả máu chó khi còn non có màu xanh, lúc về già có màu vàng, để lâu vỏ nứt làm 2 mảnh, phía trong có hạt mang áo hạt. Khi quả còn non áo hạt màu hồng nhạt, dính sát vào hạt, khi già áo hạt màu đỏ sẫm, bóc được dễ dàng.

Người ta dùng nguyên cả hạt máu chó hay ép lấy dầu mà dùng.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong hạt máu chó có 7-10% độ ẩm, 1,5-2% chất vô cơ, 24-28% chất béo, 8% chất prôtit, 4-5% chất đường, 22-26% tinh bột, ngoài ra còn xenluloza và một số chất khác không xác định được và một số men như men invectaza, amylaza và photphataza.

Dầu hạt máu chó là một thứ dầu màu đỏ sẫm, mùi hắc, rất nhầy, tỷ trọng ở 26o là 0,94; chỉ số khúc xạ ở 26o là 1,483; chỉ số axit 90,2; chỉ số xà phòng 196,10; chỉ số Iôt 59,55; phần không xà phòng hóa được 1,14%. Trong phần không xà phòng hóa được có Phytosterol và lecxitin.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Hạt máu chó được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa ghẻ.

Trước đây làng Tiên Hội (Bắc Ninh cũ) chuyên môn sản xuất một loại thuốc ghẻ nổi tiếng gọi là thuốc ghẻ Tiên Hội.

Cách chế biến như sau: Giã chừng 100kg hạt máu chó, xẩy bỏ vỏ, lấy nhân giã cho nhuyễn, thêm muối đã rang thật khô chừng 10kg, trộn đều. Dùng chõ đồ như đồ xôi, dùng cây ép lấy dầu. Do cách ép thủ công, nên hiệu suất chừng 15-20%.

Khi dùng, người ta tắm cho thật sạch, gãi cho nốt ghẻ chảy máu rồi bôi nguyên dầu đó hoặc cho thêm vào dầu một ít dầu long não cho có mùi thơm và thêm tính chất sát trùng. Cần bôi thật mỏng, nếu dùng nhiều quá, có thể mưng nhiều hơn.

Còn một hình thức nữa dùng như sau: Cân chừng 50g hạt máu chó, giã thật nhỏ, sẩy bỏ vỏ, trộn với chừng 200ml rượu trắng (chừng 35-40%) đun sôi trên bếp than cho đến khi được một hỗn hợp sền sệt thì thôi. Rửa nốt ghẻ cho bong vẩy, bôi ngay dầu còn hơi nóng, bôi thật mỏng, ngày hôm sau lại tắm thật sạch bằng xà phòng, bôi một lần nữa. Thường chỉ 3 lần là khỏi. Trị ghẻ ruồi rất công hiệu.

Chú thích: Có nơi gọi hạt cây đại phong tử Hydnocarpus anthelmintica Pierre là hạt máu chó, cây này nhân dân tại nhiều vùng thường dùng chữa bệnh hủi.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Cà dại hoa tím
23/04/2025 10:45 CH

- 刺天茄. Còn gọi là cà hoang, cà gai, cà hoang gai hoa tím. Tên khoa học Solanum indicum L. Thuộc họ Cà (Solanaceae).

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Xương rồng - 火殃勒. Còn gọi là bá vương tiêm, hóa ương lặc. Tên khoa học Euphorbia antiquorum L. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Xương sông - 千頭艾納香 (千头艾纳香). Còn gọi là rau súng ăn gỏi, xang sông, hoạt lộc thảo. Tên khoa học Blumea myriocephala DC. Conyza lanceolaria Roxb. Gorteria setosa Lour. (non L.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Xuyên khung - 川芎. Còn gọi là khung cùng, tang ky. Tên khoa học Ligusticum wallichii Franch. Thuộc họ Hoa Tán Apiaceae (Umblliferae). Xuyên khung (Rhizoma Ligustici wallichii ) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây xuyên khung. Trong con người, cái đầu được coi là bộ phận cao nhất, như vòm trời. Vị thuốc này chuyên trị các chứng về đầu, não, do đó có tên (khung: cao; cùng: chỗ cuối cùng). Tên xuyên khung vì vị thuốc nguồn gốc ở tỉnh Tứ Xuyên. Hiện đã di thực được vào nước ta.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]