Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

MÀN KINH TỬ - 蔓荊子

Còn gọi là kinh tử, vạn kim tử, quan âm, thuốc kinh, thuốc ôn, đẹn ba lá.

Tên khoa học Vitex trifoolia L.

Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

MÀN KINH TỬ, 蔓荊子, kinh tử, vạn kim tử, quan âm, thuốc kinh, thuốc ôn, đẹn ba lá, Vitex trifoolia L., họ Cỏ roi ngựa, Verbenaceae

Màn kinh tử - Vitex trifoolia

Màn kinh tử (Fructus Viticis) là quả chín phơi hay sấy khô của cây quan âm hay cây màn kinh, còn gọi là cây thuốc ôn.

Màn là mọc lan ra, kinh là gai. Thứ cây này mọc lan ra mặt đất, nên gọi tên như vậy.

A. MÔ TẢ CÂY

Màn kinh tử là một cây nhỏ hay nhỡ, mùi thơm, có thể cao tới 3m. Cành non có 4 cạnh, có lông mềm bao phủ.

Lá kép và thường gồm 3 lá chét. Có thứ chỉ có 1 lá chét (var. unifoliata). Trên cùng một cành nhiều khi phía trên hay phía dưới có lá đơn, chỉ gồm một lá chét. Cuống gầy hơi tròn có lông, dài 1-3cm; lá chét không cuống, phiến lá chét hình trứng ngược hay hình mác, dài 2,45-9cm, rộng 1-3cm, phía dưới hẹp lại. Mặt trên nhẵn, mặt dưới nhiều lông trắng. Những lá chét hai bên nhỏ hơn, gân không nổi rõ.

Hoa màu lơ nhạt, dài 13-14mm, mọc thành chuỳ xim ở đầu cành, nhiều khi phía dưới có lá. Quả hình bầu dục có rãnh, đầu hơi dẹt , rộng chừng 6mm, được che kín quả nửa bởi đài phát triển và tồn tại.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Màn kinh tử mọc hoang rất nhiều ở khắp nơi trong nước ta. Loại 1 lá chét rất phổ biến, ở dọc bờ biển các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Còn mọc ở các tỉnh ven biển Trung Quốc và Malaixia cũng có.

Vào các tháng 9-11, quả chín hái về phơi khô, loại bỏ cuống và tạp chất là được.

Màn kinh tử có hình dáng rất đặc biệt: Hình cầu đường kính 5-6mm, mặt ngoài màu nâu đỏ đen, hơi phủ lớp phấn màu trắng tro (nếu soi kính sẽ thấy lông). Trên đỉnh có lỗ hơi lõm xuống, phía cuống có đài tồn tại 1/2-2/3 quả, phía trên đài chia 5 hay 2 thùy. Vỏ ngoài mỏng, vỏ giữa xốp, vỏ trong màu xám vàng, chất nhẹ nhưng chắc; cắt ngang trong như có dầu, màu trắng, có 4 ngăn, mỗi ngăn có 1 hạt. Vị đắng, mùi thơm đặc biệt.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong màn kinh tử có tinh dầu. Trong tinh dầu có camphen, pinen (55%), ditecpen ancola C20H32O (2%) và tecpenylaxetat (10%).

Theo Wehmer (1931. Die Pflanzenstoffe Bd: 1023) thì trong màn kinh tử có ancaloit và vitamin A.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Theo tài liệu cổ: Màn kinh tử vị cay, đắng, tính hơi hàn; vào 3 kinh Can, Phế và Bàng quang. Có tác dụng tán phong nhiệt. Dùng chữa đầu nhức, mắt hoa, mắt đau.

Hiện nay, màn kinh tử là một vị thuốc có tác dụng chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, nhức bên thái dương, đau nhức trong mắt, mặt mũi tối tăm; còn có tác dụng giảm đau.

Ngày uống 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc với liều 2-3g dưới dạng thuốc bột.

Đơn thuốc có màn kinh tử dùng trong nhân dân:

   1. Chữa thiên đầu thống: Màn kinh tử 10g, cam cúc hoa 8g, xuyên khung 4g, tế tân 3g, cam thảo 4g, bạch chỉ 3g, nước 600ml. Sắc đặc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Diệp Quyết Tuyền).

   Đơn thuốc chỉ có một vị màn kinh tử: Màn kinh tử 80g, rượu uống (30-40o) một lít. Ngâm khoảng 10 ngày trở lên. Ngày uống 2 lần mỗi lần từ 10-15ml.

   2. Bài thuốc làm cho tóc đen và dài: Màn kinh tử và hùng chi (mỡ gấu) hai vị bằng nhau, trộn với dấm thanh để bôi vào tóc (theo sách cổ Thánh huệ phương ghi lại trong Bản thảo cương mục).

   3. Sưng vú: Khi mới bị, dùng màn kinh tử sao dòn, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g hòa với rượu, gạn lấy rượu uống còn bã đắp lên vú (theo Đặc huệ phương ghi lại trong Bản thảo cương mục).

Chú thích:

   Trong sách đông y người ta có ghi những người vị hư không nên dùng màn kinh tử sợ sinh đờm; những người đau mắt đỏ, huyết hư có hoả không phải phong tà chớ dùng.

   Tại Malaixia nhân dân rất hay dùng lá màn kinh tử để chữa mọi bệnh. Ngoài ra họ còn dùng tán nhỏ cho vào gạo hay nơi để vải vóc để chống côn trùng khỏi ăn gạo hay phá hỏng vải.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Bối mẫu
22/04/2025 01:58 SA

- 貝母. Người ta phân biệt ra hai loại bối mẫu: (1) Triết bối mẫu (Bulbus Fritillariae cirr - hosae) là tép dò khô của cây xuyên bối mẫu - Fritillaria royleo Hook. - hay cây bối mẫu lá quăn - Fritillaria cirrhoa D.Don - đều thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae); (2) ...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Xương rồng - 火殃勒. Còn gọi là bá vương tiêm, hóa ương lặc. Tên khoa học Euphorbia antiquorum L. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Xương sông - 千頭艾納香 (千头艾纳香). Còn gọi là rau súng ăn gỏi, xang sông, hoạt lộc thảo. Tên khoa học Blumea myriocephala DC. Conyza lanceolaria Roxb. Gorteria setosa Lour. (non L.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Xuyên khung - 川芎. Còn gọi là khung cùng, tang ky. Tên khoa học Ligusticum wallichii Franch. Thuộc họ Hoa Tán Apiaceae (Umblliferae). Xuyên khung (Rhizoma Ligustici wallichii ) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây xuyên khung. Trong con người, cái đầu được coi là bộ phận cao nhất, như vòm trời. Vị thuốc này chuyên trị các chứng về đầu, não, do đó có tên (khung: cao; cùng: chỗ cuối cùng). Tên xuyên khung vì vị thuốc nguồn gốc ở tỉnh Tứ Xuyên. Hiện đã di thực được vào nước ta.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]