Giới thiệu sách

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cách làm mẫu cây thuốc khô

Nguồn tin:  Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Cập nhật: 14/12/2024 05:29 SA

IMG

Trong việc điều tra cây thuốc, việc xác định được tên khoa học của cây thuốc là một bước quan trọng. Có biết được tên khoa học của cây thuốc mới tìm  được xem cây đó đã được thế giới nghiên cứu chưa? Cây đó có được dùng ở  nước nào khác không, hay chỉ được dùng ở Việt Nam? Nếu đã được nghiên cứu  thì nên tham khảo, vận dụng phương pháp người ta đã nghiên cứu vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của ta, do đó tiết kiệm được thời gian mò mẫm, chóng được  đưa vào sử dụng.

Việc xác định tên khoa học có khi có thể làm tại chỗ, nhưng nhiều khi phải đem về phòng thí nghiệm có đầy đủ điều kiện, tài liệu, sách báo mới tiến hành được. Muốn thế phải tiến hành ép cây cho khô để mang về. Nhưng vì cây khô nhiều khi màu sắc hoa, lá, quả thay đổi, cho nên đồng thời với việc ép cây cần chú ý ghi chép những đặc điểm khi cây còn tươi để giúp cho việc xác định tên khoa học trong phòng thí nghiệm. Nhiều khi, trong nước không đủ tài liệu, điều kiện để xác định, cần gửi mẫu ra nước ngoài. Một mẫu cây ép khô tốt sẽ làm cho việc xác định được dễ dàng.

Muốn làm cây ép khô có 5 việc chính cần phải làm là: 1. Hái cây cho đúng cách; 2. Ép và phơi khô; 3. Đính mẫu cây vào bìa; ghi chép tại nơi cây mọc; 5. Bảo quản.

Hái cây cho đúng cách: Cần hái cho đủ bộ phận của cây: rễ, thân, lá, hoa và quả. Nếu cây to thì chỉ cần hái một cành có đủ hoa, lá và quả.

Ngoài ra, nên chú ý hái những bộ phận dùng làm thuốc như vỏ, thân, rễ, củ, hạt v.v... Một số cây được xác định căn cứ vào rễ, thân và rễ, vì hoa quả khá giống nhau, dễ lẫn.

Khi hái cây cần đính ngay số hay viết ngay tên cây vào. Nên mang theo một số nhãn và dây buộc.
Khi gặp một cây thuốc không có đủ hoa quả thì có hái không? Vẫn nên hái; vì thà thiếu còn hơn không. Nhiều khi chỉ căn cứ vào cành lá và tên địa phương cũng có thể xác định được, nhưng chưa chính xác lắm. Tuy nhiên, cần chú ý để sau này bổ sung cho đủ, vì một mẫu có đủ các bộ phận mới là một mẫu có giá  trị.

Sau khi hái có thể ép ngay tại chỗ, nhưng có khi đem về nhà mới ép. Trong trường hợp này, thường người ta đựng những cây thu thập được trong một hòm sắt dày hay một bộ bìa cứng dày. Cũng có khi người ta mang theo một cặp bằng bìa dày trong có nhiều lớp giấy, để các cây cách nhau. Cặp bìa có thể thay bằng 2 phên lưới sắt cứng hoặc 2 miếng gỗ dán; cặp bìa hay lưới sắt hoặc gỗ dán được buộc chặt bằng một sợi dây da hay dây vải.

Ép và phơi khô: Đặt mỗi cây cần ép vào một tờ giấy gấp đôi; giấy này nên có khổ thống nhất: sau khi gấp đôi, có khổ 28cm x 44cm; nên chọn loại giấy hút nước như giấy thấm, giấy bản, báo cũ. Trải cẩn thận các lá, cành và cánh của hoa. Theo kinh nghiệp, ép lần đầu tiên, việc uốn nắn các lá và hoa rất khó; thường nên dùng vào lúc ép lại lần thứ hai. Cố gắng giữ dáng tự nhiên của cây; tuy nhiên cần chú ý có lá mặt trên và có lá quay mặt dưới lên để làm nổi bật sự giống nhau hay khác nhau của hai mặt lá. Nếu cây dài quá, có thể gấp 2-3 phần trên mặt tờ giấy. Sau khi ép, đặt cây ép giữa một chồng giấy khác hay một chồng sách, hay để các vật nặng lên. Có khi bó chặt, treo nơi thoáng gió. Khi ép nhiều mẫu cần bó chặt chúng trong khuôn ép (hình mắt cáo bằng gỗ hay đan bằng tre) để phơi nắng hoặc sấy bằng lửa. Mỗi ngày thay giấy một lần. Riêng ngày đầu và ngày  thứ hai, nên thay giấy 2-3 lần, vì cây còn ướt, thấm vào giấy, có thể làm lên men, mốc ẩm và cây ép sẽ bị đen, xấu. Những tờ giấy thay ra bị ẩm, đem phơi khô còn dùng lại nhiều lần. Thời gian ép phơi cần chừng 5-7 ngày là xong. Hiện nay, một số nơi có kinh nghiệm dùng bàn là để là, vừa nhanh vừa đẹp; chỉ cần chú ý đừng nóng quá làm lá bị cháy vàng, trông kém đẹp.

Chú ý:

   1. Nếu ép nhiều cây một lượt, giữa các cây nên có nhiều lớp giấy để cây nọ khỏi hằn lên cây kia. Tùy theo cây to dày mà xếp nhiều hay ít lớp giấy.

   2. Mỗi cây nên ép 3-4 mẫu; về sau chọn những mẫu đẹp giữ lại.

   3. Nếu ép quả to dày, ta có thể cắt bổ dọc đôi, giữ lấy phần có cuống, vì cách quả đính vào cuống nhiều khi giúp ta xác định tên cây. Có khi người ta cắt bỏ hai bên má quả, chỉ giữ phần giữa còn mang cuống. Những quả nạc có  hể ngâm cồn 35o hay dung dịch focmol 1%.

   4. Các bộ phận to, dày như củ, rễ, thân rễ, có thể phơi khô riêng rồi đính vào sau. Khi phơi cần ghi chép để tránh nhầm lẫn.

Đính mẫu cây vào bìa: Sau khi cây đã khô, cần đính lên bìa. Nên dùng những bìa có khích thước thống nhất. Ví dụ khổ 28x 44. Nhưng có thể to hay nhỏ hơn, miễn là thống nhất. Trong một nước nên thống nhất kích thước. Kích thước này lại nên thống nhất với kích thước quốc tế. Tuy nhiên, ta vẫn có thể áp dụng một kích thước riêng, miễn là nó giúp ta bảu quản được mẫu. Khi đính cây trên  bìa, có thể dùng chỉ, nhưng cũng có thể dùng giấy dán để tránh làm đứt những bộ phận mỏng. Những bộ phận phơi, ép riêng cũng đính vào bìa này.

Trên mỗi bìa cần gián ngay nhãn. Vị trí của nhãn cũng nên gián thống nhất vào bên phải, phía dưới. Trên nhãn nên ghi tên cơ quan làm cây ép, số thứ tự, tên  khoa học (nếu biết), tên địa phương, người hái, người xác định tên khoa học, ngày hái và nơi hái. Ngày hái và nơi hái rất quan trọng, vì sau này nó sẽ giúp ta biết cây đó hái ở đâu, mùa ra hoa hay kết quả.

Ghi chép: Ngay khi hái cây thuốc cần ghi chép những điểm sau đây:

   1. Số thứ tự thu hái (một số được ghi trên mảnh bìa và đính ngay vào cây, một số ghi trong sổ);

   2. Tên địa phương, nếu cần ghi cả nơi gọi tên đó; vì mỗi địa phương có thể gọi tên khác nhau;

   3. Tên họ khoa học (nếu biết);

   4. Mô tả sơ qua hình dáng cây: cây to hay nhỏ, ước bao nhiêu mét, cây leo hay bò, màu sắc của lá, hoa, quả, hạt khi còn tươi. Điều này rất cần cho việc xác định, vì có nhiều loài chỉ căn cứ vào màu hoa mà phân biệt loài nọ với loài kia (ví dụ Strophanthus) khi cây khô không còn màu sắc nữa, rất khó xác định.

   5.  Nơi cây mọc: trong rừng sâu hay ven rừng; trên đồi hay dưới thung lũng; ở đồng bằng hay ở miền núi; những tài liệu đó sau này sẽ giúp chúng ta nghiên cứu vấn đề trồng tỉa, di thực. Tính chất nơi cây mọc (đất cát, đất  thịt hay đất sỏi v.v...).

   6. Công dụng, cách dùng theo nhân dân.

   7. Nhận xét đặc biệt.

   8. Ngày tháng hái và tên người hái.

Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy những điều trên rất cần thiết mà nhiều khi chúng ta còn ít chú ý.

Bảo quản: Những tập cây khô làm như trên đất rất dễ bị mốc, mọt. Muốn đỡ mốc, mọt cần đựng trong hòm kín có vôi, băng phiến hay DDT v.v...

Có thể trước khi khâu cây vào bìa, cần ngâm cây vào một dung dịch cồn sublimé (thủy ngân II clorua 4-5g, cồn 90o 1 lít). Ngâm 5 phút, lấy ra đặt  lên giấy bản cho khô, đợi khô hẳn sẽ khâu vào bìa. Đây là thuốc độc dùng phải hết sức cẩn thận. Có khi người ta dùng dầu hỏa để sát trùng cây.


Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn www.dotatloi.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Trám
14/04/2025 11:26 CH

- 橄欖 (橄榄). Còn gọi là cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Cămpuchia). Tên khoa học Canarium album (Lour) Raensch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.). Thuộc họ Trám (Burseraceae). Thanh quả (Fructus Canarii) là quả trám trắng chín phơ...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Thổ phục linh - 土茯苓. Còn gọi là củ khúc khắc, củ kim cang. Tên khoa học Smilax glabra Roxb. (Smilax hookeri Kunth). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Thổ phục linh (Rhizoma Smilacis) là thân rễ phơi hay sấy phô của nhiều cây thuộc chi Smilax, trong đó có cây Smilax glabra.
Thóc lép - 大葉山螞蝗 (大叶山蚂蝗). Còn có tên là cỏ cháy, bài ngài. Tên khoa học Desmodium gangeticum DC. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Thồm lồm - 火炭母. Còn gọi là đuôi tôm, mía giò, bẻm, mía bẻm, mía nung, cây lôm, chuồng chuồng, hỏa khôi mẫu, săm koy (Luang Prabang). Tên khoa học Polygonum sinense L..Thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Ta dùng toàn cây hay lá tươi hoặc phơi khô.
Thòng bong - 曲軸海金沙 (曲轴海金沙). Còn gọi là bòng bong, dương vong, thạch vĩ dây. Tên khoa học Lygodium flexuosum Sw. Thuộc họ Thòng bong (Schizaeaceae). Ta dùng toàn cây thòng bong phơi hay sấy khô - Herba Lygodi.
Thốt nốt - 糖棕. Còn gọi là thnot (Cămpuchia), mak tan kok (Lào), palmier à sucre, rondier. Tên khoa học Borasus flabellifer L. (Pholidocarpus tunicatus H. Wendl.). Thuộc họ Dừa (Palmaceae).
Thuốc bỏng - 落地生根. Còn gọi là trường sinh, thổ tam thất, đả bất tử, diệp sinh căn, sái bất tử, lạc địa sinh căn, sống đời. Tên khoa học Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. (Bryophylum calycinum Salisb.). Thuộc họ Thuốc bỏng (Crassulaceae). Có tên "thuốc bỏng" vì cây được dùng làm thuốc chữa bỏng. Trường sinh (sống lâu) hay lạc địa sinh căn (rụng xuống đất mọc rễ) là vì cây sống rất lâu, lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ và thành một cây con.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]