Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

TỎI ĐỘC - 秋水仙

Còn gọi là colchique.

Tên khoa học Colchicum autumnale L.

Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae).

TỎI ĐỘC, 秋水仙, colchique, Colchicum autumnale L., họ Hành tỏi, Liliaceae

Tỏi độc - Colchicum autumnale

Cây tỏi độc cho ta những vị thuốc sau đây:

   1. Dò tỏi độc Tuber Colchici hay Bulbus Colchici là dò cây tỏi độc hái về phơi khô.

   2. Hạt tỏi độc: Semen Colchici là hạt phơi hay sấy khô của cây tỏi độc.

Ngoài cây tỏi độc - Colchicum autumnale L. ra, ta còn dùng dò và hạt của nhiều loài khác như Colchicum speciosum Stev... Colchicum variegatum L. hoặc cây Androcymbium gramineum Mac Bride cùng họ và cũng chứa hoạt chất colchixin.

A. MÔ TẢ CÂY

Tỏi độc là một loài cỏ sống lâu năm, do một dò to mẫm dài 3-4cm, đường kính 2-3cm mọc sâu dưới đất, quanh có phủ các vẩy nâu, tức là gốc những lá cũ khô đi. Từ dò mọc lên cán hoa với 3-4 hoa, hoa xuất hiện vào mùa thu (9-10) hoa có hình ống dài, cao vượt trên mặt đất chừng 10-15cm, phần ống phía trên loe thành hình chuông với 6 cánh hình bầu dục, màu tím hồng nhạt đẹp với 6 nhị; 3  nhị phía trong ngắn hơn, với bao phấn lớn màu vàng cam; nhụy gồm 3 lá noãn hợp thành một bầu 3 ngăn với lối đính phôi trung trụ, 3 vòi rất dài nhưng dấu kín trong hành. Lối thụ tinh rất đặc biệt vì phấn hoa được truyền đi do sâu bọ hay do gió rơi trên nuốm sẽ phóng ra một ống dài để đi tới tận tiểu  noãn. Tuy nhiên sự phối hợp các giao tử (gamète) tiến hành chậm; sau khi thụ phấn nhiều tháng, chỉ vào mùa xuân tới, lúc vành lá xuất hiện, phát triển kéo theo bầu lên khỏi mặt đất; cuối cùng cho quả nang chín vào tháng 6; lá héo và hạt rụng sớm trước mùa thu hái rơm rạ do đó tránh súc vật ăn phải và khỏi bị  ngộ độc. Quả là một nang to 3 ngăn, phía trên của lá noãn xa ra, trong chứa nhiều hạt, mỗi ngăn có tới 60-80 hạt khá to, màu nâu nhạt xù xì có noãn tích (raphé) dày rõ, cắt ngang trông rõ phôi nhỏ nằm giữa phôi nhũ.

Lá cây tỏi độc to, dài, đầu lá hẹp nhọn, khi quả chín thì lá héo đi và trên  mặt đất hầu như không còn dấu vết gì của cây nữa cho đến khi mùa thu tới lại thấy hoa từ dưới đất xuất hiện; sát cạnh dò đã cho hoa và quả mọc một dò mới cho cây năm tới.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Tỏi độc là một loại cỏ mọc hoang ở những bãi cỏ những vùng ôn đới lạnh châu Âu: Rumani, Hungari. Vùng Capcadơ (Liên Xô cũ); có nơi trồng lấy hoa làm cảnh; trồng bằng dò hoặc bằng hạt; có nơi trồng cây không cho hạt. Tại Rumani (Cluj) và Hungari (Kolosvar) người ta trồng trên quy mô kỹ nghệ, hằng năm thu tới 7-8 tấn hạt (theo Emm. Perrot). Chúng tôi thí nghiệm di thực vào nước ta nhưng chưa thành công (Đỗ Tất Lợi, 1958).

Muốn thu hoạch dò cần đào sau khi lá đã hoàn toàn héo và trước khi ra hoa, thường ở châu Âu tháng thu hoạch tốt nhất là tháng 8; muốn có hiệu suất hoạt chất cao cần chú ý nơi cây mọc trước khi héo lá vì khi đó hầu như không còn dấu vết gì của cây rất khó tìm. Để dễ tìm thường người ta đào củ hơi sớm hơn một chút vào tháng 7; nếu chờ tới cuối thu hay đầu xuân thì tỷ lệ hoạt chất  còn kém hơn nữa. Sau khi đào dò về, người ta hái bỏ thân mang hoa, cắt bỏ rễ và 2 lớp vỏ ngoài màu nâu nhạt, mỏng và khô, sau đó để nguyên mà phơi hay cắt thành từng khoanh ngang rồi mới phơi. Tuy nhiên người ta thấy dùng dò tươi có tác dụng mạnh hơn. Dò tỏi độc có hình một hạt rẻ tây nhỏ, dài 3-4cm  rộng 2-3cm, phía đáy hơi cụt, phía bụng có một rảnh sâu rộng là vị trí của  thân cây cắt bỏ đi, phía dưới của rãnh là một sẹo của thân đính vào trước, phía dưới nữa lại có một sẹo nữa là nơi dò cũ dính vào; phía trên ở mặt lưng lại có một sẹo thứ 3 là vết của thân năm trước để lại; khi dò còn tươi, ta  thấy dò mẫm chắc, khi ép sẽ có một dịch chảy ra, vị đắng, màu đục như sữa vì chứa rất nhiều tinh bột.

Dò cắt ngang có hình mặt trăng khuyết, màu trắng, bột, có một đường nâu nhạt ở phía ngoài, rồi đến lớp vỏ trắng, phía trong màu hơi sẫm hơn có những bó libe-gỗ màu xám vàng nhạt; những mảnh dò khô hầu như không có mùi gì đặc biệt, vị cũng không đắng nữa mà hơi nhạt và nhầy.

Trên vi phẫu ta thấy tế bào chứa nhiều tinh bột, những bó libe-gỗ hình bầu dục, không có cương thể; hạt tinh bột rất đặc biệt hoặc đứng riêng hay tụ từng đám 2-3 hạt, tễ hình sao rất đặc biệt.

Hạt có thành phần ổn định hơn, dễ phơi hơn, bảo quản dễ hơn, do đó nhiều nước chỉ công nhận hạt dùng làm thuốc, tuy nhiên người ta vẫn dùng dò để chiết conchixin. Quy ước quốc tế ở Bruxelles chỉ công nhận hạt làm thuốc. Hạt hái vào lúc quả chín, loại bỏ tạp chất rồi phơi khô. Hạt hình cầu  đường kính 2mm, trên mặt nhăn nheo, nếu chưa cũ quá thì khi bóp vào nhau thường dính với nhau do có glucoza tiết ra, trên phía đầu có áo hạt nhỏ bao quanh tễ; không mùi, vị hắc và đắng, cắt ngang thấy một đường đen nhạt bao quanh phôi nhũ xám nhạt cứng như sừng, phôi rất nhỏ.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong dò tỏi độc có tinh bột, đường, gôm, tanin, nhựa và chất ancaloit gọi là conchixin. Tỷ lệ conchinin trong dò thay đổi tùy theo mùa, từ 0,1 đến 0,35%.

Trong hạt có vết axit galic, tanin, dầu, đường và 0,5 đến 3% conchixin.

Conchixin là một ancaloit được Pelletier và Caventou phát hiện đầu tiên vào năm 1820 nhưng các tác giả này lại nhầm là veratrin. Đến năm 1833, Geiger và Hesse cũng lấy ra được nhưng ở trạng thái chưa tinh khiết. Mãi tới năm 1884, Hubler mới chiết được dưới dạng tinh khiết và được Houdé nghiên cứu kỹ: conchixin hầu như ít tan trong nước, tan nhiều trong cồn và benzen, clorofoc, không tan trong ête dầu hỏa. Dưới tác dụng của axit loãng, hay kiềm loãng, cionchixin tách ra thành cồn metylic và conchixein vốn không có trong cây; vậy conchixin có thể coi như là metylconchixein. Conchixin kết tinh trong clorofoc với 2 phân tử clorofoc, với dạng hình kim màu vàng nhạt; nghiền trong tối cho huỳnh quang xanh. Ra không khí những tinh thể này mất dần clorofoc; trong nước nóng lại càng chóng mất clorofoc hơn và conchixin chính thức dưới  dạng vô định hình màu vàng nhạt, vị đắng lâu hơi nhầy, tả tuyền.

Năm 1950, người ta thấy trong tỏi độc một ancaloit mới đặt tên là conchamin có tác dụng dược lý giống như conchixin nhưng ít độc hơn (7 đến 8 lần kém độc hơn).

Năm 1952 Bellet còn tìm thấy trong hạt tỏi độc Colchicum speciosum Stev một glucoancaloit gọi là conchicozit glucozit của 2 demetylconchixin, 100 lần ít độc hơn.

Cũng vào thời kỳ gần đây người ta thấy rằng tên conchixerin thực tế là hỗn hợp conchixin và conchamin. Cấu tạo của conchixin và conchamin được xác định theo công thức khai triển sau:

IMG

Conchamin có thể coi như là chất desaxetylconchixin trong đó nhóm axetyl được thay bằng nhóm metyl.

Muốn xác định conchixin, ta có thể sắc hạt hay dò với nước, cô đặc sau khi lọc, rồi thêm vào cao còn lại axit sunfuric sẽ thấy xuất hiện màu vàng, màu này chuyển sang màu đỏ tím khi thêm axit nitric đặc.

Trong hạt, conchixin nằm ở những tế bào vỏ do đó khi dùng không cần thiết tán hạt; trong dò, conchixin tập trung ở những tế bào biểu bì và những tế bào quanh bó libe-gỗ (theo Errera, Fourment và Roques, 1927).

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Từ hơn 200 năm trước đây, cây tỏi độc được nhân dân Đức dùng chữa bệnh gút (thống phong) và làm thuốc thông tiểu. Nhưng cơ chế tác dụng chưa được rõ lắm.

Hiện nay người ta thấy conchixin gây hạ nhiệt, tăng huyết áp, tăng nhu động một cách thái quá. Trên điểm nối thần  kinh cơ (jonction neuro-musculaire), conchixin gây nghẽn biểu hiện bằng tê  liệt và nếu kéo dài biểu hiện teo cơ xương.

Conchixin còn tác dụng trên tế bào đang phân chia: đối với hiện tượng này, conchixin có khả năng cản trở hiện tượng gián phân (mitose) trong giai đoạn biến kỳ (métaphase). Tác dụng này đang được dùng trong việc cải tạo giống cây trong nông nghiệp.

Chỉ có tác dụng hạ nhiệt, chống dị ứng (anti-allergique) và chống bệnh gút được dùng trong điều trị.

Gần đây người ta còn nêu giải thuyết là tác dụng của conchixin là do conchixin kích thích vỏ thượng thận và do sự tiết những hocmon như contison.

Dùng tỏi độc có thể có những hiện tượng ngộ độc như nôn mửa, đi lỏng, đau bụng: liều chết trung bình là 0,03mg đối với kg thể trọng; 1 centigam đã gây cho người những hiện tượng ngộ độc; sự bài tiết chất độc của conchixin chậm do đó những người viêm thận hay thiểu năng thận không nên dùng.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Tỏi độc dùng dưới dạng cồn hạt 1/10 với liều 1,5g một lần, 3g trong 24 giờ; cao cồn nước với liều 0,05g một lần, 0,20g trong 24 giờ hoặc dùng conchixin với liều 2mg một lần, 4mg trong 24 giờ để chữa bệnh thống phong, đối với những cơn đau thường kết quả làm cho đỡ đau, đỡ sốt.

Không nên dùng lâu sợ bị ngộ độc. Khi thấy có hiện tượng ỉa lỏng thì ngừng thuốc ngay. Thường chỉ dùng trong 4-5 ngày lại nghỉ.

Thuốc độc, phải bảo quản theo chế độ thuốc độc bảng A.

Ngoài công dụng làm thuốc, conchixin còn dùng làm thuốc kích thích để tạo những giống cây nhiều quả, hoặc những giống mới.

Hiện nay người ta chú ý trồng cây tỏi độc với mục đích chế conchixin dùng trong nông nghiệp nhiều hơn là dùng làm thuốc. Tuy nhiên một số nước vẫn dùng tỏi độc và các chế phẩm của tỏi độc làm thuốc.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Cây vòi voi
25/01/2025 07:24 SA

- 大尾摇. Còn gọi là vòi voi, cẩu vĩ trùng, đại vĩ đạo, promoi damrey - xantui damrey (Campuchia). Tên khoa học Heliotropium indicum L. (Heliotropium anisophyllum P. de B.). Thuộc họ Vòi voi (Borraginaceae). Tên vòi voi vì cụm hoa của cây giống hình vòi con voi.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Hoàng nàn - 長籽馬錢 (长籽马钱). Còn gọi là vỏ dãn, vỏ doãn. Tên khoa học Strychnos wallichiana Steud, ex Dc., Strychnos gauthierana Pierre (Strychnos malacensis Clarke). Thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae). Hoàng nàn (Cortex Strychnii gauthieranae) là vỏ thân phơi hay sấy khô của cây hoàng nàn.
Hồi - 大茴香. Còn gọi là đại hồi, bát giác hồi hương, đại hồi hương. Tên khoa học Illicium verum Hook.f. Thuộc họ Hồi (Illiciaceae). Đại hồi hay bát giác hồi hương (Fructus Anisi Stellati hoặc Anisum stellatum hay Illicium) là quả chín phơi khô của cây hồi. Hồi là về, hương là thơm; thịt thiu hay tương thối cho ít đại hồi vào nấu thì mùi thơm lại trở về do đó có tên.
Hồi đầu thảo - 水田七. Còn gọi là vùi đầu thảo, vui sầu. Tên khoa học Schizocapsa plantaginea Hance. Thuộc họ Râu hùm (Taccaceae).
Hồi núi - 八角. Còn gọi là đại hồi núi (Faux badianier), mu bu (tiếng Mèo). Tên khoa học Illicium griffithii Hook. f. et Thoms. Thuộc họ Hồi (Illiciaceae).
Hồng đậu khấu - 紅豆蔻 (红豆蔻). Còn gọi là sơn khương tử, hồng khấu. Tên khoa học Alpinia galanga Willd. Thuộc họ gừng (Zingiberaceae). Hồng đậu khấu - (Fructus Alpiniae galangae) là quả chín phơi hay sấy khô của cây riềng nếp (Alpinia galanga Willd.).
Hublông - 啤酒花. Còn gọi là houblon, hương bia, hoa bia. Tên khoa học Humulus lupulus L. Thuộc họ Gai mèo (Cannabinaceae).
Hương bài - 山菅蘭 (山菅兰). Còn gọi là cát cánh lan, lưỡi đòng, huệ rừng - hương lâu, rẻ quạt, xường quạt, sơn gian lan. Tên khoa học Dianella ensifolia DC. (Dianella odorata Lamk. Dianella javanica Kunth., Dianella sandwicensis Hook. et Arn. Dianella nemorosa (L.) DC.). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Cần chú ý ngay rằng tên hương bài dùng để chỉ hai cây khác nhau về hình dáng cũng như về họ thực vật. Cây hương bài thứ hai còn có tên là hương lau (Vetiveria zizanioides Nash) thuộc họ Lúa (Gramineae), rễ dùng nấu nước gội đầu cho thơm và cất tinh dầu hương bài.
Hương diệp Còn gọi là cây lá thơm, giêranium. Tên khoa học Pelargonium roseum Willd. Thuộc họ Mỏ hạc (Geraniaceae). Hương diệp là tên đặt theo tên Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng mới di thực cây này với mục đích cất một loại tinh dầu có mùi hoa hồng, thay cho tinh dầu hoa hồng quá đắt. Ta cũng mới đặt vấn đề di thực cây này. Chưa phát triển rộng.
Hương lâu - 香根草. Còn gọi là cỏ hương bài, hương lau. Tên khoa học Vetiveria zizanioides (Linn.) Nash.- Andropogon squarrosus Hack. Thuộc họ Lúa (Gramineae hay Poaceae).
Hương phụ - 香附. Còn gọi là củ gấu, cỏ gấu, cỏ cú. Tên khoa học Cyperus rotundus Linné. Thuộc họ Cói (Cyperaccae). Vị hương phụ là thân rễ - Rhizoma Cyperi - phơi hay sấy khô của cây củ gấu hay cỏ gấu Cyperus rotundus L. Người ta còn dùng củ của cây hải hương phụ Cyperus stoloniferus Retz mọc nhiều ở bãi cát gần biển. Cây cỏ gấu là một lọai cỏ khó tiêu diệt đối với nhà nông, nhưng là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng.
Huyết giác - 山鐵樹 (山铁树). Còn gọi là cây xó nhà, cây dứa dại, cây giáng ông. Tên khoa học Pleomele cochinchinensis Merr. (Dracaena loureiri Gagnep.). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Huyết giác là chất gỗ màu đỏ, do một loại sâu hay nấm gây ra trên gỗ cây huyết giác già cỗi mục nát.
Huyết kiệt - 山石榴. Còn gọi là Sang dragon. Tên khoa học Calamus draco Willd. (Daemonorops draco Nred.). Thuộc họ Dừa (Palmaceae). Huyết kiệt (Resina Draconis hay Sanguis Draconis) là nhựa khô phủ trên mặt quả của một loại mây-song như Calamus draco Willd., Calamus propinquus Becc. Vì màu đỏ như máu lại khô cho nên gọi là huyết kiệt, có nơi gọi là máu rồng, cho nên châu Âu dịch nghĩ là Sang dragon (máu rồng). Vị thuốc được dùng cả trong Đông và Tây y nhưng cho đến nay đều còn phải nhập.
Hy thiêm - 豨簽 (豨莶). Còn gọi là cỏ đĩ, cứt lợn, hy kiểm thảo, hy tiên, niêm hồ thái, chư cao, hổ cao, chó đẻ, nụ áo rìa. Tên khoa học Siegesbeckia orientalis L. (S. glutinosa Wall., Minyranthes heterophylla Turcz.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Cây này đầu tiên thấy dùng ở nước Sở (một nước cổ ở miền nam Trung Quốc); dân nước này gọi lợn là hy, gọi cỏ đắng cay có độc là thiêm, vì khí vị cây này như mùi lợn, do đó có tên. Chữ cứt lợn là dịch nghĩa Việt của tên cây, nhưng chỉ cần chú ý tên cứt lợn còn dùng chỉ một cây khác thuộc họ Cúc (xem vị này ở mục các thuốc chữa bệnh phụ nữ) để tránh nhầm lẫn trong khi sử dụng. Tên cỏ đĩ vì hoa cây này có chất dính, khi người ta đi qua, nó dính theo người ta. Hy thiêm thảo (Herba Siegesbeckiae) là toàn cây hy thiêm phơi hay sấy khô.
Ích mẫu - 益母草. Còn gọi là ích mẫu thảo, sung úy, chói đèn. Tên khoa học Leonurus heterophyllus Sw. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Cây ích mẫu cung cấp cho ta 2 vị thuốc: Ích mẫu hay ích mẫu thảo (Herba Leonuri) là toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây ích mẫu; Sung úy tử (Fructus Leonuri) là quả chín phơi hay sấy khô của cây ích mẫu.
Ích trí nhân - 益智仁. Còn gọi là ích trí, ích trí tử. Tên khoa học Alpinia oxyphylla Miq. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Ích trí nhân (Fructus Alpiniae oxyphyllae) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây ích trí (Alpinia oxyphylla Miq.). Vì vị thuốc giúp ích tỳ vị cho nên có tên như thế.
Ké hoa đào - 地桃花. Còn gọi là phan thiên hoa, tiêu phan thiên hoa, nha khac mòn (Thái), bái lương, bái cúc, vái, địa đào hoa, niêm du tử, dã miên hoa. Tên khoa học Urena lobata L. (Urena monopetala Lou., Urena sinuata L., Urena scabruiscula DC.). Thuộc họ Bông (Malvaceae).
Ké hoa vàng - 白背黄花稔. Còn gọi là ké đồng tiền, bạch bối hoàng hoa nhậm, chỗi đực, khát bo lương (Thái). Tên khoa học Sida rhombifolia L. (Sida alnifolia Lour.). Thuộc họ Bông (Malvaceae).
Kê nội kim - 雞內金 (鸡内金). Còn gọi là kê hoàng bì, kê chuẩn bì, màng mề gà. Tên khoa học Corium Stomachichum Galli. Kê nội kim là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con gà Gallus domesticus Brisson thuộc họ Phasianidae.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]