Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

NÚC NÁC - 千張紙 (千张纸)

Còn gọi là so đo thuyền, lin may, mộc hồ điệp, ung ca (Lào-Viêntian), k'nốc (Buônmêthuột), nam hoàng bá, hoàng bá nam, thiêu tầng chỉ, bạch ngọc nhi, thiên trương chỉ (Vân Nam) triểu giản (Quảng Tây).

Tên khoa học Oroxylum indicum (L.), Vent (Bignonia indica L., Calosanthes indica Blume).

Thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae).

NÚC NÁC, 千張紙, 千张纸, so đo thuyền, lin may, mộc hồ điệp, ung ca, k'nốc, nam hoàng bá, hoàng bá nam, thiêu tầng chỉ, bạch ngọc nhi, thiên trương chỉ, triểu giản, Oroxylum indicum (L.), Vent (Bignonia indica L., Calosanthes indica Blume), họ Chùm ớt, Bignoniaceae

Núc nác - Oroxylum indicum

Cây núc nác cung cấp cho ta hai vị thuốc:

1. Vỏ núc nác (Cortex Oroxyli) là vỏ thân phơi hay sấy khô của cây núc nác.

2. Hạt núc nác (Semen Oroxyli) là hạt phơi hay sấy khô của cây núc nác. Hạt núc nác làm thuốc có tên mộc hồ điệp (mộc là gỗ, cây; hồ điệp là con bướm) vì hạt trông giống như con bướm bằng gỗ.

A. MÔ TẢ CÂY

Cây to cao 7-12m, có thể cao tới 20-25m, thân nhẵn, ít phân nhánh, vỏ cây màu xám tro, nhưng khi bẻ có màu vàng nhạt.

Lá to 2-3 lần kép lông chim, dài tới 2m. Lá chét hình bầu dục, nguyên, đầu nhọn, dài 7,5-15cm, rộng 5-6,5cm.

Hoa màu đỏ tím, to mẫm, mọc thành chùm ở đầu cành, dài tới 1m, 5 nhị trong đó có 1 nhị nhỏ hơn.

Quả nang to, dài tới 50-80cm, rộng 5-7cm, trong chứa hạt, bao quanh có một màng mỏng, bóng và trong, hơi thành hình chữ nhật.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Núc nác mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, miền Bắc cũng như miền Nam.

Còn mọc ở Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Chấu, Tứ Xuyên, Hải Nam, Quảng Đông), Malaixi, Ấn Độ, Lào, Campuchia.

Muốn thu hoạch hạt, đợi tới cuối thu sang đông, hái lấy quả chín, phơi khô, mổ lấy hạt rồi lại phơi khô nữa để dành mà dùng dần.

Vỏ núc nác có thể thu hoạch gần như quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân hạ. Thường đẽo vỏ trên cây còn sống, ít nơi hạ cây. Vỏ núc nác lấy về dùng tươi hay phơi khô mà dùng. Không phải chế biến gì khác.

Vỏ núc nác màu nâu nhạt, trên có rất nhiều sẹo của cuống lá cũ, và rất nhiều những đám nhỏ nổi lên, mặt trong khi còn tươi có màu vàng nhạt, không mùi, vị đắng, hơi hắc.

Hạt núc nác hình bầu dục, rất mỏng, dẹt ba phía vỏ ngoài phát triển thành màng rất mỏng, trong trông như cánh bướm, màu trắng nâu nhạt, có những đường gân từ hạt toả ra. Chiều dài cả hạt và cánh từ 4-7cm, rộng 2,5-4cm. Nếu chỉ kể hạt không thì chỉ dài 1,5-2,5cm, rộng 1-2cm. Khi bóc màng ngoài thấy rễ phôi và lá mầm rất rõ, mỏng như cánh bướm, dòn. Không mùi, vị hơi đắng. Những hạt khô, màu trắng, nguyên là tốt.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Vỏ núc nác chưa một ít ancaloit, tanin và một số dẫn xuất flavonoit ở dạng tự do hay heterozit. Những chất flavonoit thường thấy là:

Oroxylin A: công thức thô C16H12O5 cấu trúc là 5-7 dihydroxy 6-métoxy flavon, trọng lượng phân tử 284. Tinh thể màu vàng chanh, độ chảy 230-232oC, tan trong cồn, axetic đặc.

Baicalein hay noroxylin: 5-6-7 trihydroxyflavon, công thức thô C15H10O5, trọng lượng phân tử 270,20, tinh thể màu vàng, hình lăng trụ, độ chảy 264-265oC, tan trong etanol, metanol, ête, axeton, etylaxetat, axit axètic đặc, trong kiềm loãng, và cho màu vàng thẫm, trong axit sunfuric đặc cho màu vàng có huỳnh quan lục. ít tan trong clorofoe, nitrobenzen.

IMG

Crysin: 5-7 dihydroxyflavon công thức thô C15H10O4, trọng lượng phân tử 254,23 có tinh thể màu vàng nhạt, chứa trong vỏ rễ, độ chảy 276oC. Không tan trong nước, tan trong dung dịch kiềm. ít tan trong cồn clrofoc, ête. Có thể thăng hoa được.

Tetuin: Là baicalein kết hợp với glucoza ở vì trí 6. Có tinh thể màu vàng nhạt, độ chảy 112-114oC.
Các dẫn xuất flavonoit có trong vỏ núc nác từ 3-4% (tính trên vỏ khô).

Hột núc nác. Theo Mehta C.R (Chemical investigation of the seed oil of. Oroxylum indicum Vent, Proccd. Indian Acad. Soi, Sect A9 (5) 1939: 390-395), trong hạt núc nác có một chất kiềm màu vàng, một chất dầu béo chứa 80,4% axit oleic, các axit panmitic, stearic và có thể cả axitlignoxeric.

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hạt núc nác: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Vỏ núc nác: Dựa trên kết quả lâm sàng dùng vỏ núc nác chữa dị ứng của bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng, I. I. Brekhman và P. J. Gôlicôv tại Viện nghiên cứu hoạt chất sinh vật của chi nhánh Xibêri Viện hàn lâm khoa học Liên Xô cũ, năm 1965 đã thí nghiệm trên thực nghiệm vỏ cây núc nác Việt Nam và đã đi tới một số kết luận sau đây:

1. Các kết quả nghiên cứu trên thực nghiệm đã xác minh kinh nghiệm nhân dân là vỏ núc nác có tác dụng rõ rệt chống dị ứng.

2. Núc nác tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân bất lợi từ bên ngoài vào cơ thể. Độc tính của vỏ núc nác rất thấp: LD 50 của vỏ núc nác đói với chuột nhắt trắng là 23ml dịch chiết vỏ núc nác 100% trên 1kg thân thể.

3. Núc nác làm giảm độ thấm của mạch máu trên chuột đã gây mẫn cảm bằng lòng trắng và không có ảnh hưởng đối với sự thấm của mạch máu trên chuột được gây mẫn cảm bằng huyết thanh ngựa trộn với dầu parafin.

4. Núc nác không có ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của hiện tượng Actuýt Sakharôv, nhưng quá trình hồi phục trên thỏ thí nghiệm đã được gây mẫn cảm xảy ra nhanh hơn là trên những thỏ đối chứng.

5. Núc nác ức chế vết sưng phồng do lòng trắng trứng gây ra. Tác dụng chống viêm của núc nác vẫn còn tồn tại sau khi đã cắt bỏ tuyến thượng thận.

6. Trên những con vật được gây mẫn cảm, tác dụng chống viêm thể hiện mạnh hơn là trên những con vật không được gây mẫn cảm.

7. Do ảnh hưởng của vỏ núc nác, độ thấm của mạch máu giảm xuống tại nơi tiêm trong da chất focmalin và histamin. Khi gây viêm bằng xylen núc nác không có ảnh hưởng trên độ thấm của máu.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Hạt núc nác là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân để chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, đau dạ dạy.

Theo tiếng nói của đông y thì hạt núc nác nhuận phế, chỉ khát, chỉ thống, bình can dùng trong những trường hợp ho hen không ngừng, đau dạ dày, đau bụng, vết loét không liền miệng.

Ngày uống 2 đến 3g dưới dạng thuốc sắc (để chữa ho) hay sấy khô tán nhỏ (chữa bệnh đau dạ dày). Dùng ngoài tán bột rắc lên vết lở loét mụn nhọt vỡ lâu ngày không liền miệng, không kể liều lượng.

Vỏ núc nác chữa đi ngoài, đi lỵ, thuốc bổ chát, chữa dị ứng bệnh ngoài da, còn dùng để nhuộm màu vàng.

Trong nhân dân dùng vỏ núc nác gọi là hoàng bá nam để chữa những bệnh cần vị hoàng bá thực. Chúng ta biết vị hoàng bá thực là vỏ thân phơi khô của hoàng bá Phellodendron amurense Rupr, thuộc họ Cam quít (Rutaceae). Xem vị này: http://dotatloi.com/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam/ket-qua-tra-cuu/hoang-ba.

Ngày dùng 5 đến 10g vỏ khô dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Đơn thuốc có vị núc nác:

   - Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày: Mộc hồ điệp 10g, đường phèn hay kẹo mạch nha 30g, nước 300ml sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

   - Chữa lở loét do sơn ăn: Vỏ núc nác tươi (số lượng tuỳ theo vết loét) giã nát, thêm rượu 30-40o vào (rượu ta vẫn uống) cứ 1 phần vỏ, 3 phần rượu, ngâm vào khoảng 2-3 giờ. Dùng rượu này bôi vào nơi lở sơn. Ngày bôi 3-4 lần. Chỉ 2-3 ngày là khỏi.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Thiên đông môn
08/04/2025 08:58 CH

- 天門冬. Còn có tên là thiên môn, thiên đông, dây tóc tiên. Tên khoa học Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr. (Asparagus lucidus Lindl.). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Ta dùng rễ khô (Radix Asparagi) của cây thiên môn đông.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Bóng nước - 鳳仙花 (凤仙花). Còn gọi là nắc nẻ, móng tay lồi, phượng tiên hoa, cấp tính tử, boong móng tay, balsamina. Tên khoa học Impatiens balsamina L. Thuộc họ Bóng nước (Balsaminaceae).
Bông ổi - 馬纓丹 (马缨丹). Còn gọi là ngũ sắc, trâm hôi, cây hoa cứt lợn, tứ thời, tứ quý (Quảng Bình). Tên khoa học Lantana camara L. Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Bứa - 木竹子. Tên khoa học Garcinia oblongifolia Champ. Thuộc họ Măng cụt Clusiaceae (Guttiferae).
Bụng báng - 桄榔. Còn gọi là báng, cây đoác, palmier à sucre. Tên khoa học Arenga saccharifera Labill., (Saguerus rumphii Roxb., Borassus gomutus Lour.). Thuộc họ Cau Arecaceae (Palmae).
Bùng bục - 毛桐. Còn gọi là bục bục, bông bét, cây lá ngõa kok po hou (Lào). Tên khoa học Mallotus barbatus Muell. et Arg. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Bưởi - 柚. Còn gọi là bòng, co phúc (Mường), kanbao tchiou (Thái), kroth thlong (Cămphuchia) makkamtel, makphuc, maksom (Lào). Tên khoa học Citrus maxima (Buru) Merrill;Citrus grandis Osbeck. Thuộc họ Cam (Rutaceae).
Bưởi bung - 山小橘. Còn có tên là cây cơm rượu, cát bối, co dọng dạnh (Thái). Tên khoa học Glycosmis pentaphylla Corr. (Glycosmis cochinchinensis (Lour.) Pierre). Thuộc họ Cam quít (Rutaceae). Trong nhân dân thường dùng tên bưởi bung để chỉ 2 cây: 1 cây có tên khoa học và mô tả sau đây, 1 cây nữa có lá đơn nguyên sẽ giới thiệu trong phần chú thích và có tên khoa học là Acronychia laurifolia Bl. thuộc cùng họ.
Bướm bạc - 玉葉金花 (玉叶金花 ). Còn gọi là bướm bướm, hoa bướm, bứa chừa (Thái). Tên khoa học Mussaenda pubescens Ait. f. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Cà chua - 番茄. Còn gọi là cà dầm, tomate (Pháp). Tên khoa học Lycopersicum esculentum Mill. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà dái dê tím - 茄子. Tên khoa học Solanum melongena L. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà dại hoa trắng - 水茄. Còn gọi là cà pháo, trăng lao (Buôn ma thuột). Tên khoa học Solanum torvum Swartz. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà dại hoa vàng - 薊罌粟 (蓟罂粟). Còn có tên là cà gai, cây gai cua, cây mùi cua, lão thử lực. Tên khoa học Argemone mexicana L.. Thuộc họ Thuốc phiện (Papaveraceae).
Cà gai leo - 細顛茄 (细颠茄). Còn gọi là cà quính, cà quánh, trap khar (Campuchia), Blou xít (Lào). Tên khoa học Solanum proucumbens Lour. (Solanum hainanense Hance). Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà rốt - 胡蘿蔔 (胡萝卜). Còn gọi là hồ la bặc (Trung Quốc). Tên khoa học Daucus carota L. Thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae).
Cà tàu - 黄果茄. Còn gọi là cà dại trái vàng. Tên khoa học Solanum xanthocarpum Schrad và Wondl. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cải bắp - 卷心菜. Tên khoa học Brassia oleracea Linn. var capitata D. C. Thuộc họ cải (Brassicaceae).
Cải canh - 芥菜. Còn có tên là cải dưa, cây rau cải, giới tử. Tên khoa học Brassica juncea (l.) Czermet Coss. (Sinapis juncea L.). Thuộc họ Cải (Brassicaceae). Giới tử Sinapis - Semen Sinapis hay Semen Brassicae junceae là hạt phơi hay sấy khô lấy ở quả chín của cây cải canh.
Cẩm xà lặc Còn gọi là mỏ quạ, mỏ ó, găng cơm, găng vàng, găng sơn, găng cườm, thiết thỉ mễ (Trung Quốc). Tên khoa học Canthium parvifolium Roxb. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Cẩm xà lặc là tên vỏ cây này được xuất bán cho Trung Quốc. Tên này phổ biến ở tỉnh Quảng Bình là nơi được khai thác thu mua để xuất. Tại những nơi khác tên mỏ quạ, mỏ ó phổ biến hơn. Cũng có nơi gọi là cây găng. Tên mỏ quạ còn dùng để chỉ một cây khác (xem vị này) cần chú ý tránh nhầm.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]