Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

MẬT LỢN, MẬT BÒ - 豬膽, 牛膽 (猪胆, 牛胆)

Mật lợn, mật bò có thể dùng tươi, nhưng vì khó uống và không để được lâu cho nên thường cô đặc thành cao đặc hay cao khô hoặc đem tinh chế thành cao mật bò, cao mật lợn tinh chế.

A. CÁCH CHẾ BIẾN CAO MẬT BÒ, MẬT LỢN

Có nhiều phương pháp hiện được áp dụng. Tùy hoàn cảnh ta có thể áp dụng một trong mấy phương pháp sau đây, đồng thời theo dõi xem phương pháp nào tốt và rẻ nhất.

1. Phương pháp của Đội điều trị 10 (Dược học 1961, 2:13):

    Lấy 20-30 túi mật hay hơn nữa hoặc ít hơn tùy theo lượng cao muốn có. Rửa sạch vỏ túi mật bằng nước muối 90%. Sau đó ngâm vào cồn 90 độ trong 1-2 phút để sát trùng. Đem cắt thủng túi mật và hứng nước mật cho chảy qua vải để lọc. Nước mật đã lọc được đem đun cách thủy, vừa đun vừa khuấy cho tới thành cao đặc. Kinh nghiệm là đun cho tới khi ngiêng bát mà cao không chảy là được.

    Cao màu vàng hơi xanh, vị rất đắng.

2. Phương pháp của Viện nghiên cứu Đông y (Dược học 1964, 2:12):

    Phương  pháp này nhanh hơn.

    Lấy dao kéo đã khử trùng chọc thủng túi mật, hứng vào một bát to đã khử trùng rồi. Nếu có mỡ, cần loại bỏ mỡ hoặc cho vào bình gạn, với một ít ête, lắc kỹ, mỡ tan trong ête, gạn bỏ lớp ête. Nếu xét nghiệm thấy có giun lambiia, sỏi mật thì không nên dùng phương pháp này. Lọc mật qua vải. Lấy nước phèn chua no (thêm phèn chua vào nước cho đến khi không tan nữa), nhỏ từ từ vào nước lọc mật. Nước lọc mật sẽ kết tủa. Khi nào cho thêm nước no phèn vào dịch lọc mà không thấy tủa nữa là đủ phèn rồi. Rửa tủa trên giấy lọc bằng nước cất để loại phèn thừa. Rồi đặt tủa trên một đĩa sắt tráng men sạch đưa vào tủ sấy, sấy ở nhiệt độ dưới 70 độ C cho tới khô, tán thành bột là được cao mật khô.

3. Phương pháp của dược điển Pháp 1949 được áp dụng ở xí nghiệp dược phẩm I (Dược học 1962, 1:15) có thể dùng cho cả mật bò và mật lợn:

    Mật bò 1000g, cồn 90 độ 1000g, cồn 70 độ 200g. Lọc mật bò qua rây. Thêm cồn 90 độ vào, khuấy đều. Khuấy như vậy 4 đến 5 lần rồi để yên trong 2 ngày. Gạn lấy phần trong ở trên. Phần tủa lọc qua giấy lọc xếp nếp. Trong khi lọc cần đậy kín để tránh bay hơi cồn. Rửa tủa còn lại trong bình và trên giấy lọc bằng 200g cồn 70 độ dùng làm nhiều lần, để lấy hết muối mật. Hợp các dung dịch cồn lại và cô trong áp lực giảm, nhiệt độ dưới 50 độ C cho tới độ cao chắc. Ta sẽ được cao mật bò màu vàng lục nhạt vị đắng hơi ngọt.

    Muốn tinh chế hơn thì trước khi cô thu hồi cồn, cứ mỗi lít thêm vào 5g than hoạt và 5g caolin đã rửa sạch và tiệt trùng. Lắc trong vài giờ và để lắng trong 2 ngày. Lọc trong rồi mới tiến hành cô trong áp lực giảm ở nhiệt độ dưới 50 độ C cho tới khô. Tán bột. Đựng trong lọ kín. Cao này gọi là cao mật bò tinh chế khô, màu vàng nhạt, rất dễ hút ẩm, vị nhạt rồi đắng, hít vào gây hắt hơi.

    Phương pháp này cầu kỳ, chỉ có thể áp dụng ở một số cơ sở. Tại địa phương ta có thể áp dụng phương pháp của đội điều trị 10 hay Viện nghiên cứu Đông y.

B. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong cao mật bò chế như trên có hỗn hợp natri glycocholat và natri taurocholat, sắc tố mật bilirubin và bilivecdin, cholesterol, axit taurodesoxycholat (hay taurochenodesoxycholat) và một số muối mật khác như muối cholat và glycodesoxycholat (hay glycochenodesoxycholat).

Trong mật lợn chủ yếu gồm các muối cholat như hyodesoxycholat, glycocholat, glycodesoxycholat (hay glycochenodesoxycholat), taurocholat, taurodesoxycholat cholesterol, và một số (hay taurochencdesoxycholat) sắc tố mật như bilirubin.

C. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

1. Từ lâu người ta đã chứng minh mật lợn, mật bò có tác dụng kích thích nhu động ruột, hấp thu ở vùng tá tràng, nó kích thích rất mạnh sự bài tiết mật, vừa có tác dụng thông mật (cholagogue), vừa có tác dụng kích thích tiết mật (choleretique). Do sự bài tiết mật này, nó giúp và cùng với dịch tụy tiêu hóa chất béo. Mật còn là một chất sát trùng đường ruột.

Trên thực nghiệm, mật gây tiêu máu nhưng không gây ngứa.

Do những tính chất trên, uống mật vào ngoài tác dụng của mật còn có tác dụng là một chất kích thích trong những trường hợp rối loạn đường mật và đường tiêu hóa, thiểu năng gan và tụy, táo bón kèm theo lên men thối ở ruột, viêm ruột kết.

2. Gần đây, tại Trung Quốc đã có những công trình nghiên cứu tác dụng của mật lợn đối với bệnh ho gà và bệnh ho.

Trong ống nghiệm, mật lợn có tác dụng ức chế mạnh đối với trực trùng ho gà Baccilus pertussis.

Muối natri cholat, thành phần chủ yếu của mật lợn có tác dụng đối với ho: Dùng điện cảm ứng kích thích thần kinh yết hầu gây ho phản xạ trên mèo đã gây mê, sau đó tiêm natri cholat vào tĩnh mạch đùi thấy có tác dụng giảm ho rõ rệt.

Tiêm natri cholat vào tĩnh mạch đùi của thỏ làm thí nghiệm phản xạ trên phổi, thấy có tác dụng ức chế trung khu hô hấp.

Trên phổi cô lập của chuột lang, natri cholat làm dãn cơ trơn tiểu phế quản.

Ngoài ra natri cholat còn có tác dụng chống co giật do pilocacpin gây nên. Vậy natri cholat, thành phần chủ yếu trong mật lợn, có tác dụng giảm ho và chống co giật.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Mật bò, mật lợn thường được dùng làm thuốc chữa táo bón, bệnh về gan, mật, bệnh về đường tiêu hóa.

Ngày dùng 0,5-1g (uống) hoặc thụt (4g trong 250ml nước).

Gần đây mật lợn được dùng chữa ho gà dưới dạng xirô có chứa 20mg cao mật lợn trong 1ml xirô: Ngày uống 3 lần, mỗi lần trẻ em dưới 1 tuổi uống nửa thìa cà phê; 1-2 tuổi mỗi lần uống 1 thìa cà phê; 2-3 tuổi mỗi lần 1 thìa cà phê rưỡi; trên 3 tuổi mỗi lần 2 thìa cà phê rưỡi. Có thể dùng dưới dạng thuốc viên, mỗi viên chứa 50mg cao bột mật lợn toàn phần; ngày 3 lần, mỗi lần trẻ em dưới 1 tuổi uống 1 viên; 1-2 tuổi uống 2 viên; 2-3 tuổi uống 3 viên; trên 3 tuổi uống 5 viên.

Đơn thuốc có mật lợn hay mật bò:

    1. Viên mật lợn trị táo bón của Viện Đông y: Mật lợn chế theo phương pháp của Viện đã giới thiệu ở trên sấy khô tán bột, trộn với tá dưựoc làm thành viên, mỗi viên nhỏ nặng 0,10g. Người lớn uống mỗi ngày 6 đến 12 viên chia làm 1 hay 2 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ hay sáng sớm. Nếu táo bón nhiều có thể uống lúc đầu 20 viên rồi giảm dần xuống.

    2. Viên mật của Đội điều trị 10 và Bệnh viện Nam Định: Cao mật bò hay mật lợn 100g, lưu hoàng rửa lại 100g, bột hoạt thạch 150g, tinh dầu bạc hà 20 giọt. Cao mật bò chế theo phương pháp giới thiệu trên, thêm các vị thuốc khác vào rồi làm thành viên 0,15g. Ngày uống từ 20-30 viên chia làm 2 hay 3 lần uống. Dùng trong vòng 10 đến 30 ngày tùy theo bệnh nặng nhẹ. Chữa viêm mật, viêm gan, vàng da, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, phân sống, táo bón.

    3. Viên lộ đảm (biệt dược Xí nghiệp dược phẩm I): Mỗi viên có cao mật tinh chế 0,5g, lô hội (hoặc phan tả diệp) 0,08g, phenolphtalein 0,05g, tá dược vừa đủ 1 viên. Trị táo bón, ăn uống khó tiêu, do thiếu mật, vàng da, ứ mật, suy gan, nhiễm trùng đường ruột, sỏi mật. Người lớn ngày uống từ 2 đến 4 viên chia làm 2 lần uống. Uống sau các bữa ăn, nuốt chửng với một chén nước, không nhai vì rất đắng.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Hoàng nàn
03/02/2025 08:13 CH

- 長籽馬錢 (长籽马钱). Còn gọi là vỏ dãn, vỏ doãn. Tên khoa học Strychnos wallichiana Steud, ex Dc., Strychnos gauthierana Pierre (Strychnos malacensis Clarke). Thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae). Hoàng nàn (Cortex Strychnii gauthieranae) là vỏ thân phơi hay sấy khô củ...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Rau mùi - 胡荽. Còn gọi là hồ tuy, hương tuy, nguyên tuy, ngò, ngổ, ngổ thơm, coriandre, coriander (Anh), koriander (Đức). Tên khoa học Coriandrum sativum L. Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferac). Quả mùi (Fructus Coriandri) ta thường gọi nhầm là hạt mùi là quả chín phơi hay sấy khô của cây mùi. Mùi còn gọi là hồ tuy vì hồ là nước Hồ (tên Trung Quốc cổ đặt cho các nước ở Ấn Độ, Trung Á), tuy là ngọn và lá tản mát; Xưa kia Chương Khiên người Trung Quốc đi sứ nước Hồ mang giống cây này về có lá thưa thớt tản mát.
Rau muống - 蕹菜. Còn gọi là bìm bìm nước, tra kuôn (Cămpuchia), phak bang (Vienchian), liseron d'eau (Pháp). Tên khoa học Ipomoea reptans (L.) Poir. - Ipomoea aquatica Forsk. Thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).
Râu ngô - 玉米须. Râu ngô (Stigmata Maydis hay Styli et Stigmata Maydis) là vòi và núm phơi khô của hoa cây ngô (Zea mays L.) đã già và cho bắp. Râu ngô hái vào lúc ta thu hoạch ngô.
Rau om - 水芙蓉. Còn gọi là ngổ om, mò om, ngổ, ma am (Cămpuchia), phắp hom pôm (Lào). Tên khoa học Limnophila aromatica (Lamk.) Merr. Thuộc họ hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Rau sam - 馬齒莧 (马齿苋). Còn gọi là mã xỉ hiện, pourpier. Tên khoa học Portulaca oleracea L. Thuộc họ Rau sam (Portulacaceae). Người ta dùng toàn cây rau sam tươi hay phơi hoặc sấy khô (Herba Portulacae). "Mã" là con ngựa, "xỉ" là răng, "hiện" là một thứ rau, vì cây rau sam là một thứ rau có lá giống hình răng con ngựa.
Riềng - 高良薑 (高良姜). Còn gọi là cao lương khương, tiểu lương khương, phong khương, galanga. Tên khoa học Alpinia officinarum Hance. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Cao lương khương hay lương khương (Galanga, hay Rhizoma Alpiniae offcinarum) là thân rễ phơi khô của cây riềng. Vì đây là một loại “gừng” mọc ở quận Cao Lương, do đó có tên này (khương là gừng).
Rong mơ - 海藻. Còn gọi là loại rau mã vĩ, rau ngoai, rau mơ, hải tảo, rong biển. Tên khoa học Sargassum, Herba Sargassi. Rong mơ hau rau mơ (Sargassum hoặc Herba Sargassi) là toàn tảo rửa sạch phơi hay sấy khô của nhiều loài tảo khác nhau như Dương thê thái - Sangassum fusiforme (Harv). Setch., Hải khảo tử - Sargssum pallidum (Turn. C. Ag.) hoặc một loài tảo Sagssum sp. khác đều thuộc họ Rong mơ (Sargassaceae).
Sa nhân - 砂仁. Còn gọi là súc sa mật. Tên khoa học Amomum xanthioides Wall. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Sa nhân (Fructus et Semen Amomi xanthioidis) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây sa nhân (Amomum xanthioides). Người ta còn phân biệt xác sa là quả còn cả lớp vỏ và sa nhân là khối hạt còn lại sau khi đã bóc lớp vỏ ngoài. Vì hạt trông giống hạt sỏi, do đó có tên sa nhân; sa là cát, sỏi.
Sa nhân - Đậu khấu - 砂仁 - 豆蔻. Vấn đề sa nhân và đậu khấu hiện nay rất khó giải đáp chính xác. Với những tên đó, người ta dùng quả của nhiều loại cây khác nhau thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Dưới đây là một số vị thuốc chính nguồn gốc là những quả của nhiều loài cây họ Gừng: (1) Sa nhân (Fructus Amomi xanthioides); (2) Dương xuân xa (Fructus - Amomi villosi); (3) Đậu khấu còn gọi là bạch đậu khấu hay viên đậu khấu (Fructus Amomi cardamomi hay Fructus Cardamomi rotundi); (4) Tiểu đậu khấu (Fructus Cardamomi); (5) Hồng đậu khấu còn gọi là sơn khương tử (Fructus Alpiniae galangae); (6) Thảo đậu khấu (Semen Alpiniae katsumadai); (7) Ích trí nhân (Fructus Alpiniae yichi).
Sài đất - 蟛蜞菊. Còn gọi là húng trám, ngổ núi, cúc nháp, cúc giáp, hoa múc. Tên khoa học Wedelia calendulacea (L.) Less (Verbesina calendulacea L.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
San sư cô - 青牛膽 (青牛胆). Còn có tên là tam thạch cô, thanh ngưu đởm, cửu ngưu đởm, kim chư đởm, sơn từ cô. Tên khoa học Tinospora sagittata (Oliv.) Gagnep. Thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).
Sắn thuyền - 多花蒲桃. Còn gọi là sắn sàm thuyền. Tên khoa học Syzygium resinosum (Gagnep) Merr. et Perry (Eugenia resinosa). Thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Sảng - 假蘋婆 (假苹婆). Còn gọi là cây sảng, sảng lá kiếm, quả thang. Tên khoa học Sterculia lanceolata Cavan. Thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).
Săng lẻ - 絨毛紫薇 (绒毛紫薇). Còn gọi là bằng lang, bằng lăng (miền Nam), kwer (dân tộc Ma, Tây Nguyên), thao lao, truol (Rađê, Tây Nguyên). Tên khoa học Lagerstroemia calyculata Kurz (syn. Lagerstroemia angustifolia Pierre ex.Lan.). Thuộc họ Tử vi (Lythraceae). Tên săng lẻ cũng như bằng lăng dùng chỉ nhiều cây thuộc cùng chi khác loài và thường thêm đuôi để chỉ nơi mọc hay giống một cây nào khác hoặc công dụng như bằng lăng nước (chỉ nơi mọc ở nước), bằng lăng ổi, bằng lăng chèo (vì gỗ để làm bơi chèo), bằng lăng tía (hoa màu tía), bằng lăng trắng (hoa màu trắng), .v.v. Tên Lagerstroemia do Carl von Linné đặt cho từ năm 1759 để nhớ tới người bạn thân của mình, một công chức người Thụy Điển có tên Magnus Lagerstroem sinh năm 1691 ở Stettin và chết năm 1759 ở Gotterburg.
Seo gà - 鳳尾草 (凤尾草). Còn gọi là phượng vĩ thảo, theo gà, phượng vĩ. Tên khoa học Pteris multifida Poir. (P. Serrulata L. f.). Thuộc họ Dương xỉ (Polypodiaceae). Tên seo gà vì lá có một cái seo giống như seo ở đuôi con gà.
Sim - 桃金娘. Còn gọi là đương lê, sơn nhậm, nhậm tử, đào kim nương. Tên khoa học Rhodomyrtus tomentosa Wight (Myrtus Tomentosa Ait., Myrtus canescens Lour.). Thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Sổ - 五椏果. Còn gọi là sổ bà, thiều biêu, co má sản (Thái). Tên khoa học Dillenia indica L. Thuộc họ Sổ (Dilleniaceae).
Sở - 茶梅. Còn gọi là trà mai, trà mai hoa, cây dầu chè. Tên khoa học Camellia sasanqua Thunb. [Thea sasanqua (Thunb.) Nois.]. Thuộc họ Chè (Theaceae). Cây sở cho ta những sản phẩm sau đây: Dầu sở còn gọi là dầu chè dùng làm thực phẩm hay trong kỹ nghệ xà phòng. Khô sở dùng làm phân bón, nguyên liệu chiết saponozit, làm thuốc trừ sâu, duốc cá.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]