Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

MÃ ĐỀ - 車前

Còn gọi là mã đề thảo, xa tiền, nhả én, dứt (Thái), su ma (Thổ).

Tên khoa học Plantago asiatica L. (Plantago major L. var. asiatica Decaisne).

Thuộc họ Mã đề (Plantaginaceae).

mã đề, 車前, mã đề thảo, xa tiền, nhả én, dứt, su ma, Plantago asiatica L., Plantago major L. var. asiatica Decaisne, họ Mã đề, Plantaginaceae

mã đề, 車前, mã đề thảo, xa tiền, nhả én, dứt, su ma, Plantago asiatica L., Plantago major L. var. asiatica Decaisne, họ Mã đề, Plantaginaceae

Mã đề - Plantago asiatica

Theo thuyết của Lục cơ (cổ) thì loài cây này hay mọc ở vết chân ngựa kéo xe nên gọi tên ("mã" là ngựa, "đề" là móng chân).

Cây mã đề cho các vị thuốc có tên sau đây:

    1. Xa tiền tử: Semen plantaginis - là hạt phơi hay sấy khô.

    2. Mã đề thảo: Herba plantaginis - là toàn cây trừ bỏ rễ phơi hay sấy khô.

    3. Lá mã đề: Folium plantaginix - là lá tươi hay phơi hoặc sấy khô.

A. MÔ TẢ CÂY

Mã đề là loại cỏ sống lâu năm, thân ngắn lá mọc thành cụm ở gốc, cuống dài, phiến lá hình thìa hay hình trứng, có gân dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá. Hoa mọc thành bông, có cán dài, xuất phát từ kẽ lá. Hoa đều, lưỡng tính, đài 4, xếp chéo, hơi đính nhau ở gốc, tràng màu nâu tồn tại, gồm 4 thùy nằm xen kẽ ở giữa các lá đài. Nhị 4 chỉ nhị mảnh, dài, 2 lá noãn chứa nhiều tiểu noãn. Quả hộp trong chứa nhiều hạt màu nâu đen bóng.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Mã đề mọc hoang và được trồng tại nhiều nơi ở khắp nước ta. Muốn bảo đảm nhu cầu cần đặt vấn đề trồng. Trồng bằng hạt chọn ở những cây to khỏe, hạt mẫm đen. Thường trồng vào mùa Xuân và mùa Thu nhưng tốt nhất vào mùa Thu. Mã đề ưa đất tốt, ẩm vừa phải, đất tốt cây rất to.

Vào tháng 7-8 quả chín thì hái toàn cây đưa về phơi hay sấy khô, loại bỏ tạp chất. Muốn lấy hạt thì đập và giũ lấy hạt, rây qua rây rồi phơi khô. Không phải chế biến gì đặc biệt. Khi dùng lá, có thể hái gần như quanh năm, có thể dùng tươi hay khô.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Toàn cây chứa một glucozit gọi là aucubin hay rinantin C15H24O9 còn gọi là aucubozit.

Aucubin kết tinh với một phân tử nước, đun nóng ở 120oC thì mất nước. Độ chảy 180oC. Tan trong nước (36,5% nước 20oC), tan trong cồn 95o (1,1%), trong cồn metylic (13,8%), không tan trong ête và clorofoc. (α)D: -166o5 (khan) hay -179o1. Axit loãng hay men emunsin thủy phân cho glucoza và aucubigenin C9H12O4.

Có tác giả còn nói có plantagin nhưng chưa xác định lại được.

Trong lá có chất nhầy, chất đắng, carotin, vitamin C, vitamin K, yếu tố T (có người gọi là vitamin T), axit xitric.

Trong hạt chứa nhiều chất nhầy, axit plantenolic, adenin và cholin.

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

1. Tác dụng lợi tiểu:

    Uống nước sắc mã đề, lượng nước tiểu tăng, trong nước tiểu lượng urê, axit urit và muối đều tăng (thí nghiệm trên thỏ, chó và người).

2. Tác dụng chữa ho:

    Nước sắc mã đề có tác dụng trừ đờm, tác dụng này kéo dài 6-7giờ, mạnh nhất sau khi uống 3-6 giờ.

    Kết quả chữa ho, trừ đờm trên lâm sàng phù hợp với kết quả thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Tác dụng chữa ho này không trở ngại đến sự tiêu hóa và cũng không có tác dụng phá huyết. Cho nên tác dụng chữa ho của mã đề không giống những thuốc chữa ho chứa saponozit, nhưng tác dụng chữa ho giống nhau. Có điều cần chú ý là trẻ con ho dùng thuốc mã đề hay đái nhiều, có thể đái dầm.

    Chất plantagin có tác dụng hưng phấn thần kinh bài tiết, làm tăng sự bài tiết niêm dịch của phế quản và cũng của ống tiêu hóa, tác dụng trên trung khu hô hấp làm cho hơi thở sâu và từ từ.

3. Tác dụng kháng sinh:

    Nước sắc mã đề (toàn cây 1ml = 1g mã đề) có tác dụng ức chế đối với một số vi trùng bệnh ngoài da (Theo Trung Hoa bì phu tạp chí, 1957, 4: 286-292).

    Mã đề tán bột chế thành thuốc dầu đắp lên mụn nhọt đỡ nung mủ, đỡ bị viêm tấy (R. K. Aliev, 1945, Pharmacia).

    Để lá mã đề trong tối và lạnh kiểu chế thuốc Filatov trong vài ngày có thể sinh chất biostimulin, chế thành thuốc tiêm, tiêm dưới da có thể chữa các bệnh mụn nhọt, viêm cổ họng, mắt.

4. Độc tính:

    Cho uống aucubin không thấy có triệu chứng độc (Nhật dược chí, 1992).

5. Tác dụng khác:

    Trên lâm sàng, mã đề còn được dùng chữa cao huyết áp có kết quả, ngày hái 20-30g cây mã đề tươi, non, thêm nước vào sắc kỹ chia 3 lần uống trong ngày theo (Thượng Hải trung y dược tạp chí 3, 1959: 39-40).

    Chữa lỵ cấp tính và mãn tính: Lá mã đề tươi chế thành thuốc sắc 100%, ngày uống 3 lần, mỗi lần 60-120ml nước sắc 100% nói trên. Có thể uống tới 200ml mỗi lần. Thời gian điều trị 7-10 ngày, có thể kéo dài 1 tháng (Trung Hoa nội khoa tạp chí, 1960, 8, 4: 351-353).

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Từ thời cổ, mã đề được nhân dân ta và Trung Quốc dùng làm thuốc.

Theo sách cổ: Mã đề tính hàn, vị ngọt, không độc; vào 3 kinh Can, Thận và Tiểu trường. Tác dụng lợi tiểu, thanh phế, can, phong nhiệt, thẩm bàng quang thấp khí, chữa đẻ khó, ho, trừ đờm, chỉ tả (cầm đi ngoài), sáng mắt, thuốc bổ.

Trên thực tế, mã đề được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, tả lỵ, mắt đỏ đau. Ngày dùng 6-12 g dưới dạng thuốc sắc. Hay dùng làm thuốc ho cho trẻ em, nhưng nhược điểm của loại thuốc này là gây cho trẻ đái dầm.

Trong sách cổ có nói: Phàm những người đi tiểu quá nhiều, đại tiện táo, không thấp nhiệt, thận hư, nội thương dương khí hạ giáng thì không nên dùng.

Dùng ngoài: Nhân dân ta và nhân dân Liên Xô dùng lá tươi giã nát đắp mụn nhọt, làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Đơn thuốc có mã đề:

    1. Thuốc lợi tiểu: Xa tiền tử (hạt mã đề) 10g, cam thảo 2g, nước 600ml (3 bát); sắc và giữ sôi trong nửa giờ; chia 3 lần uống trong ngày.

    2. Chữa ho tiêu đờm: Xa tiền thảo (cây mã đề) 10g, cam thảo 2g, cát cánh 2g, nước 400ml; đun sôi trong nửa giờ, chia 3 lần uống trong ngày. Nếu không có cam thảo, thì có thể thay bằng đường cho đủ ngọt mà uống.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Tỷ giải
24/01/2025 08:06 CH

- 萆薢. Còn gọi là xuyên tỳ giải, tất giã, phấn tỳ giải. Tên khoa học Dioscorea tokoro Makino. Thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Tỳ giải (Rhizoma Dioscoreae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây tỳ giải.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Thảo quả - 草果. Còn gọi là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu (Thái). Tên khoa học Amomum tsao-ko Crev. et Lem. (Amomum aromaticum Roxb. Amomun medium Lour.). Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Thảo quyết minh - 草决明. Còn gọi là quyết minh, hạt muồng, đậu ma, giả lục đậu, giả hoa sinh, lạc giời. Tên khoa học Cassia tora L. Thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Ta dùng thảo quyết minh (Semen Cassiae) là hạt phơi hay sấy khô của cây thảo quyết minh.
Thầu dầu - 蓖麻. Còn gọi là đu đủ tía, dầu ve, tỳ ma. Tên khoa học Ricinus communis L. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây thầu dầu cung cấp các vị thuốc sau dây: (1) Dầu thầu dầu - tỳ ma du (Oleum Ricini) là dầu ép từ hạt cây thầu dầu. (2) Hạt thầu dầu - tỳ ma tử là hạt phơi khô của cây thầu dầu. (3) Lá thầu dầu (Folium Ricini) là lá tươi của cây thầu dầu.
Thị - 黃柿. Còn gọi là thị muộn. Tên khoa học Diospyros decandra Lour. Thuộc họ Thị (Ebenaceae).
Thìa là - 蒔蘿 (莳萝). Còn gọi là rau thìa là, phăk si (Lào-Vientian), aneth (Pháp). Tên khoa học Anethum graveolens L. (Peucedanum graveolens Benth. et Hook.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae). Thìa là cho quả dùng làm thuốc.
Thiên đồng thống - 破布木. Còn gọi là cây lá trắng, cây ong bầu, trường xuyên hoa. Tên khoa học Cordia obliqua Willd. (Corlia dichotoma Forst). Thuộc họ Vòi voi (Borraginaceae).
Thiên lý - 夜来香. Còn gọi là cây hoa lý, hoa thiên lý, dạ lài hương. Tên khoa học Telosma cordata (Burm.f.) Merr. (Asclepias cordata Burm.f., Pergularia minor Andr. Pergularia odoratissima Wight, Asclepias odoratissima Roxb.). Thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Thiên niên kiện - 千年健. Còn gọi là sơn thục. Tên khoa học Homalomena aromatica (Roxb). Schott (Calla aromatica Roxb). Thuộc họ Ráy (Araceae). Thiên niên kiện (Rhizoma Homalomenae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây thiên niên kiện. Tên thiên niên kiện vì người ta cho rằng uống vị thuốc này thì nghìn năm khỏe mạnh (thiên là nghìn, niên là năm, kiện là khỏe mạnh).
Thiến thảo - 茜草. Còn gọi là tây thảo, mao sáng (mèo), thiên căn, thiến căn. Tên khoa học Rubia cordifolia L. Thuộc họ Cà phê (Rubiacae).
Thổ hoàng liên - 馬尾黃連 (马尾黄连). Tên khoa học Thalictrum foliolosum D.C. Thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae). Thổ hoàng liên (Rhizoma Thalictri) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây thổ hoàng liên (Thalictrum foliolosum D.C.) và nhiều loài khác thuộc giống Thalictrum.
Thổ phục linh - 土茯苓. Còn gọi là củ khúc khắc, củ kim cang. Tên khoa học Smilax glabra Roxb. (Smilax hookeri Kunth). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Thổ phục linh (Rhizoma Smilacis) là thân rễ phơi hay sấy phô của nhiều cây thuộc chi Smilax, trong đó có cây Smilax glabra.
Thóc lép - 大葉山螞蝗 (大叶山蚂蝗). Còn có tên là cỏ cháy, bài ngài. Tên khoa học Desmodium gangeticum DC. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Thồm lồm - 火炭母. Còn gọi là đuôi tôm, mía giò, bẻm, mía bẻm, mía nung, cây lôm, chuồng chuồng, hỏa khôi mẫu, săm koy (Luang Prabang). Tên khoa học Polygonum sinense L..Thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Ta dùng toàn cây hay lá tươi hoặc phơi khô.
Thòng bong - 曲軸海金沙 (曲轴海金沙). Còn gọi là bòng bong, dương vong, thạch vĩ dây. Tên khoa học Lygodium flexuosum Sw. Thuộc họ Thòng bong (Schizaeaceae). Ta dùng toàn cây thòng bong phơi hay sấy khô - Herba Lygodi.
Thốt nốt - 糖棕. Còn gọi là thnot (Cămpuchia), mak tan kok (Lào), palmier à sucre, rondier. Tên khoa học Borasus flabellifer L. (Pholidocarpus tunicatus H. Wendl.). Thuộc họ Dừa (Palmaceae).
Thuốc bỏng - 落地生根. Còn gọi là trường sinh, thổ tam thất, đả bất tử, diệp sinh căn, sái bất tử, lạc địa sinh căn, sống đời. Tên khoa học Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. (Bryophylum calycinum Salisb.). Thuộc họ Thuốc bỏng (Crassulaceae). Có tên "thuốc bỏng" vì cây được dùng làm thuốc chữa bỏng. Trường sinh (sống lâu) hay lạc địa sinh căn (rụng xuống đất mọc rễ) là vì cây sống rất lâu, lá rụng xuống mặt đất là mọc rễ và thành một cây con.
Thược dược - 芍藥 (芍药). Trên thị trường có 2 loại thược dược: 1. Bạch thược là rễ phơi khô của cây Paeonia lactiflora Pall., (Paeonia albiflora Pall); 2. Xích thược là rễ của 3 cây khác nhau: Paeonia lactiflora Pall., Paeonia obovata Maxim, Paeonia veitchii Lynch, và một số loài khác nữa. Tất cả đều thuộc họ Mao lương (Ranunculaceae).
Thuốc giấu - 紅雀珊瑚 (红雀珊瑚). Còn gọi là hồng tước san hô, dương san hô. Tên khoa học Euphorbia tithymaloides L. (Pedilanthus tithymaloides (Linn.), Poit). Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]