Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

HUYỀN SÂM - 玄參 (玄参)

Còn gọi là hắc sâm, nguyên sâm.

Tên khoa học Scrophularia buergeriana Miq.

Thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

HUYỀN SÂM, 玄參, 玄参, hắc sâm, nguyên sâm, Scrophularia buergeriana Miq., họ Hoa mõm chó, Scrophulariaceae

Bắc huyền sâm - Scrophularia buergeriana

Huyền sâm (Radix Scrophulariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây bắc huyền sâm Scrophularia bucrgeriana Miq.

Có tài liệu nói là Scrophularia oldhami Oliv hoặc rễ cây huyền sâm Scrophularia ningpoensis Hemsl.

Tên huyền sâm vì vị thuốc giống sâm và có màu đen (huyền là đen).

A. MÔ TẢ CÂY

Cây bắc huyền sâm là một loại cỏ cao 1,5m đến 2m. Thân vuông, màu xanh có rãnh dọc, 4 góc hơi phồng lồi ra.

Lá hình trứng, đầu nhọn, mọc đối chữ thập, cuống ngắn, phiến lá dài 3-8cm, rộng 1,8-6cm, mép có răng cưa nhỏ và đều. Lá phía dưới to hơn, cuống dài hơn (2-3cm), lá phía trên nhỏ hơn, cuống ngắn (chừng 5mm).

Hoa mọc thành chùm với cuống ngắn trông như bông ở đầu ngọn hoặc đầu cành. Hoa hình ống hơi phình ở giữa, thắt ở phía trên, dài 18mm, rộng 3-4mm, trên mép có 5 cánh 1 cánh cao hơn. Nhị 4. Hoa màu trắng vàng nhạt.

Cây huyền sâm Scrophularia ningpoensis khác cây bắc huyền sâm ở hoa mọc thành tán, màu tím.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây mới di thực vào nước ta. Nay phát triển ở nhiều nơi. Trước kia nhập của Trung Quốc.

Trồng bằng hạt vào mùa xuân, mỗi hecta cần chừng 1,5kg hạt giống. Thu hoạch rễ vào tháng 10-11. Mỗi hecta cho chừng 5 tấn rễ tươi.

Rễ đào về, cắt bỏ đầu, mầm, rễ con, rửa sạch đất, phơi nắng. Tối giữ ấm cho rễ; sau một thời gian, màu rễ sẽ sẫm lại. Sau đó phơi cho thật khô.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong huyền sâm có chất scrophularin.

Có tác giả lại nói trong cao rượu chế từ huyền sâm có phytosterola, ancaloit, tinh dầu, axit béo, saparagin và chất đường.

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Năm 1936, hai tác giả Kinh Lợi Bân, Thạch Nguyên Cao có chế cao lỏng huyền sâm (rượu) rồi nghiên cứu tác dụng trên tim, huyết quản, huyết áp, hô hấp, huyết đường và giảm sốt đối với động vật, thu được những kết quả sau đây:

1. Tác dụng trên tim:

   Pha cao lỏng huyền sâm với nước Locke Ringer rồi cho tác dụng trên tim ếch cô lập với nồng độ thấp (0,01-0,02%) thấy sức bóp của tim mạnh lên, với nồng độ trung bình (0,1%) thấy lực của tim yếu đi, nhịp đập trở lên chậm, với nồng độ cao (10%) làm cho tim ngừng đập.

2. Tác dụng lên mạch máu:

   Huyền sâm gây dãn mạch. Dùng cao lỏng huyền sâm tiêm vào tĩnh mạch thỏ đánh mê, nhận xét thấy nếu dùng liều nhỏ (1-4ml) huyết áp hơi tăng, sau hạ xuống và cuối cùng trở lại bình thường, liều lớn (10ml) làm cho huyết áp tạm thời hơi hạ thấp, biên độ hô hấp tăng mạnh.

3. Tác dụng giảm sốt:

   Gây sốt cho thỏ bằng tiêm colibaclle sau đó tiêm dưới da dung dịch huyền sâm (5ml/kg thể trọng) không thấy tác dụng hạ sốt.

4. Tác dụng trên lượng huyết đường:

   Định lượng huyết đường của thỏ bằng phương pháp Dinegea, sau tiêm dung dịch huyền sâm vào dưới da, (5ml/kg thể trọng) sau đó cách mỗi giờ định lượng đường trong máu một lần, làm như vậy 5 lần: Thí nghiệm trên 4 con thỏ tiêm huyền sâm, thấy lượng đường huyết thấp hơn so với mức đường trong máu bình thường là 15mg/100ml máu.

5. Tác dụng kháng sinh:

   Theo Trịnh Vũ Phi (Trung Hoa y học tạp chí 1952) huyền sâm có tác dụng kháng sinh đối với nhiều loài vi trùng bệnh ngoài da.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Huyền sâm được dùng làm thuốc mạnh tim, giảm sốt, chống viêm trong các bệnh viêm cổ họng, viêm amiđan, lở loét trong miệng.

Liều dùng 10-12g dưới dạng thuốc sắc.

Theo tài liệu cổ: Huyền sâm vị đắng, mặn, tính hơi hàn; vào 2 kinh Phế và Thận. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, trừ phiền, chỉ khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt trường. Dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yếu hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc, táo bón. Người tỳ hư tiết tả không dùng được.

Đơn thuốc có huyền sâm:

   - Chữa viêm cổ họng, viêm amiđan (đơn của Diệp Quyết Tuyền): Huyền sâm 10g, cam thảo 3g, cát cánh 5g, mạch môn đông 8g, thăng ma 3g, nước 600ml. Sắc còn 200ml chia làm nhiều lần uống trong ngày hoặc làm thuốc súc miệng.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Kỳ đà
30/06/2025 09:20 CH

- 水巨蜥. Tên khoa học Varanus salvator. Thuộc họ Kỳ dà (Varanidae). Con Kỳ đà cho ta mật để làm thuốc.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Huyết lình - Còn gọi là lục linh. Lình là tên tiếng Thổ của con khỉ; lục là nhau thai và huyết linh là máu chảy ra của con khỉ sau khi đẻ, phơi khô.
Hy thiêm - 豨簽 (豨莶). Còn gọi là cỏ đĩ, cứt lợn, hy kiểm thảo, hy tiên, niêm hồ thái, chư cao, hổ cao, chó đẻ, nụ áo rìa. Tên khoa học Siegesbeckia orientalis L. (S. glutinosa Wall., Minyranthes heterophylla Turcz.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Cây này đầu tiên thấy dùng ở nước Sở (một nước cổ ở miền nam Trung Quốc); dân nước này gọi lợn là hy, gọi cỏ đắng cay có độc là thiêm, vì khí vị cây này như mùi lợn, do đó có tên. Chữ cứt lợn là dịch nghĩa Việt của tên cây, nhưng chỉ cần chú ý tên cứt lợn còn dùng chỉ một cây khác thuộc họ Cúc (xem vị này ở mục các thuốc chữa bệnh phụ nữ) để tránh nhầm lẫn trong khi sử dụng. Tên cỏ đĩ vì hoa cây này có chất dính, khi người ta đi qua, nó dính theo người ta. Hy thiêm thảo (Herba Siegesbeckiae) là toàn cây hy thiêm phơi hay sấy khô.
Ích mẫu - 益母草. Còn gọi là ích mẫu thảo, sung úy, chói đèn. Tên khoa học Leonurus heterophyllus Sw. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Cây ích mẫu cung cấp cho ta 2 vị thuốc: Ích mẫu hay ích mẫu thảo (Herba Leonuri) là toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây ích mẫu; Sung úy tử (Fructus Leonuri) là quả chín phơi hay sấy khô của cây ích mẫu.
Ích trí nhân - 益智仁. Còn gọi là ích trí, ích trí tử. Tên khoa học Alpinia oxyphylla Miq. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Ích trí nhân (Fructus Alpiniae oxyphyllae) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây ích trí (Alpinia oxyphylla Miq.). Vì vị thuốc giúp ích tỳ vị cho nên có tên như thế.
Ké hoa đào - 地桃花. Còn gọi là phan thiên hoa, tiêu phan thiên hoa, nha khac mòn (Thái), bái lương, bái cúc, vái, địa đào hoa, niêm du tử, dã miên hoa. Tên khoa học Urena lobata L. (Urena monopetala Lou., Urena sinuata L., Urena scabruiscula DC.). Thuộc họ Bông (Malvaceae).
Ké hoa vàng - 白背黄花稔. Còn gọi là ké đồng tiền, bạch bối hoàng hoa nhậm, chỗi đực, khát bo lương (Thái). Tên khoa học Sida rhombifolia L. (Sida alnifolia Lour.). Thuộc họ Bông (Malvaceae).
Kê nội kim - 雞內金 (鸡内金). Còn gọi là kê hoàng bì, kê chuẩn bì, màng mề gà. Tên khoa học Corium Stomachichum Galli. Kê nội kim là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con gà Gallus domesticus Brisson thuộc họ Phasianidae.
Kẹo mạch nha - 飴糖 (饴糖). Còn gọi là kẹo mạ, di đường. Tên khoa học Sacharum granorum. Kẹo mạch nhà là chất đường do tác dụng của men trong hạt thóc nẩy mầm trên tinh bột gạo nếp, gạo tẻ hay một ngũ cốc nào khác, rồi cô đặc lại. Kẹo mạch nha được dùng từ lâu đời. Các tài liệu cổ cho kẹo mạch nha làm mạnh dạ dày, bổ tỳ nhuận phổi.
Keo nước hoa - 金合歡 (金合欢). Còn gọi là keo ta, mân côi, mak ku kong, kum tai (Lào), sambor meas (Cămpuchia), cassie du Levant. Tên khoa học Acacia farnesiana Willd. (Mimosa farnesiana L.). Thuộc họ Trinh nữ (Mimosaceae).
Kha tử - 訶子 (诃子). Còn gọi là cây chiều liêu, myrobolan de commerce. Tên khoa học Terminalia chebula Retz. (Terminalia reticulata Roth., Myrobalanus chebula Gaertn.). Thuộc họ Bàng (Combretaceae). Kha tử (Fructus Teminaliae) là quả chín sấy hay phơi khô của cây chiều liêu hay kha tử.
Khế - 陽桃 (阳桃). Còn gọi là khế ta, khế cơm, khế chua, khế giang, ngũ lãng tử, dương đào, ngũ liêm tử. Tên khoa học Averrhoa carambola L.. Thuộc họ Chua me đất (Oxalidaccae). Vì quả khế có 5 cạnh nên gọi là ngũ liễm (liễm là thu lại, tụ lại).
Khế rừng - 小葉紅葉藤 (小叶红叶藤). Còn gọi là dây quai xanh, cây cháy nhà. Tên khoa học Rourea microphylla Planch. Thuộc họ Khế rừng (Connaraceae).
Khỉ - 獼猴 (猕猴). Còn gọi là hầu. Tên khoa học Macaca sp. Thuộc họ Khỉ (Cercopithecidae). Khỉ cho ta những vị thuốc sau đây: (1) Cao xương khỉ còn gọi là cao khỉ, cao hầu nấu bằng xương khỉ; (2) Cao khỉ toàn tính nấu bằng toàn bộ con khỉ, cả xương và thịt; (3) Hầu táo còn gọi là hầu đan hay hầu tử táo (Calculus macacae) tức là sỏi trong túi mật của con khỉ.
Khiếm thực - 芡實 (芡实). Còn có tên kê đầu, khiếm. Tên khoa học Euryale rerox Salisb. Thuộc họ súng (Nympheceae). Ở Việt Nam hiện nay dùng hai vị thuốc mang tên khiếm thực, ta cần chú ý để phân biệt. (1) Hạt phơi hay sấy khô (Semen Euryales) của cây khiếm thực nói trên.Vị này mới đúng là vị khiếm thực nhưng còn phải nhập của Trung Quốc vì nước ta chưa thấy cây này. (2) Thân rễ củ phơi hay sấy khô của cây củ súng nhỏ Nymphaea stellata Wild. cùng họ Súng (Nymphaeaceae). Nhiều người và nhiều nơi vẫn dùng vị này với tên khiếm thực.
Khiên ngưu - 牽牛. Còn gọi là hắc sửu, bạch sửu, bìm bìm biếc, kalađana (Ấn Độ). Tên khoa học Ipomoea hederacea Jacq (Pharbitis hederacea Choisy). Thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Khiên ngưu tử (Pharbitis hay Semen Pharbitidis) là hạt phơi khô của cây khiên ngưu hay bìm bìm biếc. Cây khiên ngưu còn cho ta vị thuốc nhựa khiên ngưu (Resina Pharbitidis). Khiên là dắt, ngưu là trâu là vì có người dùng vị thuốc này khỏi bệnh, dắt trâu đến tạ ơn người mách thuốc. Hắc sửu là chỉ hạt màu đen, bạch sửu là hạt màu trắng.
Khổ sâm Tên khổ sâm có nghĩa sâm đắng được dùng để chỉ ba vị thuốc nguồn gốc và công dụng khác hẳn nhau. (1) Hạt khổ sâm: Thực tế là quả của cây sầu đâu rừng Brucea sumatrana thuộc họ Khổ sâm (Simarubaceae), hay nha đảm tử - khổ luyện tử; (2) Lá của cây khổ sâm Croton tonkinensis thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae); (3) Rễ cây dã hòe (hòe mọc hoang) Sophora flavescens. Cần chú ý khi dùng để tránh nhầm lẫn.
Khoai lang - 番薯. Còn gọi là phan chư, cam thự, hồng thự, cam chư. Tên khoa học Ipomoea batatas (L.) Poir. Thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).
Khoai nưa - 蒟蒻. Còn gọi là củ nưa, khoai na. Tên khoa học Amorphophalus rivieri Dur. Thuộc họ Ráy (Araceae).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]