Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

HOÀNG KỲ - 黄芪

HOÀNG KỲ, 黄芪, Astragalus membranaceus, Radix Astragali, cây hoàng kỳ, cây hoàng kỳ Mông Cổ, Astragalus mongholcus Bunge, họ Đậu, Fabaceae

Hoàng kỳ - Astragalus membranaceus

Hoàng kỳ (Radix Astragali) là rễ phơi hay sấy khô của cây hoàng kỳ - [Astragalus menbranaceus (Fish) Bunge] - hay cây hoàng kỳ Mông Cổ (Astragalus mongholcus Bunge) hoặc của những cây cùng chi đều thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Vị thuốc màu vàng, sở trường về bổ cho nên có tên gọi như vậy: Hoàng là vàng, kỳ là nhớn (sở trường).

A. MÔ TẢ CÂY

Hai cây hoàng kỳ hay cho vị thuốc thường tiêu thụ trên thị trường là:

1. Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus (Fish) Bunge) là một cây sống lâu năm, cao 50-80cm, rễ cái dài và mọc sâu, rất khó bẻ, đường kính 1-3cm, vỏ ngoài màu vàng đỏ hay nâu. Thân mọc thẳng đứng, trên có phân nhiều cành. Lá mọc  so le, kép, dìa lẻ, có là kèm hình 3 cạnh, 6-13 đôi lá chét hình trứng dài 5-23mm, mặt dưới có nhiều lông trắng mịn. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, dài hơn lá, gồm 5-22 hoa, màu vàng tươi. Quả giáp mỏng, dẹt, dài 2-2,5cm, đường  kính 0,9-1,2cm đầu dài ra thành hình gai nhọn, trên quả có long ngắn, 5-6 hạt màu đen hình thận. Mùa hoa tại Trung Quốc vào các tháng 6-7, mùa quả vào các tháng 8-9 (Hà Bắc, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh).

2. Hoàng kỳ Mông Cổ (Astragalus mongholicus Bunge) rất giống loại trên, nhưng khác bởi lá chét nhỏ hơn, 12-18 đôi lá chét, tràng hoa dài hơn, quả rộng hơn 1,1-1,5cm, không có lông. Mùa hoa vào các tháng 6-7, mùa quả vào các tháng 7-9, cũng hay gặp ở những nơi có hoàng kỳ.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cho đến nay ta vấn phải nhập hoàng kỳ của Trung Quốc. Gần đây ta đã thí nghiệm trồng thử ở nước ta, mọc được, nhưng chưa đưa vào trồng nhiều.

Cây Hoàng kỳ mọc hoang tại Trung Quốc, ưa những nơi đất cát, thoát nước tốt. Thường trồng sau 3 năm mới thu hoạch, sau 6-7 năm thì tốt hơn. Đào rễ vào mùa thu, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, phơi hay sấy khô.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Theo sự nghiên cứu của Sở dược thuộc Viện nghiên cứu y học Bắc Kinh, trong hoàng kỳ có cholin betain, nhiều loại axit amin và sacaroza.

Những tài liệu trước cũng cho biết hoạt chất của hoàng kỳ chưa rõ; chỉ mới biết có chất nhầy, chất đường.

Theo lý Thừa Cố (Sinh dược học, 1952) trong hoàng kỳ có sacaroza, glucoza, tinh bột, chất nhầy, gôm, hơi có phản ứng ancaloit. Mới đây người ta phát hiện trong hoàng kỳ có chất selenium.

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hoàng kỳ có một số tác dụng chủ yếu sau đây:

1. Theo báo cáo của Trương Trạch và Cao Kiều (1940) hoàng kỳ có tác dụng làm cho kỳ động tình của chuột bạch thông thường là 1 ngày kéo dài thành 10 ngày.

2. Trên hệ thống tuần hoàn:

   Theo Tự Điền và cao Kiều (Nhật Bản y học kiện khang bảo hiểm, 1941) hoàng kỳ có tác dụng tăng sự co bóp của tim bình thường. Đối với tim bị trúng độc hay do mệt mỏi mà suy kiệt thì tác dụng lại càng rõ rệt. Hoàng kỳ còn có tác dụng làm giãn mạch, kết quả của sự giãn mạch ngoại vi dẫn đến việc làm cho máu tới nhiều hơn, sự dinh dưỡng tốt hơn; cũng do giãn mạch ngoại vi, huyết áp hạ thấp; do mạch tim và mạch thận giãn nở nên cũng ảnh hưởng làm thông tiểu tiện.

   Thí nghiệm trên chuột bạch và chuột lang còn chứng minh rằng hoàng kỳ có tác dụng tăng sức đề kháng của mao mạch, đo đó có thể đề phòng hiện tượng thẩm thấu của mao mạch tăng mạnh cho clorofoc, histamin tạo nên. Hoàng kỳ còn dùng chữa bệnh mao mạch dễ bị vỡ (dòn) do bị chiếu quang tuyến X quá độ.

   Năm 1936, Kinh Lợi Bân và Lý Đăng Bảng thuộc Viện nghiên cứu y học Bắc Kinh (Sở nghiên cứu sinh lý) đã báo cáo rằng cồn hoàng kỳ (rượu 70o) chế thuốc và tiêm vào tĩnh mạch chó đã gây mê thì thấy huyết áp hạ thấp lâu dài.

3. Tác dụng lợi tiểu:

   Uống thuốc hoàng kỳ có tác dụng lợi tiểu: Theo báo cáo của Phác Trụ Thừa và Y Bác An, cho 3 con chó uống 0,50-4g hoàng kỳ; sau 4 giờ và 24 giờ đo lượng nước tiểu bài tiết thì thấy hoàng kỳ có tác dụng lợi tiểu rõ rệt trong đo có một con chó so với con không uống thuốc thấy tiểu tiện tăng gấp 2 lần.

   Thí  nghiệm trên 2 con thỏ, cũng thấy kết quả như vậy: Nhưng nếu cho uống lâu thì tác dụng lợi tiểu lại không rõ rệt. Nếu uống với liều cao, thì ngược lại ngày thứ nhất lượng nước tiểu giảm xuống, những không đưa tới anbumin niệu hay đường niệu. Đối với chó bị viêm thận do nhiếm độc asen thì hoàng kỳ không có tác dụng lợi tiểu.

   Năm 1936, Kinh Lợi Bân và Lý Đăng Bảng báo cáo đã dùng thuốc hoàng kỳ tiêm tĩnh mạch cho chó đã gây mê thì thấy tác dụng lợi tiểu rất rõ rệt; nhưng tiếc rằng các tác giả không nói rõ nồng độ và liều lượng dung dịch đã tiêm, do đó Trương Xương Thiệu (Hiện đại đích trung dược nghiên cứu 97:1954) mới phân tích và kết luận rằng nhận định đó còn phải thảo luận thêm.

4. Ảnh hưởng trên đường huyết:

   Kinh Lợi Bân, Thạch Nguyên Cao, Lý Đăng bảng (1936) đã báo cáo dùng thuốc hoàng kỳ tiêm dưới da cho thỏ thì không thấy ảnh hưởng gì tới đường huyết.

5. Tác dụng kháng sinh:

   Năm 1947, Từ Trọng Lã (Trung Hoa y học tạp chí, 33:71-75) đã báo cáo hoàng kỳ có tác dụng kháng sinh đối với vi trùng lị Shiga trong ống nghiệm.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Hoàng kỳ là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi đông y làm thuốc ích khí, tống sang độc, lợi tiểu, làm hết đau, hút mủ, là thuốc quan trọng chữa bệnh đậu không mọc được, chữa mọi bệnh của trẻ con, phụ nữ, có ác huyết không ra hết, đàn ông hư tổn.

Trên cơ sở nghiên cứu của tây y, người ta dùng hoàng kỳ để chữa những trường hợp lở loét mãn tính, suy nhược lâu ngày, huyết áp cao, mạch máu nhỏ dễ đứt vỡ, viêm thận mãn tính với anbumin niệu, cơ thể suy nhược hay ra nhiều mồ hôi.

Ngày dùng 3-9g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc cao.

Theo tài liệu cổ: Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn; vào 2 kinh Phế và Tỳ. Có tác dụng bổ khí, lợi tiểu, thác sang. Dùng chữa biểu hư sinh ra mồ hôi trộm, tỳ hư sinh ỉa lỏng, dương hư huyết thoát, thủy thũng, huyết tý.

Đơn thuốc có hoàng kỳ:

   1. Hoàng kỳ lục nhất thang (đơn thuốc cổ điển trong đông y) - Dùng chữa toàn thân suy nhược, chân tay mỏi mệt rời rã, miệng khô, tim đập nhanh hồi hộp, mặt xanh vàng không muốn ăn uống, nhiều mồ hôi, sốt: Hoàng kỳ sao mật 6 phần, cam thảo 1 phần (một nửa dùng sống, một nửa sao). Tất cả tán nhỏ. Mỗi lần uống 4-8g bột này, vào sáng, trưa và chiều. Có thể sắc uống.

   2. Hoàng kỳ kiện trung thang - Chữa cơ thể suy nhược, nhiều mồ hôi (ghi trong Kim quỹ phương): Hoàng kỳ 6g, thược dược 5g, quế chi 2g, cam thảo 2g, sinh khương 4g, dại táo 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, trộn thêm một ít mạch nha cho ngọt chia 3 lần uống trong ngày.

Chú thích:

   Ngoài hai cây hoàng kỳ nói trên, một số tài liệu trước xác định cây hoàng kỳ là Astragalus hoantchi.

   Nhưng theo sự điều tra mới đây của các nhà thực vật và dược liệu Trung Quốc thì không thấy cây này. Một số địa phương của Trung Quốc còn dùng nhiều cây khác làm hoàng kỳ như Astragalus tongolensis UIbr., Melitotis, Heydysarum polybotrys Hand. - Mazz.v.v...

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Muối ăn
06/07/2025 08:59 CH

- 食鹽 (食盐). Còn gọi là thực diêm. Tên khoa học Natrium chloridum crudum. Muối ăn là những tinh thể hình lập phương dính với nhau thành hình tháp rỗng, không màu hay hơi đục bẩn, vị mặn, đặc biệt để ở những nơi ẩm ướt thì hay hút nước chảy ướt, nhưng khi rang...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Thanh cao hoa vàng - 黄花蒿. Còn gọi là thanh hao, thanh cao, thảo cao. Tên khoa học Artemissia annua L. Thuộc họ Cúc Asteriaceae (Compositae).
Thanh đại - 青黛. Thanh đại (Indigo pulverata levis) là màu xanh chế từ nhiều cây khác nhau, chủ yếu là các cây sau đây: 1. Cây chàm (Indigofera tinctoria L.) thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae); Nghể chàm (Polygonum tinctorium Lour) thuộc họ Rau răm (Polygonaceae); Cây chàm Strobilanthes cusia Bremek (hay strobilanthes flaccidifolius Ness), còn gọi là cây chàm mèo thuộc họ Ô rô (Acanthaceae); 4. Một số cây khác chưa thấy ở nước ta, như cây Isatis tinctoria L., họ Chữ thập (Brassicaceae) và cây Isatis indigotica Fort, cũng thuộc họ Chữ thập (Brassicaceae).
Thanh long - 量天尺. Còn gọi là cây mắt rồng, oeil de dragon (Pháp). Tên khoa học Hylocereus undulatus (Haw.) Britt & Rose. Thuộc họ xương rồng (Cactaceae).
Thanh ngâm - 苦玄參 (苦玄参). Còn gọi là mật đất, cây mật cá, sản đắng, thằm ngăm đất. Tên khoa học Curanga amara Juss. Thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaeae).
Thành ngạnh - 黄牛木. Còn gọi là cây đỏ ngọn (Vĩnh Phú), lành ngạnh, ngành ngạnh, may tiên, ti u (Lai Châu). Tên khoa học Cratoxylon prunifolium Dyer (Cratoxylon pruniflorum Kurtz). Thuộc họ Ban (Hypericaceae).
Thanh thất - 嶺南臭椿 (岭南臭椿). Còn gọi là bụt, bông xướt, càn thôn. Tên khoa học Ailanthus malabarica DC. Thuộc họ Thanh thất (Simarubaceae).
Thảo đậu khấu - 草豆蔻. Còn gọi là thảo khấu nhân, ngẫu tử. Tên khoa học Alpnia katsumadai Hayt. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Thảo đậu khấu (Semen Alpiniae katsumadai) là hạt phơi hay sấy khô lấy từ quả gần chín của cây thảo khấu (Alpinia katsumadai).
Thảo quả - 草果. Còn gọi là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu (Thái). Tên khoa học Amomum tsao-ko Crev. et Lem. (Amomum aromaticum Roxb. Amomun medium Lour.). Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Thảo quyết minh - 草决明. Còn gọi là quyết minh, hạt muồng, đậu ma, giả lục đậu, giả hoa sinh, lạc giời. Tên khoa học Cassia tora L. Thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Ta dùng thảo quyết minh (Semen Cassiae) là hạt phơi hay sấy khô của cây thảo quyết minh.
Thầu dầu - 蓖麻. Còn gọi là đu đủ tía, dầu ve, tỳ ma. Tên khoa học Ricinus communis L. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây thầu dầu cung cấp các vị thuốc sau dây: (1) Dầu thầu dầu - tỳ ma du (Oleum Ricini) là dầu ép từ hạt cây thầu dầu. (2) Hạt thầu dầu - tỳ ma tử là hạt phơi khô của cây thầu dầu. (3) Lá thầu dầu (Folium Ricini) là lá tươi của cây thầu dầu.
Thị - 黃柿. Còn gọi là thị muộn. Tên khoa học Diospyros decandra Lour. Thuộc họ Thị (Ebenaceae).
Thị đế - 柿蒂. Còn gọi là thị đinh, tai hồng, hồng. Tên khoa học Diospyros kaki L. f. Thuộc họ Thị (Ebenaceae). Thị đế (Calyx kaki) là tai hồng phơi hay sấy khô. Cây hồng có tên Trung Quốc là thị: Đế là tai, là đế.
Thìa là - 蒔蘿 (莳萝). Còn gọi là rau thìa là, phăk si (Lào-Vientian), aneth (Pháp). Tên khoa học Anethum graveolens L. (Peucedanum graveolens Benth. et Hook.). Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae). Thìa là cho quả dùng làm thuốc.
Thiên đầu thống - 破布木. Còn gọi là cây lá trắng, cây ong bầu, trường xuyên hoa. Tên khoa học Cordia obliqua Willd. (Corlia dichotoma Forst). Thuộc họ Vòi voi (Borraginaceae).
Thiên đông môn - 天門冬. Còn có tên là thiên môn, thiên đông, dây tóc tiên. Tên khoa học Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr. (Asparagus lucidus Lindl.). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Ta dùng rễ khô (Radix Asparagi) của cây thiên môn đông.
Thiên lý - 夜来香. Còn gọi là cây hoa lý, hoa thiên lý, dạ lài hương. Tên khoa học Telosma cordata (Burm.f.) Merr. (Asclepias cordata Burm.f., Pergularia minor Andr. Pergularia odoratissima Wight, Asclepias odoratissima Roxb.). Thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Thiên niên kiện - 千年健. Còn gọi là sơn thục. Tên khoa học Homalomena aromatica (Roxb). Schott (Calla aromatica Roxb). Thuộc họ Ráy (Araceae). Thiên niên kiện (Rhizoma Homalomenae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây thiên niên kiện. Tên thiên niên kiện vì người ta cho rằng uống vị thuốc này thì nghìn năm khỏe mạnh (thiên là nghìn, niên là năm, kiện là khỏe mạnh).
Thiến thảo - 茜草. Còn gọi là tây thảo, mao sáng (mèo), thiên căn, thiến căn. Tên khoa học Rubia cordifolia L. Thuộc họ Cà phê (Rubiacae).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]