Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

HOÀNG CẦM - 黃芩

Tên khoa học Scutellaria baicalensis Georg.

Thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) (Labiatae).

HOÀNG CẦM, 黃芩, Scutellaria baicalensis Georg., họ Hoa môi, Lamiaceae, Labiatae

Hoàng cầm - Scutellaria baicalensis

Hoàng cầm (Radix Scutellariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georg.

Hoàng cầm là một vị thuốc thông dụng, hiện nay chưa thấy ở nước ta, nhưng vì có người nhận nhầm một số cây khác ở ta làm hoàng cầm cho nên chúng tôi giới thiệu ở đây để tham khảo và để chú ý di thực. Hoàng = vàng, cầm = kiềm (vàng sẫm) vì vị thuốc có màu vàng sẫm.

A. MÔ TẢ CÂY

Hoàng cầm là một loại cỏ sống dai, cao 20-50cm, có rễ phình to thành hình chùy, mặt ngoài màu vàng sẫm bẻ ra có màu vàng. Thân mọc đứng, vuông, phân nhánh, nhẵn hoặc có lông ngắn. Lá mọc đối, cuống rất ngắn, hoặc không cuống; phiến lá hình mác hẹp, hơi đầu tù, mép nguyên, dài 1,5-4cm, rộng 3-8mm hoặc 1cm, mặt trên màu xanh sẫm, mặt dưới xanh nhạt. Hoa mọc thành bông ở đầu cành, màu lam tím. Cánh hoa gồm 2 môi, 4 nhị (2 nhị lớn dài hơn tràng) màu vàng, bầu có 4 ngăn.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Đang thí nghiệm di thực vào vùng mát ở nước ta. Cây mọc tốt, nhưng chưa phát triển. Hiện vị này vẫn phải nhập của Trung Quốc (Hoắc Long Giang, Liêu Ninh,  Hà Bắc, Hà Nam, Vân Nam, Nội Mông). Mọc hoang cả ở Liên Xô cũ, gần đây được Liên Xô cũ nghiên cứu sử dụng làm thuốc chữa cao huyết áp.

Mùa xuân và thu thu hoạch lấy rễ: đào về cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát, phơi hơi khô, cạo bỏ vỏ mỏng, phơi hoặc sấy khô là được.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong hoàng cầm có tinh dầu, các dẫn xuất flavon: scutelarin (hay woogonin) C16H12O11 và baicalin C21H18O11.

IMGIMG

Chất scutelarin có cả trong lá, rễ và thân 8,4 - 10,3%, chất baicalin chỉ có trong rễ. Ngoài ra còn có tanin và chất nhựa. Không thấy có ancaloit, glucozit chữa tim, saponin và vitamin C.

Chất baicalin có tinh thể màu vàng tươi, độ chảy 223o có thể chiết xuất từ rễ hoàng cầm bằng cồn 50o sôi, dùng axit sunfuric đặc thủy phân sẽ được axit glycuronic và baicalein C15H10O5 (5-6-7 trioxyflavon) có tinh thể màu vàng không tan trong nước, tan trong cồn, độ chảy 264 - 265o. Dung dịch rượu baicalin thêm FeCl3 sẽ cho màu xanh đen, với axetat chì sẽ cho kết tủa màu vàng cam, hòa tan trong kiềm sẽ cho màu vàng, có thể khử bạc nitrat, αD20 = -144o9.

Scutelarin hay woogonin là một chất có tinh thể màu vàng, chảy ở trên 300oC thủy phân bằng dung dịch 30-40% axit sunfuric sẽ cho scutelarein C15H10O6 (5-6-7-4, tetraoxyflavon), Scutelarein có tinh thể màu vàng, độ chảy ước vào 330-350oC đun 200o với KOH sẽ cho p. HOC6H4COOH và một chất phenol cho phản ứng phlogluxinola.

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Hoàng cầm đã được các nhà nghiên cứu Liên Xô và Trung Quốc nghiên cứu và đạt được một số kết quả:

   1. Tác dụng hạ huyết áp

   a) Theo báo Y học Liên Xô cũ(1951-6) dùng hoàng cầm điều trị cao huyết áp thấy huyết áp từ 190/110 hạ xuống 135/60 và từ 190/95 hạ xuống 140/80. Tác dụng hạ huyết áp này có thể do ảnh hưởng của hoàng cầm đối với thần kinh thực vật. Đối với cao huyết áp ác tính không có hiệu lực.

   b) Theo Vecsinin (Dược lý học, 1952) rượu hoàng cầm 1/5 có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt đối với huyết áp càng cao tác dụng càng rõ.

   Căn cứ vào thí nghiệm trên động vật (chó) thì tác dụng hạ huyết áp này một phần do tác dụng trấn tĩnh đối với trung khu thần kinh, một phần do tác dụng trực tiếp đối với huyết quản.

   c) Theo Lâm Cát Cường và một số người cùng nghiên cứu (Trung Quốc sinh lý khoa học hội, 1956) dùng nước hoàng cầm 16% rồi cho thỏ uống với liều 3g/kg thể trọng, uống luôn 3 tuần, cho chó uống với liều 6g/kg thể trọng, uống liên tục 8 tuần đều không thấy hiện tượng độc; dùng liều 3g/kg thể trọng chữa cao huyết áp thực nghiệm tạo trên chó, dùng luôn trong 4 tuần thấy huyết áp hạ xuống, tần số tim đập giảm chậm lại.

   d) Vương Nhĩ Đạt và Khâu Bồi Luân (1956) trong Trung Quốc sinh lý khoa học hội đã đi sâu nghiên cứu cơ chế tác dụng hạ huyết áp của hoàng cầm. Các ông đã dùng rượu hoàng cầm tiến hành trên động mạch bình thường, động mạch thỏ  đã bị cứng do dùng cholesterin và dùng phương pháp Nicôlaev (tai thỏ cô lập  còn để lại dây thần kinh) để theo dõi ảnh hưởng hoàng cầm đối với trung khu  thần kinh. Đã đi đến một số kết luận sau đây:

   - Rượu hoàng cầm có tác dụng dãn mạch đối với mạch của tai thỏ cô lập. Nồng  độ 1/10.000 cho kết quả rõ rệt.

   - Rượu hoàng cầm cũng có tác dụng dãn mạch đối với mạch máu của thận thỏ. Nồng độ 1/10.000 cho kết quả rõ rệt.

   - Dùng 3 loại dung dịch 1/50.000 - 1/100.000 và 1/500.000 đối với động mạch tim thì phần lớn thấy tác dụng co mạch nhẹ, cá biệt mới thấy hơi có tác dụng dãn mạch.

   - Dùng cồn hoàn cầm với liều 0,2ml/kg thân thể và 0,5ml/kg thể trọng tiêm vào tĩnh mạch thỏ bình thường, động mạch tai thỏ đã cứng theo Nicôlaev thấy hiện tượng dãn mạch.

   - Dung dịch 1/10.000 cồn hoàng cầm đối với mạch máu bình thường, mạch máu đã xơ cứng và tai thỏ cô lập còn dây thần kinh đều thấy huyết áp toàn thân hơi hạ xuống.

   2. Độ độc của hoàng cầm: Dù với liều rất cao, hoàng cầm cũng tỏ ra ít độc.

   3. Tác dụng kháng sinh: Từ Trấn (1947),Lưu Quốc Thanh (1950) và Khổng Khản (1955) đã nghiên cứu tác dụng kháng sinh của nhiều vị thuốc bắc, thấy nước sắc hoàng cầm 100% có khả năng ức chế vi trùng bạch hầu (21 - 30mm) Streptococus hemolytic A. Staphylococcus aureus, vi trùng tả, vi trùng phó thương hàn, colibacile, Streptococcus hemolytic B, vi trùng lao và dịch tả.

   4. Tác dụng giảm sốt: Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và lưu Thiệu Quang (Trung Hoa y học chí, 1935) đã gây sốt cho thỏ bằng vi trùng thương hàn rồi  tiêm 4-8ml dung dịch 6% hoàng cầm vào tĩnh mạch; tất cả tiến hành 10 lần thí nghiệm đều thấy tác dụng giảm sốt. Sau khi tiêm thuốc 1 giờ, nhiệt độ hạ xuống, sau đó dần dần lại tăng lên và trở lại nhiệt độ bình thường. Nhưng chưa  chứng minh được rằng vị thuốc cho uống có tác dụng hạ nhiệt hay không.

   5. Tác dụng lợi tiểu: Nhật Bản dược vật học tạp chí (1956) có nghiên cứu tác dụng của woogonin, baicalin và baicalein trên thỏ thấy có tác dụng lợi tiểu.

   6. Tác dụng của vitamin P: Chúng ta đã biết các hoạt chất của hoàng cầm tìm thấy đều là dẫn xuất flavon. Mà dẫn xuất flavon đều có tác dụng của vitamin P (xem cây hoa hòe).

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong đông y hoàng cầm là một vị thuốc mát chữa sốt, chữa cảm mạo, ho cảm, cầm máu, kinh nguyệt quá nhiều.

Theo tài liệu cổ: hoàng cầm vị đắng tính hàn, vào 5 kinh Tâm, Phế, Can, Đởm và Đại tràng. Có tác dụng tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt. Dùng c. Liều dùng mỗi ngày 6 đến 15g sắc với nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể dùng bột.

Gần đây, hoàng cầm được dùng làm thuốc chữa các triệu chứng nhức đầu, mất ngủ của bệnh cao huyết áp do thần kinh thực vật và do mạch máu bị cứng, đồng thời được dùng điều trị bệnh cao huyết áp. Dùng dưới hình thức rượu hoàng cầm (bột hoàng cầm 20g, cồn 70o và 100ml). Ngày uống 2 đến 3 lần, mỗi lần 20-30  giọt.

Đơn thuốc có hoàng cầm trong kinh nghiệm cổ truyền

   1. Thanh kim hoàng: Hoàng cầm sấy khô tán nhỏ làm thành viên to bằng hạt ngô. Ngày dùng 20-30 viên. Chữa các bệnh đổ máu cam, thổ huyết, kinh nguyệt quá nhiều, cảm mạo, ho cảm.

   2. Tam hoàng cầm (Theo Thiên kim phương): Hoàng cầm (mùa xuân dùng 120g, mùa hạ và mùa thu 240g, mùa đông 120g). Hoàng liên (mùa xuân 160g, mùa hạ 280g, mùa thu 120g, mùa đông 80g). Đại hoàng (mùa xuân 120g, mùa hạ 40g, mùa thu 120g, mùa đông 200g). Cả ba vị, liều lượng tùy theo mùa mà thay đổi, tất cả tán nhỏ, dùng mật ong viên thành viên to bằng hạt đậu đen. Ngày uống 3 lần, mỗi lầm 5-7 viên. Uống luôn trong 1 tháng. Chữa bệnh lao, viêm niêm mạc tử cung.

   3. Hoàng cầm - mạch môn đông, mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày thay nước. Dùng sau khi sinh nở bị mất máu nhiều, khát nước.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Mướp đắng
14/04/2025 01:59 SA

- 苦瓜. Còn gọi là khổ qua, cẩm lệ chi, lại bồ đào, hồng cô nương, lương qua, mướp mủ, chua hao (Mường-Thanh Hóa). Tên khoa học Momordica charantia L. (Momordica balsamina Desc., Cucumis africanus Lindl.). Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Sảng - 假蘋婆 (假苹婆). Còn gọi là cây sảng, sảng lá kiếm, quả thang. Tên khoa học Sterculia lanceolata Cavan. Thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).
Săng lẻ - 絨毛紫薇 (绒毛紫薇). Còn gọi là bằng lang, bằng lăng (miền Nam), kwer (dân tộc Ma, Tây Nguyên), thao lao, truol (Rađê, Tây Nguyên). Tên khoa học Lagerstroemia calyculata Kurz (syn. Lagerstroemia angustifolia Pierre ex.Lan.). Thuộc họ Tử vi (Lythraceae). Tên săng lẻ cũng như bằng lăng dùng chỉ nhiều cây thuộc cùng chi khác loài và thường thêm đuôi để chỉ nơi mọc hay giống một cây nào khác hoặc công dụng như bằng lăng nước (chỉ nơi mọc ở nước), bằng lăng ổi, bằng lăng chèo (vì gỗ để làm bơi chèo), bằng lăng tía (hoa màu tía), bằng lăng trắng (hoa màu trắng), .v.v. Tên Lagerstroemia do Carl von Linné đặt cho từ năm 1759 để nhớ tới người bạn thân của mình, một công chức người Thụy Điển có tên Magnus Lagerstroem sinh năm 1691 ở Stettin và chết năm 1759 ở Gotterburg.
Sao đen - Còn gọi là koky (Campuchia), may khèn (Lào). Tên khoa học Hopea odorata Roxb. Thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae).
Seo gà - 鳳尾草 (凤尾草). Còn gọi là phượng vĩ thảo, theo gà, phượng vĩ. Tên khoa học Pteris multifida Poir. (P. Serrulata L. f.). Thuộc họ Dương xỉ (Polypodiaceae). Tên seo gà vì lá có một cái seo giống như seo ở đuôi con gà.
Sim - 桃金娘. Còn gọi là đương lê, sơn nhậm, nhậm tử, đào kim nương. Tên khoa học Rhodomyrtus tomentosa Wight (Myrtus Tomentosa Ait., Myrtus canescens Lour.). Thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Sổ - 五椏果. Còn gọi là sổ bà, thiều biêu, co má sản (Thái). Tên khoa học Dillenia indica L. Thuộc họ Sổ (Dilleniaceae).
Sở - 茶梅. Còn gọi là trà mai, trà mai hoa, cây dầu chè. Tên khoa học Camellia sasanqua Thunb. [Thea sasanqua (Thunb.) Nois.]. Thuộc họ Chè (Theaceae). Cây sở cho ta những sản phẩm sau đây: Dầu sở còn gọi là dầu chè dùng làm thực phẩm hay trong kỹ nghệ xà phòng. Khô sở dùng làm phân bón, nguyên liệu chiết saponozit, làm thuốc trừ sâu, duốc cá.
So đũa - 木田菁. Còn gọi là dank kaa, angkea dey chhmol (Cămpuchia), phak dok khe (Lào- Viênchian), fayotier (Pháp). Tên khoa học Sesbnia grandiflora Pers. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Sòi - 烏桕 (乌桕). Còn gọi là ô cửu, ô thụ quả, ô du, thác tử thụ, mộc tử thụ, cửu tử thụ. Tên khoa học Sapium sebiferum (L.), Roxb. (Croton sebiferum L. Stillingia sebifera Michx.). Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây sòi cho các vị thuốc sau đây: 1. Vỏ rễ - ô cửu căn bì (Radix Sapii) là vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây sòi. Có khi người ta dùng cả vỏ thân, nhưng hay dùng vỏ rễ hơn. 2. Dầu hạt sòi - cửu chi hay ô cửu chi hay bì du (Oleum Sapii) là hỗn hợp chất sáp bọc lớp ngoài của hạt và dầu ép từ hạt sòi. Tên gọi là ô cửu vì quạ (ô) thích ăn hạt cây này.
Sơn tra - 山楂. Còn gọi là bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra, aubepine. Tên khoa học Crataegus pinnatifida Bunge (bắc sơn tra, sơn tra); Crataegus cuneata Sieb.et Zucc. (nam sơn tra, dã sơn tra). Thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae). Sơn tra (Fructus Crataegi) là quả chín thái mỏng phơi hay sấy khô của cây bắc hay nam sơn tra.
Sơn từ cô - 獨蒜蘭 (独蒜兰). Còn gọi là mao từ cô. Tên khoa học Pleione bulbocodioides (Franch.) Rolfe (Coelogyne bulbocodioidcs Franch.). Thuộc họ Lan (Orchidaceae).
Sử quân tử Còn gọi là cây quả giun, quả nấc, sứ quân tử. Tên khoa học Quisqualis indica L. Thuộc họ Bàng (Combretaceae). Ta dùng quả chín (Fructus Quisqualis) hay nhân chín (Semen Quisqualis) phơi hay sấy khô của cây sử quân tử. Tên đúng là sứ quân tử (hạt của ông sứ quân) vì trước đây có một vị sứ quân (người đứng đầu một vùng ngày xưa) chuyên dùng hạt này chữa bệnh cho trẻ em. Về sau đọc chệch thành sử quân.
Tai chua - 大果藤黄. Tên khoa học Garcinia pedunculata Roxb. (G. cowa Roxb.). Thuộc họ Bứa Clusiaceae (Guttiferae). Về tên khoa học của tai chua, một số người đã căn cứ vào tài liệu đầu tiên của Ch. Grevost và A. Petelot đã xác định là một loài thuộc chi Dillenia. Nhưng ngay trong những phần phụ lục của tác giả trong tập Sản phẩm Đông Dương I đã đính chính lại tên, và tập VI (1941) các tác giả đã nhắc lại và khẳng định là loài Garcinia pedunculata Roxb.
Tai chuột - 眼樹蓮 (眼树莲). Còn gọi là cây hạt bí, qua tử kim. Tên khoa học Dischidia acuminata Cost. Thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Tầm duột Còn gọi là chùm ruột, chùm giuột, tầm ruộc, mak nhôm (Viêntian). Tên khoa học Phyllanthus disichus Muell, Arg. (Phyllanthus acidus Skeels, Cicca disticha L.). Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Tần cửu (Thanh táo) - 駁骨丹 (驳骨丹). Còn gọi là tần cừu, tần qua, tần giao, thanh táo, thuốc trặc, trường sơn cây. Tên khoa học Justicia gendarussa L. (Gendarussa vulgaris Nees.). Thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Táo rừng Còn gọi là mận rừng, bút mèo, vang trầm. Tên khoa học Rhamnus crenatus Sieb và Zucc. var. cambodianus Tard. Thuộc họ Táo ta (Rhamnaceae).
Tất bạt - 蓽拔 (荜拔). Còn gọi là tiêu lốt, tiêu hoa tím, morech ton sai (Campuchia). Tên khoa học Piper longum Lin. Thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]