Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

HÀ THỦ Ô TRẮNG - 白首烏 (白首乌)

Còn có tên là hà thủ ô nam, bạch hà thủ ô, củ vú bò, dây sữa bò, dây mốc, cây sừng bò cây đa lông, khâu cần cà (Thổ), khâu nước (Lạng Sơn), mã liên an, mã lìn ón, khua mak tang ning (Lào), khua khao (Luang Prabang), chừa ma sìn (Thái).

Tên khoa học Streptocaulon juventas (Lour) Merr. (Apocynum juventas Lour., Tylophora juventas Woodf.).

Thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

HÀ THỦ Ô TRẮNG, 白首烏, 白首乌, hà thủ ô nam, bạch hà thủ ô, củ vú bò, dây sữa bò, dây mốc, cây sừng bò cây đa lông, khâu cần cà, khâu nước, mã liên an, mã lìn ón, khua mak tang ning, khua khao, chừa ma sìn, Streptocaulon juventas (Lour) Merr., Apocynum juventas Lour., Tylophora juventas Woodf., họ Thiên lý, Asclepiadaceae

Hà thủ ô trắng - Streptocaulon juventas

A. MÔ TẢ CÂY

Hà thủ ô trắng là một loại dây leo dài từ 2 đến 5m. Thân và cành màu hơi đỏ hay nâu đỏ, có rất nhiều lông, khi già thì nhẵn dần.

Lá mọc đối, hình mác dài, đầu nhọn, đáy tròn hoặc hơi hình nón cụt, có lông mịn và nhiều ở mặt dưới, mặt trên cũng có lông ngắn hơn. Phiến lá dài 4-14cm, rộng 2-9cm, cuống lá dài 5-8cm cũng có nhiều lông.

Hoa màu nâu nhạt hoặc vàng tía mọc thành xim; rất nhiều lông.

Quả đại tách đôi ngang ra trông như sừng bò (do đó có người gọi là cây sừng bò). Quả hình thoi, màu xám nhiều lông, dài 7-11cm, rộng 8mm. Hạt dẹt, phồng ở lưng, dài 5-7mm, rộng 2mm, có chùm lông mịn dài 2cm.

Vì cây có nhiều lông trông như mốc cho nên có nơi còn gọi là dây mốc.

Toàn cây bấm thân, lá, quả non chỗ nào cũng ra thứ nhựa trắng như sữa cho nên có tên cây sữa bò.

Tên mã liên an có nghĩa là ngựa liền với yên, vì người ta kể rằng xưa có một ông tướng cưỡi ngựa đang đi bỗng bị cảm chết, được một người dùng cây này chữa sống lại liền biếu cả ngựa và yên để tạ ơn.

Từ trước đến lần xuất bản lần thứ 6, chúng tôi vẫn đưa tên mã liên an và hà thủ ô trắng vào cùng một tên khoa học Streptocaulen juventas. Nhưng từ năm 1974, chúng tôi tham khảo những tài liệu sách thuốc của Trung Quốc, thấy tên vị mã liên an có tên khoa học là Streptocaulon griffithii Hook. f., còn có tên  Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. thì chỉ có tên Trung Quốc là ám tiêu đằng, còn Việt Nam ta được gọi hà thủ ô trắng.

Mã liên an, Streptocaulon griffithii

Mã liên an - Streptocaulon griffithii

Trong Thực vật chí Đông dương thời Pháp viết lại thì ở nước ta có cây Streptocaulon griffithii nhưng không có tên Việt Nam. Tên mã liên an do chúng tôi lấy được một người dân tộc vùng Câu Sơn dương (Tuyên Quang) cho tên.

Theo lời kể, Bác Hồ bị cảm sốt nặng vào tháng 7-1945, được một ông lang người dân tộc dùng củ cây này chữa khỏi. Cho nên Bác Hồ có dặn các đội viên trong Đội tuyên truyền giải phóng quân (trước Cách mạng) hễ thấy cây này thì hái lấy, mang theo mình phòng khi cần đến. Có thể đây là một vị thuốc chữa cảm sốt mới.

B.  PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây hà thủ ô trắng mọc hoang ở khắp những đồi núi trọc ở nước ta. Thường ưa những nơi đất đồi cứng vùng Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Rễ củ dài mẫm và trắng, giữa có lõi trông như củ sắn nhưng có vị đắng.

Đào quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa đông hay đầu mùa xuân. Đào về thái mỏng phơi khô.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Chưa có tài liệu nghiên cứu.

Sơ bộ tìm hiểu hà thủ ô trắng tươi mới đào về ở Vĩnh Phúc, chúng tôi thấy có nhiều tinh bột và một chất có phản ứng ancaboit có tinh thể chưa xác định (Đỗ Tất Lợi, 1949).

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Chưa có tài liệu nghiên cứu.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Các thầy thuốc Việt Nam coi vị hà thủ ô trắng có cùng một công dụng với hà thủ ô đỏ: Làm cho người già trẻ lại, giúp cho sự giao hợp được bền lâu, tóc bạc hóa đen.

Công ty dược liệu của ta vẫn thu mua và bán chung với hà thủ ô đỏ, trong các đơn thuốc thường dùng một nửa hà thủ ô đỏ, một nửa hà thủ ô trắng. Có khi để nguyên không chế biến mà dùng.

Nhưng cũng có khi chế biến như đối với hà thủ ô đỏ. Liều và cách dùng như hà thủ ô đỏ.

Theo sự điều tra của bản thân tôi, trong kháng chiến tại các vùng dân tộc, người ta dùng củ và thân lá cây này chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét.

Có nơi người ta sắc cây này với nước cho phụ nữ đẻ mà không có sữa uống để ra sữa.

Cần chú ý nghiên cứu.

Chú thích:

   1. Không phải riêng Việt Nam ta dùng một cây khác với tên hà thủ ô trắng. Tại các vùng Sơn Đông, Trung Quốc, nhân dân dùng với tên bạch thủ ô (hà thủ ô trắng) rễ của cây bạch tiền Cynanchum bungei Dcne hoặc rễ của cây ngưu bì tiên Cynanchum wilfordii Hemsl. cùng họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

   Tại vùng Nam Kinh người ta dùng rễ cây nhĩ diệp ngưu bì tiên Cynanchum auriculatum Royle cùng họ Thiên lý.

   Những cây kể trên hơi giống cây hà thủ ô trắng của ta.

   Có thể trước đây một số người Trung Hoa biết thuốc nam ở vùng Sơn Đông và Nam Kinh sang sinh sống ở Việt Nam vì thấy gần giống nên dùng thay thế rồi truyền lại mãi thành quen.

   2. Từ năm 1935 trở về trước, các tài liệu cũ cũng như Ch. Crevost và A. Petelot đã xác định cây hà thủ ô trắng là Tylophora ovata Hook. Nhưng năm 1953, A. Petelot đã xác định lại tên chính của cây này là Streptocaulon juventas (Lour.) Merr. Vậy khi sử dụng tài liệu nên chú ý.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Phèn chua
07/07/2025 08:44 CH

- 明礬 (明矾). Còn gọi là minh phàn, khô phàn, phèn chi, bạch phàn. Tên khoa học Alumen. Phàn là phèn, minh là trong sáng vì vị phèn chua trong và sáng. Khi rang lên sẽ được một vị xốp nhẹ gọi là phèn phi hay khô phàn.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Bụng báng - 桄榔. Còn gọi là báng, cây đoác, palmier à sucre. Tên khoa học Arenga saccharifera Labill., (Saguerus rumphii Roxb., Borassus gomutus Lour.). Thuộc họ Cau Arecaceae (Palmae).
Bùng bục - 毛桐. Còn gọi là bục bục, bông bét, cây lá ngõa kok po hou (Lào). Tên khoa học Mallotus barbatus Muell. et Arg. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Bưởi - 柚. Còn gọi là bòng, co phúc (Mường), kanbao tchiou (Thái), kroth thlong (Cămphuchia) makkamtel, makphuc, maksom (Lào). Tên khoa học Citrus maxima (Buru) Merrill;Citrus grandis Osbeck. Thuộc họ Cam (Rutaceae).
Bưởi bung - 山小橘. Còn có tên là cây cơm rượu, cát bối, co dọng dạnh (Thái). Tên khoa học Glycosmis pentaphylla Corr. (Glycosmis cochinchinensis (Lour.) Pierre). Thuộc họ Cam quít (Rutaceae). Trong nhân dân thường dùng tên bưởi bung để chỉ 2 cây: 1 cây có tên khoa học và mô tả sau đây, 1 cây nữa có lá đơn nguyên sẽ giới thiệu trong phần chú thích và có tên khoa học là Acronychia laurifolia Bl. thuộc cùng họ.
Bướm bạc - 玉葉金花 (玉叶金花 ). Còn gọi là bướm bướm, hoa bướm, bứa chừa (Thái). Tên khoa học Mussaenda pubescens Ait. f. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Ca cao - 可可. Còn gọi là cù lắc, cacoyer. Tên khoa học Theobroma cacao L. Thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).
Cà chua - 番茄. Còn gọi là cà dầm, tomate (Pháp). Tên khoa học Lycopersicum esculentum Mill. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà cuống - 桂花蝉. Còn gọi là sâu quế, đà cuống. Tên khoa học Belostoma indica Vitalis (Lethocerus indicus Lep).
Cà dái dê tím - 茄子. Tên khoa học Solanum melongena L. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà dại hoa tím - 刺天茄. Còn gọi là cà hoang, cà gai, cà hoang gai hoa tím. Tên khoa học Solanum indicum L. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà dại hoa trắng - 水茄. Còn gọi là cà pháo, trăng lao (Buôn ma thuột). Tên khoa học Solanum torvum Swartz. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cà dại hoa vàng - 薊罌粟 (蓟罂粟). Còn có tên là cà gai, cây gai cua, cây mùi cua, lão thử lực. Tên khoa học Argemone mexicana L.. Thuộc họ Thuốc phiện (Papaveraceae).
Cà gai leo - 細顛茄 (细颠茄). Còn gọi là cà quính, cà quánh, trap khar (Campuchia), Blou xít (Lào). Tên khoa học Solanum proucumbens Lour. (Solanum hainanense Hance). Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cá nóc - 河豚. Còn gọi là cá cóc. Tên khoa học Tetrodon ocellatus. Thuộc họ Cá nóc (Tetrodontidae).
Cà rốt - 胡蘿蔔 (胡萝卜). Còn gọi là hồ la bặc (Trung Quốc). Tên khoa học Daucus carota L. Thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae).
Cà tàu - 黄果茄. Còn gọi là cà dại trái vàng. Tên khoa học Solanum xanthocarpum Schrad và Wondl. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Cá trắm - 青魚 (青鱼). Còn gọi là thanh ngư. Tên khoa học Mylopharyngodon piceus (cá trắm đen), Ctenopharyngodon idellus (cá trắm cỏ). Thuộc bộ phụ Cá chép (Cyprinoidei).
Các loại sâm Đông y coi sâm là vị thuốc đứng đầu các vị thuốc bổ, theo thứ tự sâm, nhung, quế, phụ. Sâm nói ở đây là vị nhân sâm.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]