Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

ĐU ĐỦ - 番木瓜

Còn có tên là phan qua thụ, lô hong phlê (Campuchia), mắc hung (Lào), cà lào, phiên mộc.

Tên khoa học Carica papaya L.

Thuộc họ Đu đủ (Papayaceae).

ĐU ĐỦ, 番木瓜, phan qua thụ, lô hong phlê, mắc hung, cà lào, phiên mộc, Carica papaya L., họ Đu đủ, Papayaceae

Đu đủ - Carica papaya

1. Cây và lá     2. Quả

Cây đu đủ cung cấp các bộ phận sau đây dùng làm thuốc: Quả đu đủ xanh và chín, hạt đu đủ, hoa đu đủ, nhựa đu đủ, papain, chất ancaloit: cacpain.

Công dụng của đu đủ ngày càng phát triển, nhiều nước đã chú ý trồng để dùng trong nước và xuất khẩu.

Nước Tăngianica ở đông châu Phi với diện tích 939.000km2 và 7 triệu rưỡi dân hằng năm đã xuất cảng từ 102.819kg (1944) đến 132.537kg (1948) nhựa đu đủ.

Nước Uganđa (châu Phi) với diện tích 240.000km2 và gần 5 triệu dân đã xuất 35.528kg (1944) và 54.920kg (1948).

A. MÔ TẢ CÂY

Cây đu đủ cao từ 3 đến 7m, thân thẳng, đôi khi có phân nhánh. Vỏ mang rất nhiều sẹo của cuống lá. Lá mọc so le ở ngọn cây, phiến lá to rộng chia làm 6-9 thùy, thùy hình trứng nhọn, mép có răng cưa không đều, cuống lá rỗng và dài 30-50cm. Hoa trắng nhạt hay xanh nhạt, khác gốc. Hoa đực mọc ở kẽ lá thành chùy có cuống rất dài. Hoa cái có tràng dài hơn tràng của hoa đực, mọc thành chùy ở kẽ lá. Quả thịt, hình trứng to, dài 20-30cm, đường kính 15-20cm. Thịt  quả dày, lúc đầu có màu xanh lục, sau ngả màu vàng cam. Trong ruột quả có rất nhiều hạt đen to bằng hạt tiêu, xung quanh có lớp nhầy.

Do nhu cầu papain trên thị trường quốc tế tăng nhanh, gần đây Khoa làm vườn thuộc Trường Đại học nông nghiệp Tamil Nadu ở Coimbatore (Ấn Độ) đã nghiên cứu và chọn được giống đu đủ đặt tên CO.5 (xuất phát từ giống CP.15) có hàm lượng papain cao: Mỗi quả cho 14-15g papain khô, trong khi mức kỷ lục thế giới trước đây chỉ 3-4g papain khô mỗi quả, và giống CO.2 trồng trước đây chỉ cho có 4-5g papain khô/quả. Giống đu đủ CO.5 cao trung bình khoảng 90cm, cuống lá, thân cây, cánh hoa, nhị hoa và quả đều có màu đỏ tía. Quả cây to và nặng hơn giống CO.2.

Quả đu đủ sau khi lấy papain vẫn còn dùng trong công nghiệp thực phẩm vì hoạt tính phân giải protein vẫn còn cao (11,6 đơn vị) và hàm lượng protein cũng cao: 72,2%.

Cũng như các giống đu đủ khác CO.5 có thể trồng bất cứ vào mùa nào và trên mọi loại đất ở Tamil Nadu đến độ cao 1000m. Mỗi cây cho từ 75-80 quả trong 2 năm, mỗi quả nặng 2-2,5kg, năng suất mỗi ha 500 tấn quả, và 1500-1600kg papain khô/ha. Tỷ lệ chi phí trồng trọt so với lợi tức thu được là 1/3,3. Nông dân có thể trồng đu đủ này ở những mảnh đất khó trồng trọt và ít mưa (New Delhi - KHKTKT thế giới, 33, 15/8/1985).

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Nguồn gốc cây đu đủ là vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau được phổ biến đi khắp nơi.

Tại Việt Nam, cây đu đủ được trồng ở khắp nơi, nhưng việc trồng trên quy mô kỹ nghệ chưa được đặt ra.

Trồng bằng hạt: Có thể gieo rồi đánh cây con sang chỗ khác hoặc trồng ngay tại chỗ bằng cách đào lỗ, mỗi lỗ gieo 3-4 hạt. Vấn đề khó trong việc trồng đu đủ là phân biệt được cây đực, cây cái. Có người nói hạt đu đủ cái đen hơn và cây đu đủ cái con có rễ cong queo nhưng chưa có cơ sở chính xác.

Sau khi trồng được 8 hay 10 tháng đã bắt đầu thu hoạch, nhưng thu hoạch cao nhất từ năm thứ 3 trở đi.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Quả đu đủ chín chứa chừng 90% nước, các chất đường trong đó chủ yếu là glucoza 8,5%, một ít protein, chất béo, một ít muối vô cơ (canxi, photpho, sắt) vitamin A, B và C.

Năm 1946, Solano Salcedo đã nghiên cứu quả đu đủ ở châu Mỹ thấy: Axit toàn bộ 7%, axit bay hơi 1,3%, axit không bay hơi 6,1%, nước 64%, xenluloza 0,9-11%, đường 4,3-7% chất có nitơ (Nx0,65) 0,6-0,86%, protein tinh chế 0,35-0,64%. Không phải protein 0,035%, protein tiêu hóa được 0,38-0,47%, photpho 0,223%, canxin 0,245%, magiê, sắt, thiamin, riboflavin và vitamin C.

Quả đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây như thân, rễ, lá đều chứa một chất nhựa mủ (latex) nhiều nhất ở quả xanh. Một quả xanh cho chừng 4% trọng lượng nhựa mủ. Một cây cho khoảng 100g nhựa trong một năm. Cần lấy nhựa khi quả còn ở trên cây; dùng dao hay răng lược vạch những đường dọc trên quả (đừng vạch sâu quá) hứng lấy nhựa đã chảy ra phơi khô ở nhiệt độ 50-60o.

Trong quả chín chất nhựa mủ không còn nữa mà chỉ còn thứ nhựa (résine) màu vàng đỏ. Quả chích nhựa chóng chín hơn, nhưng hạt gieo không mọc.

Trong nhựa mủ có men papain, chất cao su, chất nhựa, các axit amin: Leuxin, tyrosin, chất béo, axit malic và men thủy phân, chất mỡ, chất men papain có tác dụng làm tiêu hóa các chất thịt, prôtit để giải phóng các axit amin như glycocola, alanin, acginin, tryptophan.

Tác dụng tiêu hóa thịt của men papain tiến hành ở môi trường axit, trung tính hoặc hơi kiềm, tốt nhất ở pH 6,4-6,5. Nhiệt độ thích hợp khá cao, có thể tới 80-85o. Nhưng cao hơn 90o sẽ mất tác dụng. Ở nhiệt độ thường, khi cho tiếp xúc men papain với lòng trắng trứng thì lòng trắng trứng mất tính chất sánh sền sệt.

Men papain tan trong nước (1 thể tích nước), bị cồn làm kết tủa, cho các phản ứng của anbumin (phản ứng biurê).

Trong men papain có tác giả thấy rất nhiều men paroxydaza, một ít men lipaza.

Men papain không để dành được lâu. Sau 7 năm, men papain có thể mất tính chất làm tiêu prôtit.

Người ta đã kết tinh được papain. Thành phần cấu tạo papain có 52,1% C, 7,12% H, 15% N và 1,2% S.

Trong lá, quả và hạt (chủ yếu ở lá) có một chất ancaloit đắng gọi là cacpain và chất glucoxit gọi là cacpozit.

Công thức của cacpain đã được xác định như sau:

IMG

Cacpain kết tinh dưới dạng khối lăng trụ đơn tà (prisme monoclinique) chảy ở 121o, không tan trong nước, tan trong các dung môi hữu cơ.

Tác dụng của cacpain gần như digitalin là một thuốc mạnh tim.

Trong hạt và các bộ phận khác người ta còn thấy các tế bào chứa chất myrozin và các tế bào khác chứa chất kali myronat. Khi giã hạt với nước, hai chất đó tiếp xúc với nhau sẽ cho tinh dầu có mùi diêm sinh, hắc, giống chất isothioxyanat allyl.

Trong rễ người ta thấy nhiều kali myronat, trong lá nhiều myrozin, trong vỏ hạt nhiều myrozin và không có kali myronat.

Theo Hooper, hạt đu đủ có 26,3% dầu, 24,3% chất anbuminôit, 17% sợi, 15,5% hydrat cacbon, 8,8% tro và 8,2% nước.

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

1. Men papain có tác dụng như men pepsin của dạ dày và nhất là giống men trypsin của tụy tạng trong sự tiêu hóa các chất thịt.

Nó làm một số vi trùng Gram dương + và Gram âm - ngừng phát triển. Những vi trùng như Staphyllococ, vi trùng thương hàn rất nhậy cảm đối với tác dụng của papain (Ann. Inst. Pasteur 77. 208-1949).

2. Papain còn có tác dụng làm đông sữa và tác dụng giảm độc đối với toxin và toxanbumin: 18mg papain trong dung dịch 2%o trung tính được 10mg rixin là chất độc trong hạt thầu dầu (= 10 liều độc rixin), 2mg papain trung tính được 4 liều độc của toxin uốn ván và 10 liềc độc của toxin yết hầu. Papain còn trung tính được độ độc của ancalôit như 12,5g papain trung tính được 1 liều độc của stricnin = 2,5mg.

Nhựa đu đủ được coi là vị thuốc giun ở nhiều nơi. Nó tác dụng trên giun đũa, giun kim, sán lợn (trichine) nhưng không tác dụng đối với giun móc (ankylostome). Tuy nhiên cần chú ý cẩn thận vì việc sử dụng nhựa đu đủ  để tẩy giun thường bị xuống cân, khó vỗ trở lại.

Chất cacpain làm chậm nhịp tim, có người đã dùng thay thế thuốc chữa tim Digitalis.

Gần đây, người ta đã phát hiện thấy hạt đu đủ có tính chất kháng sinh mạnh.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

1. Đu đủ chín được coi là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hóa các chất thịt, các chất lòng trắng trứng. Bản thân tôi đã chứng kiến một người sau khi đố nhau đã ăn hết 10 quả trứng gà luộc bị đầy trướng do không tiêu hóa được trong mấy ngày, phải ăn đu đủ mới hết.

2. Đu đủ xanh nấu kỹ với thịt gà gần đây được một số đơn vị quân y dùng điều trị bệnh loét dạ dày có kết quả. Tuy nhiên có một số trường hợp xuống cân.

Nhân dân còn dùng nấu với những thịt cứng, cho chóng chín dừ. Quả đu đủ xanh nghiền với nước còn dùng bôi mặt hoặc tay chữa các vết tàn hương ở mặt và tay.

3. Nhựa đu đủ dùng làm thuốc giun nhưng cần chú ý tránh nguy hiểm đối với trẻ em và người loét dạ dày. Có khi được dùng bôi ngoài chữa trai chân và hột cơm, bệnh sang thấp (eczema) hoặc can tiễn (psoriasis).

Tại Mỹ, nhựa đu đủ dùng trong kỹ nghệ chế bia, kỹ nghệ thực phẩm, kỹ nghệ thuốc, kỹ nghệ tơ sợi để làm cho sợi khỏi co, kỹ nghệ làm da. Hàng năm nhập tới hơn 50 tấn nhựa.

4. Lá đu đủ dùng gói những thịt gà cứng để khi nấu chóng mềm, dừ. Nước sắc lá đu đủ dùng giặt những vết máu trên vải và quần áo, hoặc để rửa các vết thương, vết lở loét.

Thái lá đu đủ cho nhỏ rồi trộn với thóc cho ngựa, bò ăn để chữa bệnh biếng ăn của bò ngựa. Rễ đu đủ sắc uống làm thuốc cầm máu trong bệnh băng huyết, bệnh sỏi thận. Có người dùng rễ đu đủ chế giả nhân sâm vì rễ đu đủ giống hình người, uống cũng thấy đói, ăn ngon cơm.

5. Hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường hoặc đường phèn dùng chữa bệnh ho, viêm ống phổi, mất tiếng.

Đơn thuốc có đu đủ:

   Rễ đu đủ chữa cá đuối cắn.

   Rễ đu đủ tươi 30g

   Muối ăn 4g

   Hai thứ giã nhỏ. Vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ sưng đau. Sau chừng nửa giờ thấy giảm đau và vài ngày sau khỏi hẳn (kinh nghiệm nhân dân miền Nam).

Chú ý:

   Nhựa đu đủ là một nguồn xuất khẩu tốt. Hàng năm hiện nay thế giới sản xuất khoảng 500 tấn nhựa chủ yếu là Uganđa, Tangianica, Xrilanca, Ấn Độ và Braxin.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Khoai tây
04/02/2025 08:15 CH

- 馬鈴薯 (马铃薯). Tên khoa học Solanum tuberosum L. Thuộc họ Cà (Solanaceae). Khoai tây chủ yếu là một cây lương thực; ở đây chúng tôi chỉ chú ý tới hiện tượng đau bụng, đi ngoài do ăn khoai tây mọc mầm và dùng chất gây đau bụng đi ngoài ấy trong chữa bệnh.

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Cẩu tích - 狗脊. Còn gọi là rễ lông cu ly, kim mao cẩu tích, cẩu tồn mao, cây lông khỉ. Tên khoa học Cibotium barometz (L.) J. Sm. Thuộc họ Lông cu ly (Dicksoniaceae). Cẩu tích hay kim mao, cẩu tích (Rhizoma Cibotii) là thân rễ phơi hay sấy khô, có khi thái mỏng, phơi hay sấy khô của cây lông cu ly. Cẩu là con chó, tích là lưng, xương sống. Vì vị thuốc chưa thái giống lưng con chó, do đó có tên này.
Cây áctisô - 菜薊 (菜蓟). Tên khoa học Cynara scolymus L. Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Ta dùng thân và lá tươi của cây áctisô.
Cây ba gạc - 蘿芙木 (萝芙木). Còn có tên là la phu mộc, san to (Sapa), lạc toọc (Cao Bằng). Tên khoa học Rauwolfia verticillata (Lour) Baill. Thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Người ta dùng rễ phơi hay sấy khô (Radix Rauwolfiae verticillatae) của cây ba gạc, hay la phu mộc. La phu mộc = dịch âm Trung Quốc của chữ Râuvonphia (Rauwolfia) tên khoa học của cây này. Tên san to nghĩa là ba chạc, vì cây có 3 lá, chia ba cành. Tên lạc toọc nghĩa là một rễ, vì cây có một rễ.
Cây ba gạc Ấn Độ - 印度蘿芙木 (印度萝芙木). Còn có tên Ấn Độ sà mộc, Ấn Độ la phù mộc. Tên khoa học Rauwoflia serpentina Benth. Thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Người ta dùng rễ phơi hay sấy khô (Radix Rauwfliae serpentinae) của cây ba gạc Ấn Độ.
Cây ba kích - 巴戟天. Còn có tên ba kích thiên, cây Ruột gà, chẩu phóng xì (Hải Ninh), thao tầy cáy, ba kích nhục, liên châu ba kích. Tên khoa học Morinda offcinalis How. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Cây bách bộ - 百部. Còn có tên là dây đẹt ác, dây ba mươi. Tên khoa học Stemona tuberosa Lour. Thuộc họ Bách bộ (Stemonaceae). Ta dùng rễ phơi hay sấy khô (Radix Stemonae) của cây bách bộ.
Cây bông - 棉花根. Tên khoa học Gossypium sp.. Thuộc họ bông (Malvaceae). Ta dùng vỏ rễ cây bông (Cortex Gossypii radicis) là dư phẩm của kỹ nghệ trồng bông. Sau khi hái cây bông ta đào rễ rửa sạch, bóc lấy vỏ phơi khô.
Cây cam xũng - 龍利葉 (龙利叶). Còn gọi là lưỡi cọp, đơn lưỡi cọp, đơn lưỡi hổ, lưỡi hùm. Tên khoa học Sauropus rostratus Miq. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Cây cau - 檳榔 (槟榔). Còn gọi là binh lang, tân lang. Tên khoa học Areca catechu L. Thuộc họ cau dừa (Palmae). Họ cau dừa hiện nay có tên khoa học là Arecaceae.Người ta dùng hạt cau hay binh lang, tân lang (Semen Arecae) là hạt phơi khô của cây cau. ("Tân" = khách, "tân" = chàng. Khi có khách đem trầu cau ra mời cho nên gọi là tân lang). Có độc, dùng phải cẩn thận.
Cây câu đằng - 鉤藤 (钩藤). Tên khoa học Uncaria rhynchophylla (Miq) Jack. Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Câu đằng - Rynchophylla - Ramulus et Uncus Uncariae - gai móc câu là mẩu thân có gai của cây câu đằng.
Cây chân bầu Còn có tên là cây chưng bầu, song ke (Cămpuchia). Tên khoa học Combretum quadrangulare Kurz (Combretum attenuatum Wall). Thuộc họ Bàng (Combretaceae). Người ta dùng quả và vỏ cây chân bầu.
Cây chè - 茶. Còn gọi là trà. Tên khoa học Camellia sinensis O. Ktze (Thea chinensis Seem.). Thuộc họ Chè (Theaceae). Ta dùng làm thuốc búp và lá chè non (Folium Theae), sao khô thường gọi là chè hương hay chè tàu. Còn gọi là trà diệp.
Cây chẹo Còn gọi là chẹo tía, hoàng khởi, peo, sui deng, nhân khởi, cây cơi. Tên khoa học Engelhardtia chrysolepis Hance (Engelhardtia wallichiana Lindl). Thuộc họ Hồ đào (Juglandaceae).
Cây cho curarơ Curarơ là những chế phẩm phức tạp chủ yếu chế từ một số cây thuộc chi Mã tiền (Strychnos) họ Mã tiền (Loganiaceae) như Strychnos toxifera, S. gubleri, S. curare v.v... có khi phối hợp với một số cây thuộc chi và họ khác như cây Chondodrendron tonmentosum thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae), một số cây thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae), họ Mộc hương (Aristolochiaceae) v.v...
Cây chua me lá me - 感應草 (感应草). Còn gọi là lá chua me. Tên khoa học Biophytum sensitivum (Lour.) DC. (Oxalis sensitiva Lour., Biophytum candolleanum Wight). Thuộc họ Chua me đất (Oxalidaceae).
Cây cỏ nến - 香蒲. Còn có tên bồ thảo, hương bồ thảo, bồ hoàng. Tên khoa học Typha orientalis G. A. Stuart. Thuộc họ Hương bồ (Typhaceae). Người ta dùng bồ hoàng (Pollen Typhae) là phấn hoa sấy hay phơi khô của hoa đực cây cỏ nến. Tên cỏ nến vì cụm hoa của nó giống cây nến.
Cây cơm cháy - 走馬風 (走马风). Còn gọi là cây thuốc mọi. Tên khoa học Sambucus javanica Reinw. Thuộc họ Cơm cháy (Caprifoliaceae).
Cây củ đậu - 沙葛, 地瓜. Còn gọi là củ sắng, măn phăo (Lào-Viêntian), krâsang (Cămpuchia), sắn nước (miền Nam). Tên khoa học Pachyrhizus erosus (L.) Urb. (Dolichos erosus L.), Pachyrhizus angulatus Rich. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae). Cây củ đậu cho ta rễ củ ăn được, nhưng lá và hạt có chất độc, cần chú ý khi sử dụng.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]