Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

BÌNH VÔI

Còn gọi là củ một, củ mối trôn, ngải tượng, tử nhiên, cà tom (Thổ).

Tên khoa học Stephania rotunda Lour. [Stephania glabra (Roxb.) Miers.].

Thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).

BÌNH VÔI, củ một, củ mối trôn, ngải tượng, tử nhiên, cà tom, Stephania rotunda Lour., Stephania glabra (Roxb.) Miers., họ Tiết dê, Menispermaceae

Cây bình vôi - Stephania rotunda

Bình vôi hay củ bình vôi (Tuber Stephaniae rotundae) là phần thân phìn ra thành củ của cây bình vôi Stephania rotunda Lour.

Cây củ bình vôi cho ta các vị thuốc:

   1. Thân củ (Tuber Stephaniae rotundae) thái mỏng phơi hay sấy khô.

   2. Các hoạt chất, chủ yếu là chất rotundin.

Trước đây có người gọi nhầm cây này là "hà thủ ô" cho nên thuốc rotundin chế từ củ bình vôi có người lại đặt tên là "thuốc an thần hà thủ ô".

Cần tránh nhầm lẫn với cây hà thủ ô (xem vị này).

A. MÔ TẢ CÂY

Cây củ bình vôi là một loại cây mọc leo, phần dưới thân phát triển thành củ to, bám vào núi đá, có củ rất to, nặng tới hơn 20kg. Da thân củ màu nâu đen, xù xì giống như hòn đá, hình dáng thay đổi tuỳ theo nơi củ phát triển. Nếu mọc ở đất thì củ nhỏ hơn. Có người gọi là "củ gà ấp".

Hiện nay có người cho cây củ gà ấp là cây củ bình vôi mọc ở núi đất. Có người lại cho là cây củ gà ấp và cây củ bình vôi là hai cây thuộc hai loài khác hẳn nhau (cần chú ý kiểm tra lại).

Từ thân củ mọc lên những thân màu xanh, nhỏ, mềm. Lá hình khiên, mọc so le, hình bầu dục hay hình tim hặc tròn, đường kính 8-9cm, cuống lá dài 5-8cm. Hoa nhỏ mọc thành tán. Hoa đực cái khác gốc. Hoa cái có cuống tán ngắn, còn hoa đực có cuống tán dài. Quả chín hình cầu màu đỏ, tươi, trong chứa một hạt hình móng ngựa.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây củ bình vôi thường ưa mọc ở những vùng có núi đá tại các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Hà, Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng sơn, Thanh Hóa v.v. ... Nơi cao lạnh như Sapa (Lào Cai) cũng có.

Tại những vùng núi đất có một cây hình dáng rất giống, nhưng củ nhỏ, thường chỉ bằng quả trứng vịt gọi là cây củ gà ấp. Không rõ có phải là cây củ bình vôi mọc ở những nơi núi đất hay không. Hiện chưa có dịp kiểm tra lại.

Củ bình vôi có thể thu hái quanh năm, đem về cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng phơi khô rồi ngâm rượu hay sắc uống. Không phải chế gì khác.

Từ củ bình vôi, ta có thể chế biến ra chất rotudin thô hay tinh khiết như sau:

   Thái hay xát củ bình vôi như ta xét nâu. Ép lấy nước, bã còn lại thêm nước vào, khuấy đều rồi lại ép nữa. Làm như vậy cho tới khi bã hết đắng (ancaloit ra hết). Nước ép để lắng, thêm nưới vôi trong hoặc dung dịch cacbonat kiềm sẽ cho tủa rotundin thô. Lọc hay gạn lấy phơi hoặc sấy khô.

   Như vậy ta sẽ được rôtundin thô vừa gọn, vừa dễ bảo quản và dễ vận chuyển, không như củ bình vôi vừa cồng kềnh, bảo quản khó, chuyên chở không kịp dễ bị thối hỏng, tỷ lệ ancalot hạ xuống.

   Từ rotundin thô, ta có thể chiết rotudin tinh khiết bằng cách dùng cồn hay dung dịch axit sunfuric 5 hay 10% nóng, lọc rồi kết tinh.

   Làm đi làm lại nhiều lần, theo nguyên tắc chung của chiết ancaloit, ta sẽ được rotundin tinh khiết.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Năm 1940, Bùi Đình Sang đã chiết từ củ bình vôi mọc ở Việt Nam các chất tinh bột, đường khử oxy, axit malic, men oxydaza và một ancaloit với tỷ lệ 1,2 đến 1,5% (tính trên củ tươi), được Bùi Đình Sang đặt tên là rotundin.

Năm 1944, Kondo (Nhật) đưa ra công thức khai triển của rrotundin như sau với công thức thô là C13H19(OCH3)3CH3N.

Tại Ấn Độ, năm 1950 và 1952, Chaudry GF. R va S. Siđiqui nghiên cứu và chiết từ củ cây Stephania glabra (Roxb.) Miers nhiều ancaloit và đặt tên là hyndarin C21H25O4N, stefarin C18H19O3N và xycleanin C38H42O6N2 trong đó hyndarin chiếm thành phần chủ yếu (chừng 30% hyndarin, 15-18% stefarin và rất ít xycleanin).

Nghiên cứu cấu tạo hyndarin người ta thấy rằng hyndarin thực ra cũng chỉ là một ancaloit đã biết có tên là tetrahydropanmatin.

Trước năm 1965 người ta vẫn cho rằng hyndarin và rotundin là hai ancaloit khác nhau vì chiết từ hai cây khác nhau, mọc tại hai nước khác nhau, Nhưng đến năm 1965, Viện nghiên cứu cây thuốc và cây có tinh dầu toàn liên bang Xô Viết cũ (VILAR) có dịp so sánh hai cây, một di thực từ Ấn Độ, một di thực từ Việt Nam, thấy rằng hai cây chỉ là một loài nên đã kiểm tra lại tính chất của rotundin và đã xác định rotundin và hyndarin chỉ là một chất và có cấu tạo của tetrahydropanmatin (Công tác dược khoa 6-1965). Nhưng thực tế rotundin của Bùi Đình Sang là một hỗn hợp nhiều ancaloit trong đó chủ yếu là hyndarin.

Ngoài rotundin ra, năm 1964, tại Bộ môn dược liệu (Trường đại học dược khoa, Hà Nội) Ngô Vân Thu còn chiết từ củ bình vôi Việt Nam một ancaloit mới với tỷ lệ 1%o và đặt tên là ancaloit A (Tập san hóa học UBKHKTVN 12-1964), hiện đã được xác định công thức sau đây:

IMG

Năm 1965 tại Liên Xô cũ, Phan Quốc Kinh và cộng sự cũng chiết từ củ bình vôi mang từ Việt Nam sang một số ancaloit khác và đặt tên là ancaloit A, ancaloit C và D với tỷ lệ 0,08% mỗi thứ (Hóa học các hợp chất thiên nhiên 6-1965).

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Tác dụng dược lý của rotundin đã được nghiên cứu trong nước ta (Revue médicale francalise d'Extrême-orient 4-1944:430-433), tại Liên Xô cũ (Dược lý học và độc chất học 3-1961), Rumani (1963) và Trung Quốc (Dược học thông báo 1965). Sau đây là một số kết quả:

   1. Rotundin rất ít độc: Tiêm vào mạch máu một con thỏ với liều cao hơn 30mg/1kg thể trọng, con thỏ chỉ mệt 1-2 ngày, đồng tử bị liệt nhất thời rồi lại hết.

   2. Tác dụng trấn kinh rõ rệt trên nhu động vị tràng. Trên mẩu ruột lấy riêng, nó gây hiện tượng giảm khẩn rõ rệt mà vẫn duy trì sự co bóp đều hoà và kéo dài. Có thể dùng chữa những trường hợp tăng nhu động và ống tiêu hoá bị giật.

   3. Tác dụng điều hòa đối với tim và bổ tim nhẹ.

   4. Còn có tác dụng điều hòa hô hấp có thể dùng chữa hen hay chữa nấc.

   5. E. A. Trutêva (Liên Xô cũ, 1961) còn chứng minh tác dụng an thần, gây ngủ và chống co quắp, hạ huyết áp.

Đối với những ancaloit khác của củ bình vôi, chỉ có ancaloit A (tức là roemerin) do Ngô Vân Thu chiết, được Dương Hữu Lợi thí nghiệm dược lý (Y học Việt Nam, 1-1966) và đã đi tới những kết luận sau đây:

   1. Dung dịch ancaloit A có tác dụng gây tê niêm mạc và phong bế: tính theo công thức G. Valette, dung dịch 0,5% có tác dụng gây tê miêm mạc tương đương với dung dịch 1,8% clohydrat cocain; theo thí nghiệm của Mak và Nelson; dung dịch ancaloit A 0,5% có tác dụng gây tê phong bế mạnh hơn dung dịch clohydrat cocain 1% và dung dịch novocain 3%.

   2. Ancaloit A làm giảm biên độ và tần số co bóp của tim ếch cô lập, nhưng với liều mạnh hơn, tim ếch ngừng ở thời kỳ tâm trương. Điều này chứng tỏ dung dịch ancaloit A có ảnh hưởng trực tiếp trên tâm cơ và làm ngừng co bóp. Dung dịch ancaloit A có tác dụng đối lập với tác dụng gây tăng trương lực và nhu động co bóp ruột của dung dịch axetylcholin. Dung dịch ancaloit A có tác dụng an thần gây ngủ với liều lượng nhẹ nhưng với liều cao kích thích thần kinh hệ trung ương, gây co giật và chết. Ở điểm này, dung dịch ancaloit A hoàn toàn khác hẳn với dung dịch rotundin. Ngoài ra, ancaloit A có tác dụng giãn mạch hạ huyết áp, giảm cả huyết áp tối đa và tối thiểu.

   3. Dung dịch ancaloit A có độc tính DL50: 0,125g/kg thể trọng chuột, như vậy liều độc tương đương với clohydrat cocain, đồng thời dung dịch ancaloit A cũng có những biểu hiện độc như cocain (kích thích thần kinh hệ trung ương, biểu hiện co giật...).

Trên lâm sàng rotundin được áp dụng rộng rãi từ năm 1944 và trong suốt kháng chiến chống Pháp để điều trị có kết quả một số trường hợp đau tim, mất ngủ, hen, đau bụng, lỵ, amíp. Tác dụng rõ rệt nhất là ngủ và an thần.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong nhân dân củ bình vôi thái nhỏ, phơi khô được dùng dưới dạng sắc, ngâm rượu chữa hen, ho lao, lỵ, sốt, đau bụng, ngày uống 3 đến 6g. Có thể tán bột, 5 phần rượu, rồi uống với liều 5 đến 15ml rượu một ngày. Có thể thêm đường cho dễ uống.

Rotundin clohydrat được dùng làm thuốc trấn kinh, trong các trường hợp mất ngủ, sốt nóng, nhức đầu, đau tim, đau dạ dày, hen. Ngày dùng 0,05g đến 0,10g dưới dạng thuốc bột, thuốc viên. Có thể chế thành dạng tiêm 0,05g rotundin clohydrat hay sunfat trong ống 5ml (vì muối rotundin ít tan trong nước).

Trẻ con dùng với liều lượng 0,02g đến 0,025g đối với trẻ 1-5 tuổi, 0,03g đến 0,05g đối với trẻ 5-10 tuổi.

Chú thích:

   Trung Quốc dùng một cây mang tên thiên kim đằng Stephania japonica Miera cùng họ làm thuốc chữa đau bụng, lỵ, ho lao.

   Trong rễ cây này có các ancaloit như stephanin C34H36O5N2, prostephanin C38H57O8N4, epistephanin C19H21O3N, pseudoepistephanin C19H21O3N và homostephanolin C32H44O7N2. Tất cả đều có tinh thể.

   Qua sự mô tả cây, cây này rất giống cây củ bình vôi của ta. Cần chú ý nghiên cứu so sánh đối chiếu.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Khoản đông hoa
05/05/2025 11:47 CH

- 款冬花. Còn gọi là Tussilage (Pháp) - Chassetoux (Pháp). Tên khoa học Tussilago farfara L. Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Khoản đông cho hai vị thuốc: (1) Hoa khoản đông (Flos Farfarae) thường gọi là khoản đông hoa, hái khi còn ở dạng nụ, hái song phơ...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Thuốc giấu - 紅雀珊瑚 (红雀珊瑚). Còn gọi là hồng tước san hô, dương san hô. Tên khoa học Euphorbia tithymaloides L. (Pedilanthus tithymaloides (Linn.), Poit). Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Thuốc lá - 煙草 (烟草). Còn gọi là Nicotiana thnam (Cămphuchia), yên thảo (Trung Quốc), tabac (Pháp). Tên khoa học Nicotinia tabacum Lin. Thuộc họ Cà (Solanaceae).
Thương lục - 商陸 (商陆). Còn gọi là trưởng bất lão, kim thất nương. Tên khoa học Phytolacca esculenta Van Hout. Thuộc họ Thương lục (Phytolaccaceae).
Thường sơn - 常山. Còn gọi là hoàng thường sơn, thục tất, áp niệu thảo, kê niệu thảo. Tên khoa học Dichroa febrifuga Lour. Thuộc họ Thường sơn (Saxifragaceae). Cây thường sơn cho ta các vị thuốc sau đây: (1) Vị Thường sơn (Radix Dichroae) là rễ phơi hay sấy khô của cây thường sơn; (2) Lá và cành phơi hay sấy khô (Folium Dichroae) được gọi là thục tất. Trên thực tế ở Việt Nam người ta ít dùng rễ hoặc dùng cả rễ và lá đều gọi là thường sơn. Chữ Dichroa có nghĩa là 2 màu, febrifuga có nghĩa là đuổi sốt, vì cây và lá thường sơn có 2 màu tím đỏ và xanh lại có tác dụng chữa sốt do đó có tên. Tên thường sơn vì có ở núi Thường Sơn, đất Ba Thục (Tứ Xuyên Trung Quốc hiện nay).
Thương truật - 蒼术 (苍术). Còn gọi là mao truật, xích truật, nam thương truật. Tên khoa học Atractylodes lancea (Thunb.) DC. (Atractylis lance Thunb.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Thủy tiên - 水仙. Còn gọi là hoa thủy tiên. Tên khoa học Narcissus tazetta Linn. Thuộc họ Thủy tiên (Amaryllidaceae). Thủy tiên Narcissus do chữ Hy Lạp narkao là tê cóng, vì chỉ Narcissus thường gồm những cây có hương thơm, gây tình trạng sững sờ, tazetta do tiếng Ý tazza nghĩa là chén nhỏ, nhắc lại hình dáng của tràng hoa thủy tiên giống như cái chén nhỏ. Huyền thoại còn kể rằng thần Narcises mê say vẻ đẹp của mình quá đáng, luôn mê mải ngắm bóng mình bên dòng nước và biến thành cây hoa thủy tiên.
Tía tô - 紫蘇 (紫苏). Còn gọi là tử tô, tử tô tử, tô ngạnh. Tên khoa học Perilla ocymoides L. [Perilla nankinensis (Lour.) Decne, Perilla frutescens (L.) Breit]. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae.). Ngoài công dụng làm gia vị, cây tía tô cho các vị thuốc say đây: (1) Tử tô tử (tô tử, hắc tô tử - Fructus Perillae) là quả chín phơi hay sấy khô (ta gọi nhầm là hạt) của cây tía tô. (2) Tử tô (Herba Perilae) là cành non có mang lá của cây tía tô phơi hay sấy khô. (3) Tử tô diệp – Folium Perillae là lá phơi hay sấy khô. (4) Tô ngạnh (Tử tô ngạnh - Caulis Perillae) là cành non hoặc cành già phơi hay sấy khô.
Tía tô dại - 山香. Còn gọi là é lớn tròng, tía tô giới ballote camphée. Tên khoa học Hyptis suaveolens (Linn). Poir. Thuộc họ Hoa môi (Lamiacae).
Tiền hồ - 前胡. Còn gọi là quy nam (Lạng Sơn), tử hoa tiền hồ (Trung Quốc), thổ dương quy, sạ hương thái. Tên khoa học Peucedanum decursivum maxim, Angelica decursiva Franch et Savat. Thuộc họ Hoa tán (Umbelliferae). Tiền hồ (Radix Peucedani decursivi) là rễ phơi hay sấy khô của cây tiền hồ hay cây quy nam.
Tô hạp hương - 蘇合香 (苏合香). Tên khoa học Liquidambar orientalis Mill. Thuộc họ Sau sau (Hamamelidaceae). Ta dùng tô hạp hương hay tô hạp du (Styrax liquidus) là nhựa dầu lấy ở cây tô hạp.
Tơ mành - 風車藤 (风车藤). Còn có tên là mạng nhện, dây chỉ. Tên khoa học Hiptage madablota Gaertn, (Hiptage benghalensis (l.) Kurz.). Thuộc họ Măng rô (Malpighiaceae).
Tỏi - 大蒜. Tên khoa học Allium sativum L. Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Ta dùng củ tỏi (Bulbus Allii) là dò của cây tỏi mà ta vẫn dùng làm gia vị.
Tỏi đỏ - 紅蔥 (红葱). Còn gọi là tỏi lào, sâm cau, sâm đại hành, hành lào (Hòa Bình), tỏi mọi, kiệu đỏ, co nhọt (Lào). Tên khoa học Eleutherine subaphylla Gagnep. Thuộc họ La dơn (Iridaceae). Người ta dùng củ tươi hay phơi hoặc sấy khô của cây tỏi đỏ làm thuốc với tên khoa học Bulbus Eleutherinis subaphyllae.
Tỏi độc - 秋水仙. Còn gọi là colchique. Tên khoa học Colchicum autumnale L. Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Cây tỏi độc cho ta những vị thuốc sau đây: 1. Dò tỏi độc Tuber Colchici hay Bulbus Colchici là dò cây tỏi độc hái về phơi khô. 2. Hạt tỏi độc: Semen Colchici là hạt phơi hay sấy khô của cây tỏi độc. Ngoài cây tỏi độc - Colchicum autumnale L. ra, ta còn dùng dò và hạt của nhiều loài khác như Colchicum speciosum Stev... Colchicum variegatum L. hoặc cây Androcymbium gramineum Mac Bride cùng họ và cũng chứa hoạt chất colchixin.
Trà tiên - 羅勒疏柔毛變種 (罗勒疏柔毛变种). Còn gọi là é, é trắng, tiến thực. Tên khoa học Ocimum basilicum L. var. pilosum (Willd.) Benth. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Trám - 橄欖 (橄榄). Còn gọi là cảm lãm, trám trắng, cà na, thanh quả, đêm ta lát (Cămpuchia). Tên khoa học Canarium album (Lour) Raensch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.). Thuộc họ Trám (Burseraceae). Thanh quả (Fructus Canarii) là quả trám trắng chín phơi hay sấy khô. Còn có tên là can thanh quả hay cảm lãm.
Trầm hương - 沉香. Còn gọi là kỳ nam, trà hương, gió bầu, bois d'aigle, bois d'aloes. Tên khoa học Aquilaria agallocha Roxb. (A. crassna Pierre). Thuộc họ Trầm (Thymelacaceae). Trầm hương (Lignum Aquilariae) là gỗ có nhiều điểm nhựa của cây trầm hương. Vì vị thuốc có mùi thơm, thả xuống nước chìm xuống do đó có tên gọi như vậy (trầm - chìm). Tên kỳ nam còn có tên kỳ nam hương thường dành cho loại trầm quý nhất. Giá đắt gấp 10-20 lần trầm hương.
Tràm và khuynh diệp Tên tràm và khuynh diệp hiện nay thường được dùng lẫn lộn để chỉ một số cây cho tinh dầu có mùi và công dụng gần giống nhau, hoạt chất căn bản cũng như nhau, nhưng tỷ lệ hoạt chất có khác nhau, do đó cần chú ý để tránh nhầm lẫn, cũng như khi cần giới thiệu với nước ngoài.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]