Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

BẢY LÁ MỘT HOA - 七葉一枝花 (七叶一枝花)

Còn gọi là thất diệp nhất chi hoa, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, tảo hưu, thảo hà xa.

Tên khoa học Paris polyphylla Sm.

Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae).

bảy lá một hoa, 七葉一枝花, 七叶一枝花, thất diệp nhất chi hoa, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, tảo hưu, thảo hà xa, Paris polyphylla Sm., họ Hành tỏi, Liliaceae

Bảy lá một hoa - Paris polyphylla

A. MÔ TẢ CÂY

Cây bảy lá một hoa là một loại cỏ nhỏ, có dạng rất đặc biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15cm, đường kính 2,5-2,5cm rất nhiều đốt, khó bẻ, vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám vàng. Từ thân rễ nổi lên mặt đất một thân mọc thẳng đứng cao tới 1m, phía gốc có một số lá thoái hóa thành vẩy, bao lấy thân cây. Giữa thân có một tầng lá mọc vòng gồm 3-10 lá, nhưng thường là 7 lá, cuống lá dài 2,5-3cm, phiến lá hình mác rộng, dài 15-21cm, rộng 4-8cm, đầu phiến lá nhọn, mép nguyên, 2 mặt nhẵn, mặt dưới màu xanh nhạt, đôi khi có màu tím nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành, cuống hoa dài 15-30cm. Lá đài gồm 5-10, thường là 7, màu xanh lá cây, dài 3-7cm, rời từng cái một, trông như lá, không rụng. Số cánh tràng bằng số lá đài, hình sợi rủ xuống, màu vàng mâu, chiều dài bằng hay ngắn hơn chiều dài của lá đài. Nhụy màu tím đỏ, bầu thường gồm 3 ngăn. Quả mọng màu tím đen. Mùa hoa vào các tháng 3-4-5 (vùng Sapa), mùa quả và các tháng 10-11.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây bảy lá một hoa được phát hiện gần đây tại các vùng núi Cúc Phương thuộc Nam Hà và Ninh Bình, Sapa (Lào Cai), Đà Bắc (Hòa Bình), Sơn Động (Hà Giang).

Trước đây không thấy mô tả trong bộ thực vật chí Đông Dương. Đầu năm 1934, Péctelot có phát hiện thấy quanh vùng Sapa nhiều loài khác nhau (xem phần chú thích), nhưng chưa được khai thác sử dụng.

Người ta thường dùng thân rễ với tên tảo hưu, có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào Thu Đông, đào về rửa sạch, phơi khô.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong tảo hưu, người ta đã nghiên cứu thấy có chất glucoxit, tính chất saponin gọi là paridin C16H28O7 và paristaphin C38H64O18 cũng là một glucozit (theo Lý Thừa Cố, 1960, Trung Quốc dược dụng thực vật đồ giám, Bắc Kinh).

Trong thân rễ và quả loài Paris quadrifolia L., người ta chiết được một glucozit gọi là paristaphin, khi thủy phân paristaphin sẽ cho glucoza và một glucozit mới gọi là paridin, thủy phân paridin ta lại được glucoza và một chất nhựa gọi là paridol.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Cây bảy lá một hoa còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi dân gian.

Theo Đông y, vị tảo hưu (thân rễ của cây bảy lá một hoa) có vị ngọt, hơi cay, tính bình không độc. Tác dụng chủ yếu của nó là thanh nhiệt giải độc, nhất là đối với loài rắn độc.

Tại vùng Quảng Tây (Trung Quốc) trong nhân dân có câu ngạn ngữ:

"Ốc hữu thất diệp nhất chi hoa,

Độc xà bất tiến gia."

Nghĩa là trong nhà mà có cây bảy lá một hoa thì rắn độc không vào được.

Ngoài công dụng chữa sốt và rắn độc, vị tảo hưu còn dùng chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen xuyễn; dùng ngoài thì giã đắp lên những nơi sưng đau.

Ngày dùng 4-12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Chú thích:

    1. Tại châu Âu, người ta dùng thân rễ và quả loài Paris quadrifolia (4 lá) làm thuốc tẩy, nhưng có chất độc. Dùng với liều vừa phải, thân rễ và quả có tác dụng làm ngủ, chống co thắt và gây nôn, tẩy.

    2. Tên khoa học của cây bảy lá một hoa tạm xác định là Paris polyphylla Sm., trên thực tế chúng ta thấy có nhiều loài khác nhau. Theo sự nghiên cứu của A.Pételot trước đây, ở nước ta ít nhất cũng có 5 loài khác nhau đã được mô tả như sau:

    Paris delavayi Franch: Cây có thân gầy, cao chừng 1m cành lá ở khoảng 2/3 phía thân trên. Lá có cuống dài chừng 2cm, phiến lá hình mác dài, đầu lá nhọn, phía cuống nhọn hơn; dài chừng 20cm, rộng khoảng 3,5cm 3 gân xuất phát từ cuống lá, gân giữa rõ hơn, gân 2 bên chạy cách theo mép chừng 5mm. Lá đài 5, cùng dạng với lá, dài 4-4,5cm rộng 8mm. Cánh tràng hình sợi, ngắn hơn lá đài nhiều. Thường thấy mọc ở giữa khoảng 1.400m đến 1.800m trong những rừng ẩm ở Sapa (Lào Cai). Ra hoa vào tháng 4, kết quả vào tháng 6-7.

    Paris hainanensis Merr: Cây này có thân to, cao chừng 0,80m, vành lá gồm 6 lá ở vào khoảng 2/3 phía trên thân. Cuống lá dài tới 7cm, phiến lá hình trứng rộng, hơi không đối xứng, dài 20cm, rộng 12cm, đầu phiến tận cùng bởi một mũi nhọn, hình 3 cạnh dài 1cm. Lá đài 5, hình trứng mác, dài 5cm rộng 2cm. Cánh tràng hình sợi, gần dài gấp 2 lá đài. Hoa vào tháng 4, quả vào tháng 6. Loài này hay gặp hơn ở những rừng ẩm thấp quanh Sapa, độ cao chừng 1.500m. Còn thấy ở Trung Quốc, đảo Hải Nam.

    Paris fargesii Franch: Thân cao chừng 1-1,3m vành lá gồm 5 lá ở khoảng 2/3 phía trên thân; cuống lá dài 5-5,5cm, phiến lá hình bầu dục, phía cuống hình tim, đầu nhọn, 5 gân. Lá đài hình mác, dài 6cm, rộng 1,2cm. Cánh tràng hình sợi, ngắn hơn lá đài. Ra hoa vào tháng 4, kết quả vào tháng 6. So với các loài trên thì hiếm hơn. Cũng thấy ở quanh vùng Sapa, vào độ cao 1.500m; có thấy ở Trung Quốc.

    Trong số 2 loài chưa xác định được tên, có một loài cao tới 2,5m. Pételot phát hiện thấy 2 cây ở gần một khe nhỏ giữa đường Sapa - Bình Lư. Loại thứ hai được phát hiện ở dốc 400m vùng núi Ba Vì (Hòa Bình) và trên bờ suối có nhiều bóng rợp giữa đường Hà Nội - Hòa Bình, độ cao không quá 50m so với mặt biển.

    Cần chú ý nghiên cứu.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Cúc mốc
25/03/2025 07:50 CH

- 芙蓉菊. Còn gọi là ngải phù dung, nguyệt bạch, ngọc phù dung. Tên khoa học Crossostephium chinense (L.) Mak., Crossostephium artemisioides Less. Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Hương nhu - 香薷. Tên hương nhu hiện được dùng để chỉ nhiều vị thuốc khác nhau nhưng đều là những cây thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Ở Việt Nam có 2 loại cây hương nhu: (1) Hương nhu tía (Herba Ocimi) là toàn cây trừ rễ phơi hay sấy khô của cây hương nhu (Ocimum sanctum L.); (2) Hương nhu trắng (Herba Ocimi Gratissimi) là toàn cây trừ rễ phơi hay sấy khô của cây hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L.). Tại Trung Quốc, tên hương nhu lại dùng để chỉ: (3) Hương nhu Trung Quốc (Herba Elsholtziae) là toàn cây trừ rễ phơi hay sấy khô của một loài kinh giới Elsholtzia patrini Garcke hay của một loài gần giống Elsholtzia haichowensis. Hương là mùi thơm, nhu là mềm, vì cây có mùi thơm, lá mềm.
Hương phụ - 香附. Còn gọi là củ gấu, cỏ gấu, cỏ cú. Tên khoa học Cyperus rotundus Linné. Thuộc họ Cói (Cyperaccae). Vị hương phụ là thân rễ - Rhizoma Cyperi - phơi hay sấy khô của cây củ gấu hay cỏ gấu Cyperus rotundus L. Người ta còn dùng củ của cây hải hương phụ Cyperus stoloniferus Retz mọc nhiều ở bãi cát gần biển. Cây cỏ gấu là một lọai cỏ khó tiêu diệt đối với nhà nông, nhưng là một vị thuốc quý nếu biết sử dụng.
Huyết giác - 山鐵樹 (山铁树). Còn gọi là cây xó nhà, cây dứa dại, cây giáng ông. Tên khoa học Pleomele cochinchinensis Merr. (Dracaena loureiri Gagnep.). Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Huyết giác là chất gỗ màu đỏ, do một loại sâu hay nấm gây ra trên gỗ cây huyết giác già cỗi mục nát.
Huyết kiệt - 山石榴. Còn gọi là Sang dragon. Tên khoa học Calamus draco Willd. (Daemonorops draco Nred.). Thuộc họ Dừa (Palmaceae). Huyết kiệt (Resina Draconis hay Sanguis Draconis) là nhựa khô phủ trên mặt quả của một loại mây-song như Calamus draco Willd., Calamus propinquus Becc. Vì màu đỏ như máu lại khô cho nên gọi là huyết kiệt, có nơi gọi là máu rồng, cho nên châu Âu dịch nghĩ là Sang dragon (máu rồng). Vị thuốc được dùng cả trong Đông và Tây y nhưng cho đến nay đều còn phải nhập.
Hy thiêm - 豨簽 (豨莶). Còn gọi là cỏ đĩ, cứt lợn, hy kiểm thảo, hy tiên, niêm hồ thái, chư cao, hổ cao, chó đẻ, nụ áo rìa. Tên khoa học Siegesbeckia orientalis L. (S. glutinosa Wall., Minyranthes heterophylla Turcz.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Cây này đầu tiên thấy dùng ở nước Sở (một nước cổ ở miền nam Trung Quốc); dân nước này gọi lợn là hy, gọi cỏ đắng cay có độc là thiêm, vì khí vị cây này như mùi lợn, do đó có tên. Chữ cứt lợn là dịch nghĩa Việt của tên cây, nhưng chỉ cần chú ý tên cứt lợn còn dùng chỉ một cây khác thuộc họ Cúc (xem vị này ở mục các thuốc chữa bệnh phụ nữ) để tránh nhầm lẫn trong khi sử dụng. Tên cỏ đĩ vì hoa cây này có chất dính, khi người ta đi qua, nó dính theo người ta. Hy thiêm thảo (Herba Siegesbeckiae) là toàn cây hy thiêm phơi hay sấy khô.
Ích mẫu - 益母草. Còn gọi là ích mẫu thảo, sung úy, chói đèn. Tên khoa học Leonurus heterophyllus Sw. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Cây ích mẫu cung cấp cho ta 2 vị thuốc: Ích mẫu hay ích mẫu thảo (Herba Leonuri) là toàn bộ phận trên mặt đất phơi hay sấy khô của cây ích mẫu; Sung úy tử (Fructus Leonuri) là quả chín phơi hay sấy khô của cây ích mẫu.
Ích trí nhân - 益智仁. Còn gọi là ích trí, ích trí tử. Tên khoa học Alpinia oxyphylla Miq. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Ích trí nhân (Fructus Alpiniae oxyphyllae) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây ích trí (Alpinia oxyphylla Miq.). Vì vị thuốc giúp ích tỳ vị cho nên có tên như thế.
Ké hoa đào - 地桃花. Còn gọi là phan thiên hoa, tiêu phan thiên hoa, nha khac mòn (Thái), bái lương, bái cúc, vái, địa đào hoa, niêm du tử, dã miên hoa. Tên khoa học Urena lobata L. (Urena monopetala Lou., Urena sinuata L., Urena scabruiscula DC.). Thuộc họ Bông (Malvaceae).
Ké hoa vàng - 白背黄花稔. Còn gọi là ké đồng tiền, bạch bối hoàng hoa nhậm, chỗi đực, khát bo lương (Thái). Tên khoa học Sida rhombifolia L. (Sida alnifolia Lour.). Thuộc họ Bông (Malvaceae).
Kê nội kim - 雞內金 (鸡内金). Còn gọi là kê hoàng bì, kê chuẩn bì, màng mề gà. Tên khoa học Corium Stomachichum Galli. Kê nội kim là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con gà Gallus domesticus Brisson thuộc họ Phasianidae.
Keo nước hoa - 金合歡 (金合欢). Còn gọi là keo ta, mân côi, mak ku kong, kum tai (Lào), sambor meas (Cămpuchia), cassie du Levant. Tên khoa học Acacia farnesiana Willd. (Mimosa farnesiana L.). Thuộc họ Trinh nữ (Mimosaceae).
Kha tử - 訶子 (诃子). Còn gọi là cây chiều liêu, myrobolan de commerce. Tên khoa học Terminalia chebula Retz. (Terminalia reticulata Roth., Myrobalanus chebula Gaertn.). Thuộc họ Bàng (Combretaceae). Kha tử (Fructus Teminaliae) là quả chín sấy hay phơi khô của cây chiều liêu hay kha tử.
Khế - 陽桃 (阳桃). Còn gọi là khế ta, khế cơm, khế chua, khế giang, ngũ lãng tử, dương đào, ngũ liêm tử. Tên khoa học Averrhoa carambola L.. Thuộc họ Chua me đất (Oxalidaccae). Vì quả khế có 5 cạnh nên gọi là ngũ liễm (liễm là thu lại, tụ lại).
Khế rừng - 小葉紅葉藤 (小叶红叶藤). Còn gọi là dây quai xanh, cây cháy nhà. Tên khoa học Rourea microphylla Planch. Thuộc họ Khế rừng (Connaraceae).
Khiên ngưu - 牽牛. Còn gọi là hắc sửu, bạch sửu, bìm bìm biếc, kalađana (Ấn Độ). Tên khoa học Ipomoea hederacea Jacq (Pharbitis hederacea Choisy). Thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Khiên ngưu tử (Pharbitis hay Semen Pharbitidis) là hạt phơi khô của cây khiên ngưu hay bìm bìm biếc. Cây khiên ngưu còn cho ta vị thuốc nhựa khiên ngưu (Resina Pharbitidis). Khiên là dắt, ngưu là trâu là vì có người dùng vị thuốc này khỏi bệnh, dắt trâu đến tạ ơn người mách thuốc. Hắc sửu là chỉ hạt màu đen, bạch sửu là hạt màu trắng.
Khoai lang - 番薯. Còn gọi là phan chư, cam thự, hồng thự, cam chư. Tên khoa học Ipomoea batatas (L.) Poir. Thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).
Khoai nưa - 蒟蒻. Còn gọi là củ nưa, khoai na. Tên khoa học Amorphophalus rivieri Dur. Thuộc họ Ráy (Araceae).
Khoai riềng - 蕉芋. Còn gọi là cây dong riềng, khoai đao, khương vu, arrow - root du Queensland, fécule de Tolomane. Tên khoa học Canna edulis Ker. Thuộc họ Dong riềng (Canaceae).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]