Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

BẠCH ĐỒNG NỮ - 臭茉莉

Còn gọi là bần trắng, vậy trắng, mấn trắng, mò trắng.

Tên khoa học Clerodendron fragrans Vent.

Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbennaceae).

bạch đồng nữ, 臭茉莉, bần trắng, vậy trắng, mấn trắng, mò trắng, Clerodendron fragrans Vent., họ Cỏ roi ngựa, Verbennaceae

Bạch đồng nữ - Clerodendron fragrans

Ta dùng lá và rễ phơi khô hay sấy khô của cây bạch đồng nữ - Folium Clerodendri và Radix Clerodendri.

Bạch đồng nữ là tên dùng để chỉ ít nhất 3 cây khác nhau, cần chú ý phân biệt (xem phần chú thích).

A. MÔ TẢ CÂY

Cây nhỏ cao chừng 1-1,5m. Lá rộng hình trứng, dài 10-20cm, rộng 8-18cm, đầu nhọn, phía cuống hình tim hay hơi phẳng, mép có răng cưa to, thô, mặt trên màu sẫm hơn, có lông ngắn, mặt dưới có màu nhạt hơn, gần như bóng, trên những đường gân hơi có lông mềm, vỏ có mùi hơi hôi đặc biệt của cây mò; cuống lá dài khoảng 8cm. Hoa màu hồng nhạt hay trắng, có mùi thơm, mọc thành hình mâm xôi gồm rất nhiều tán, toàn cụm hoa có đường kính khoảng 10cm. Đài hoa hình phễu, phía trên xẻ 5 thùy hình 3 cạnh tròn. Tràng hoa đường kính 1,5cm, phía dưới thành hình ống nhỏ, dài 2,5cm hay hơn, 4 nhị dính trên miệng ống tràng cùng với nhị thòi ra quá tràng.

Vòi nhụy thường ngắn hơn chỉ nhị. Bầu thượng hình trứng. Quả hạch gần hình cầu, còn đài tồn tại bao ở ngoài.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây bạch đồng nữ mọc hoang ở khắp nơi ở nước ta, miền núi cũng như miền đồng bằng, hoa thường nở vào tháng 7-8, quả chín vào tháng 9-10.

Có mọc ở nhiều tỉnh miền nam Trung Quốc, Philipin, Inđônêxia.

Thường hái lá quanh năm, nhưng tốt nhất vào lúc cây đang và sắp ra hoa. Hái về phơi hay sấy khô, không phải chế biến gì đặc biệt. Có thể dùng rễ, đào rễ về rửa sạch, phơi hay sấy khô. Khi dùng thái mỏng sắc uống.

Nhân dân thường dùng rễ sắc uống, còn lá chỉ dùng nấu nước dùng ngoài. Nhưng kinh nghiệm chúng tôi từ lâu đều chỉ dùng lá sắc uống và dùng ngoài.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Chưa có tài liệu nào nghiên cứu.

Sơ bộ nghiên cứu, chúng tôi chỉ mới thấy trong nước sắc lá có rất nhiều muối canxi. Trong một loài Clerodendron trichotomum Thunb, chưa phát hiện thấy ở nước ta, nhưng gần đây rất hay được dùng ở Trung Quốc với tên xú ngô đồng (hay Hái châu thường sơn) người ta cũng thấy có rất nhiều muối canxi, ngoài ra còn ancaloit như orixin C18H23O6N, orixindin C15H13O4N, isoorixin, kokusagin C13H9N4O và tinh dầu (theo Khâu thần Ba-Trung dược chí hóa học dữ dược lým trang 68).

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Cây bạch đồng nữ chưa thấy tài liệu nghiên cứu.

Năm 1968, Bộ môn dược liệu phối hợp với Phòng Đông y thực nghiệm Viện Đông y nghiên cứu thấy bạch đồng nữ của ta có tác dụng hạ huyết áp do dãn mạch ngoại vi; ngoài ra có tác dụng lợi tiểu, có khả năng ngăn chặn phản ứng viêm do phenol gây ra trên tai thỏ.

Cây xú ngô đồng (Trung Quốc) gần đây được nghiên cứu nhiều:

1. Tác dụng hạ huyết áp: Theo Trần Gia Kỳ và Vương Ngọc Nhuận (1957, Thượng Hải trung dược tạp chí 4, tr5-10), trong nhân dân chỉ dùng một vị này chữa đau đầu, đau nhức do phong thấp, tiến hành thí nghiệm trên động vật chứng minh có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt; trên một nửa số động vật thí nghiệm thấy huyết áp giảm xuống đột ngột, trên một nửa số con vật khác, huyết áp xuống từ từ nhưng kéo dài; đối với chuột nhắt trắng thì còn hơi có tác dụng trấn tĩnh, không gây ngủ. Đối với mạch, xú ngô đồng có tác dụng trực tiếp gây dãn mạch.

2. Tác dụng giảm đau: Cũng trong số báo trên, Vương Ngọc Nhuận còn chứng minh trên thực nghiệm rằng xú ngô đồng có tác dụng làm hết đau; cây thu hoạch trước khi ra hoa có tác dụng mạnh hơn sau khi ra hoa.

Trên lâm sàng nhân dân y viện ở Thượng Hải đã dùng xú ngô đồng chữa hơn 430 người đạt kết quả 72-81,87%, rõ rệt nhất 32-50%, thời gian uống càng lâu, kết quả càng tốt. Đối với người trên 40 tuổi mắc bệnh kết quả đạt tới 91,7% đối với người có mạch máu đã xơ cứng và bệnh đã kéo dài lâu, cũng có kết quả.

Trên lâm sàng, kết quả giảm huyết áp thường xuất hiện chậm, thường thường phải uống 4-5 tuần lễ mới thấy kết quả nhưng huyết áp hạ xuống rõ rệt. Tuy nhiên ngay sau khi bắt đầu uống 1-2 tuần lễ đã thấy người dễ chịu; những triệu trứng đau đầu, hoa mắt, mất ngủ hết dần. Khi huyết áp hạ tới mức bình thường dù chỉ uống một thời gian ngắn, huyết áp cũng không tăng lên. Nhưng nếu chỉ uống 1-2 tuần lễ, huyết áp lại có xu hướng tăng lên, do đó huyết áp đã giảm tới mức nào rồi, vẫn phải dùng thuốc với một liều thích hợp để duy trì kết quả.

Tác dụng phụ của xú ngô đồng rất ít: Một số ít bệnh nhân thấy khô cổ, nôn mửa. Ngày dùng 10-15g chia 3-4 lần uống trong ngày cho đến khi huyết áp hạ xuống mức bình thường thì giảm liều xuống còn 2-4g một ngày.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong nhân dân, lá bạch đồng nữ hay mò trắng nói trên thường chỉ hay dùng ngoài; không kể liều lượng người ta hái lá tươi về vò nát hay giã nát lấy nước hoặc sắc lấy nước dùng tắm ghẻ mụn nhọt hay rửa chốc đầu.

Dựa vào kinh nghệm gia đình, chúng tôi thường dùng lá bạch đồng nữ sắc uống chữa bệnh khí hư, bạch đối với liều 15-20g lá khô, thêm nước vào đun sôi giữ sôi trong nửa giờ lấy ra uống. Chúng tôi thường dùng phối hợp vị này với ích mẫu, hương phụ với ngải cứu.

Các lương y khác thường chỉ dùng rễ cây bạch đồng nữ.

Ngoài những công dụng kể trên, mới đây dựa trên kinh nghiệm nhân dân địa phương, bệnh viện Lạng Sơn đã dùng rễ cây bạch đồng nữ và xích đồng nam (hoa đỏ - xem phần chú thích ở dưới) chữa bệnh vàng da và niêm mạc, nhất là niêm mạc mắt bị vàng thẫm, kiểm nghiệm nước tiếu có sắc tố mật. Dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên. Sắc: Rễ bạch đồng nữ 10g, nước 400ml, sắc còn một bát (200ml), chia 2 lần uống trong ngày; có thể dùng cả rễ và thân cây thái nhỏ 600g, sắc với 5 lít nước và cô đặc còn 90g, thêm tá dược vào làm thành viên (120 viên), mỗi viên nặng 1g, ngày uống 8 viên chia làm 2 lần (Y học thực hành 2-1962).

Chú thích:

    Tên bạch đồng nữ và xích đồng nam còn dùng để chỉ một số cây khác, về hình dáng thì gần giống, chỉ khác về màu hoa và cách xếp hoa trên cành.

bạch đồng nữ, Clerodendron squamatum

Bạch đồng nữ - Clerodendron squamatum

    1. Thứ hoa trắng gọi là bạch đồng nữ, mò trắng, tên khoa học là Clerodendron squamatum L., cùng họ. Lá màu nhạt hơn cây trên; mỏng hơn, răng cưa nhỏ thanh hơn; hoa mọc thưa không thành hình mâm xôi như cây trên, màu hoa hơi giống màu mỡ gà. Nhiều người chỉ dùng cây này uống còn cây trên chỉ dùng tắm ghẻ hoặc rửa ngoài và thường nhân dân chỉ hay dùng rễ. Theo kinh nghiệm gia đình và bản thân, dùng cả 2 cây đều được, nhưng cây có kiểu hoa mâm xôi phổ biến dễ tìm hơn.

xích đồng nam, Clerodendron infortunatum

Xích đồng nam - Clerodendron infortunatum

    2. Thứ hoa có màu đỏ gọi là mò đỏ, xích đồng nam Clerodendron infortunatum L. (cũng có người gọi là xích đồng nữ, cùng họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae). Rất giống cây Clerodendron squamatum L., chỉ khác là hoa đỏ. Cùng một công dụng, nhưng thường ít dùng hơn loại hoa trắng.

    3. Ngoài các loại kể trên, năm 1967 chúng tôi thấy ở vùng mát tỉnh Lào Cai (Sapa) mấy cây rất giống cây mò mâm xôi, nhưng hoa màu tím đỏ hay phớt hồng. Chúng tôi chưa xác định được tên cũng chưa thấy nhân dân ở đây dùng làm thuốc. Cần chú ý nghiên cứu.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.dotatloi.com khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Củ khỉ
25/03/2025 02:32 SA

- 野黄皮. Còn gọi là vương tùng, hồng bì núi, xì hắc, cút khí. Tên khoa học Murraya tetramera Huang-Murraya glabra Guill.Clausenia dentata(willd) Roem. Thuộc họ cam (Rutaceae).

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Cúc tần - 欒樨 (栾樨). Còn gọi là từ bi, cây lức, nan luật (Viêntian), pros anlok, pras anlok (Cămpuchia). Tên khoa học Pluchea indica (L.) Less. Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Cúc trừ sâu - 除蟲菊 (除虫菊). Còn gọi là pyrèthre - chrysanthème vermicide et insecticide. Tên khoa học Chrysanthemum cinerariaefolium Vis. (Pyrethrum cinerariaefolium Trev, Pyrethrum cinerariaefolium DC.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Ta dùng cụm hoa phơi hay sấy khô của cây cúc trừ sâu (Flos Pyrethri cinerariaefoli.). Ngoài cây cúc trừ sâu Pyrethrum cinerariaefolium Trev. người ta còn dùng hoa của nhiều loại cúc khác như Pyrethrum roseum M.B. (vùng Capcazơ), Pyrethrum carneum M.B.
Cửu lý hương - 臭草. Còn gọi là rue tetide, văn hương. Tên khoa học Ruta graveolens L. Thuộc họ Cam quít (Rutaceae).
Đại bi - 艾納香 (艾纳香). Còn gọi là băng phiến, mai hoa băng phiến, mai phiến, long não hương, mai hoa não, ngải nạp hương, ngải phiến, từ bi. Tên khoa học Blumea balsamifera (L.) DC. (Conyza balsamifera L. Baccharis salvia Lour.). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Băng phiến, (Bocneola hay Borneo - camphor) có thể do 3 nguồn gốc: (1) Chế từ gỗ cây long não hương (Dryobalanops aromatica Gaertn.) thuộc họ Dầu hoặc họ Song dực quả (Dipterocarpaceae). Cây này chưa thấy ở nước ta; (2) Chế từ cây đại bi hay từ bi hoặc từ bi xanh Blumea balsamifera DC., thuộc họ Cúc (Compositae). Cây này có ở nước ta và sẽ giới thiệu kỹ sau đây; (3) Chế bằng phương pháp tổng hợp hóa học, không giới thiệu ở đây.
Đài hái - 油瓜. Còn gọi là du qua, dây mỡ lợn, dây hái, then hái, mướp rừng, dây sén, mak khing (Lào), Kigarasu-uri (Nhật). Tên khoa học Hodgsonia macrocarpa (Blume) Cogn. (Trichosanthes macrocarpa Blume). Thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Đại hoàng - 大黃. Còn gọi là xuyên đại hoàng, tướng quân. Tên khoa học Rheum sp. Thuộc họ Rau răm (Polygonaceae). Đại hoàng (Rhizoma Rhei) là thân rễ phơi hay sấy khô của nhiều loại đại hoàng như chưởng diệp đại hoàng Rheum palmatum L., đường cổ đặc đại hoàng Rheum tanguticum Maxim. ex Regel (Rheum palmatum L. var. tanguticum Maxim.) hoặc dược dụng đại hoàng Rheum officinale Baill. hoặc một vài loài Rheum khác, tất cả đều thuộc họ Rau răm (Polygonaceaea). Vì vị thuốc màu rất vàng cho nên gọi là đại hoàng; vì có khả năng tống cái cũ, sinh cái mới rất nhanh chóng như dẹp loạn cho nên còn gọi là tướng quân.
Đại phong tử - 大風子. Còn gọi là chùm bao lớn, krabao phlêthom (Cămpuchia). Tên khoa học Hudnocarpus anthelmintica Pierre. Thuộc họ Mùng quân (Flacourtiaceae). Cây đại phong tử cho vị thuốc đại phong tử (Semen Hydnocarpi) là hạt phơi hay sấy khô của cây đại phong tử. Tên Hydnocarpus do hai chữ hydnon có nghĩa là một loài cây, carpus là quả nghĩa là quả giống một loài cây đã biết, anthelmintica do chữ Hy Lạp anti là chống lại, helminthe là trùng trong ruột ý muốn nói tác dụng của vị này đối với ký sinh trong ruột. Phong là tên Đông y của bệnh hủi và giống hủi, đại phong tử là loại quả to có tác dụng chữa bệnh hủi và giống hủi - tên này do Lý Thời Trân ghi chép trong cuốn Bản thảo cương mục (1595).
Đại phúc bì Là vỏ ngoài giữa phơi hay sấy khô của quả cau (xem cây cau). Thường các mảnh vỏ này được đập làm 2 mà phơi cho chóng khô.
Dâm bụt - 朱槿. Còn gọi là bụp (miền Nam), xuyên can bì. Tên khoa học Hibiscus rosa-sinensis L.. Thuộc họ Bông (Malvaceae).
Đạm trúc diệp - 淡竹葉 (淡竹叶). Còn gọi là trúc diệp, toái cốt tử, trúc diệp mạch đông, mễ thân thảo, sơn kê mễ. Tên khoa học Lophatherum gracile Brongn. (Acroelytrum japonicum Steud.). Thuộc họ Lúa (Gramineae). Đạm trúc diệp (Herba Lophatheri) là toàn cây đạm trúc diệp phơi hay sấy khô.
Đằng hoàng - 藤黄. Còn gọi là vàng nhựa, vàng nghệ, gommegutte, đom rông, cam rông, roeng (Campuchia). Tên khoa học Garcinia hanburyi Hook. f [Cambogia gutta Lour, (non L.)]. Thuộc họ Măng cụt Clusiaceae (Guttiferae). Đừng nhầm vị đằng hoàng (Gomme gutte) với vị hoàng đằng. Đằng hoàng là vị thuốc được dùng cả trong đông y và tây y. Các tài liệu cổ của Trung Quốc đã ghi từ thế kỷ thứ X và trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (Trung Quốc) có ghi vị này (Thế kỷ XVI). Đằng hoàng được dùng ở châu Âu vào năm 1603 (lúc đầu người ta cho đây là dịch mủ của một cây loại xương rồng, mãi tới 1864 Hanburyi mới nghiên cứu xác minh cẩn thận).
Dành dành - 栀子. Còn gọi là sơn chi tử, chi tử. Tên khoa học Gardenia jasminoides Ellis (Gardenia florida L.). Thuộc họ Cà phê (Rubiaceae). Cây dành dành cho ta vị thuốc gọi là chi tử. Chi tử (Fructus Gardeniae) là quả dành dành chín phơi hay sấy khô. "Chi" là chén đựng rượu, "tử" là quả hay hạt, vì quả dành dành giống cái chén uống rượu ngày xưa. Gardenia là tên nhà y học kiêm bác học, Florida là nhiều hoa.
Đào lộn hột - 檟如樹 (槚如树), 腰果. Còn gọi là quả diều, macađơ, giả như thụ, swai chanti (Campuchia). Tên khoa học Anacardium occidentale L. (Cassuvium pomiferum Lamk.). Thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Đậu chiều - 木豆. Gọi là đậu săng, đậu cọc rào, sandekday (Cămpuchia). Tên khoa học Cajanus indicus Spreng. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Đậu cọc rào - 麻瘋樹 (麻疯树). Còn gọi là ba đậu mè, ba đậu nam, dầu mè, cốc dầu, vong dầu ngô, đồng thụ lohong, kuang, vao (Campuchia), nhao (Viên tian), grand pignon d'Inde, feve d'èner. Tên khoa học Jatropha curcas L. (Curcaspurgans Medik.). Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Đậu đen - 黑豆. Tên hoa học Vigna cylindrica Skeels (Dolichos catjang Burm. f.). Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae). Tên khoa học của đậu đen hiện nay chưa được chính xác lắm. Có tác giả xác định là Vigna catiang Endl. var.
Đậu đỏ nhỏ - 赤小豆. Còn gọi là xích tiểu đậu, mao sài xích, mễ xích. Tên khoa học Phaseolus angularis Wight. Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Đậu khấu - 白豆蔻. Còn gọi là bạch đậu khấu, viên đậu khấu. Tên khoa học Amomum cardamomum L. Thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Đậu khấu (Fructus Amomi cardamomi hay Fructus Cardamomi rotundi) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây bạch đậu khấu hay viên đậu khấu (Amomum cardamomum).
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]