Giới thiệu sách

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Phần 02)

Nguồn tin:  Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Cập nhật: 11/12/2024 11:40 CH

IMG


D. Phân loại thuốc trong Đông y

Việc phân loại thuốc theo Đông y thay đổi tùy theo từng thời kỳ và tùy theo sự hiểu biết của người ta về vị thuốc.

Từ xưa đến nay đã có những lối phân loại chủ yếu sau đây:

1. Trong bộ "Thần Nông bản thảo" (một bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y) người ta ghi chép tất cả 365 vị thuốc chia làm 3 loại: Thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm.

    Thuốc thượng phẩm gồm các vị thuốc có tác dụng mà lại không độc.

    Thuốc trung phẩm gồm các vị thuốc có tác dụng nhưng có độc.

    Thuốc hạ phẩm gồm những vị thuốc có tác dụng nhưng rất độc.

2. Về sau trong bộ "Lôi Công dược đối", người ta lại chia thuốc ra làm 10 loại:

    Tuyên (giải rộng ra), thông, bổ, tiết, khinh, trọng, sáp, hoạt, táo, thấp. Về sau có người gọi lối phân loại đó là thập tễ.

    Dù sao lối phân loại này cũng giống như trong "Thần Nông bản thảo", chia thuốc theo tính chất chữa bệnh.

3. Đến đời nhà Minh (Trung Quốc) Lý Thời Trân trong bộ sách của ông là "Bản thảo cương mục", đã chia thuốc làm 16 bộ là:

    Thủy (thuốc lỏng như nước), hỏa (lửa), thổ (thuốc thuộc về đất), kim (kim loại), mộc (cây), thạch (đá), thảo (cỏ), cốc (ngũ cốc), thái (rau), quả, phục khí (gấm vải, bông, áo của người có bệnh), trùng (sâu bọ), lân (thuốc lấy ở giống vật có vẩy), giới (động vật có vỏ như con trai, con cua), cầm (chim), thú (giống vật), nhân (người).

    Mỗi bộ lại chia nhỏ thành mấy loại như bộ thảo lại chia ra sơn thảo (cỏ núi), phương thảo (cỏ có mùi thơm), thấp thảo (cỏ mọc nơi ẩm ướt), độc thảo (cỏ có độc), mạn thảo (cỏ leo), thủy thảo (cỏ mọc dưới nước), thạch thảo (cỏ mọc trên đá), thai (rêu), tạp thảo (linh tinh).

    Như vậy là đến Lý Thời Trân bắt đầu phân loại theo hình thái vị thuốc. Lối phân loại theo tác dụng chữa bệnh giúp cho người làm công tác điều trị, còn lối phân loại theo hình thái giúp cho người tìm thuốc và phân loại tốt xấu.

    Ở nước ta, từ thế kỷ thứ 17, Tuệ Tĩnh (1) tác giả bộ sách "Nam dược thần hiệu", đã phối hợp cả hai lối phân loại; mở đầu bộ sách Tuệ Tĩnh phân loại thuốc theo hình thái thành 23 loại thuốc: Loại cỏ hoang, loại cỏ dây, loại cỏ nước, loại ngũ cốt, loại chim .v.v.; những phần sau, Tuệ Tĩnh phân loại thuốc theo tật bệnh do đó cả thầy thuốc lẫn người tìm thuốc đều dễ sử dụng.

4. Trong các tập bản thảo, người ta còn giới thiệu chất thuốc theo hàn, nhiệt (thuốc nóng, thuốc lạnh), hay thuốc vào kinh lạc này hay kinh lạc khác. Muốn hiểu cách phân loại này cần hiểu qua cơ sở lý luận về Âm Dương Ngũ hành của Đông y.

(1) Trước đây có ý kiến cho rằng Tuệ Tĩnh sống và hoạt động vào thế kỷ XIV, nhưng qua nghiên cứu của chúng tôi và một số nhà nghiên cứu khác, Tuệ Tĩnh sống và hoạt động vào thế kỷ XVII (Nghiên cứu lịch sử số 3, 1986, tr. 42-45).

E. Khái niệm về cơ sở lý luận trong Đông y

Ở đây chúng tôi chỉ đóng khung trong việc giới thiệu những cơ sở lý luận có liên quan tới tác dụng của vị thuốc, mà không đi sâu vào việc vận dụng những lý luận đó trong điều trị.

Chúng ta biết rằng hiện nay trong giới Đông y có những người chỉ biết một số đơn thuốc gia truyền kinh nghiệm, nhưng cũng lại có rất nhiều người trong khi điều trị tìm thuốc chế thuốc đều hay vận dụng những cơ sở lý luận rất đặc biệt của Đông y.

Lý luận đó đúng sai thế nào, dần dần khoa học sẽ xác minh. Chỉ biết rằng hiện nay những nhà Đông y đã vận dụng lý luận ấy để chữa khỏi một số bệnh và đã phát hiện một số thuốc mới. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng ta nên tìm hiểu tiếng nói của những nhà Đông y để có thể gần gũi họ mà học tập để rồi trên cơ sở những kinh nghiệm của họ, thừa kế và phát huy theo khoa học hiện đại.

Điều đáng chú ý là cơ sở lý luận của Đông y đã có từ lâu mà không thay đổi cho nên có điều còn đúng, có điều đã sai rồi, không nên cái gì cũng coi là sai cả hay đúng cả.

Các nhà Đông y coi người và hoàn cảnh là một khối thống nhất. Con người chẳng qua cũng là cơ năng của trời và đất thu nhỏ lại (nhân thân tiểu thiên địa). Cơ sở lý luận của Đông y dựa vào quan niệm vũ trụ chung trong triết học Á đông hồi xưa. Quan niện về vũ trụ này bao trùm nhiều ngành khoa học cổ khác như khí tượng, tử vi, địa lý, .v.v.

Theo quan niệm này vũ trụ khi mới sinh ra là một khối rất lớn gọi là thái cực: Thái cực biến hóa sinh ra 2 nghi (Lưỡng nghi) là Âm và Dương. Âm Dương kết hợp lại với nhau để sinh ra 5 hành (Ngũ hành) là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa  Thổ.

Ngũ hành sẽ lại kết hợp với nhau để tạo ra ba lực lượng bao trùm vũ trụ (tam tài) là Thiên (trời), Địa (đất) và Nhân (con người). Trong mỗi lực lượng này lại có sự kết hợp chặt chẽ và cân bằng giữa Âm Dương, Ngũ hành. Nếu thiếu sự cân bằng giữa Âm và Dương trong mỗi lực lượng hoặc thiếu sự cân bằng giữa ba lực lượng đó người ta sẽ mắc bệnh. Việc điều trị bệnh tật chẳng qua là lập lại được sự cân bằng của Âm Dương trong con người, giữa con người và trời đất.

Sau đây xin giới thiệu tương đối chi tiết hơn về Âm Dương Ngũ hành là cơ sở của cả quan niệm về vũ trụ và vận dụng trong Đông y.

IMG


G. Thuyết Âm Dương

Căn cứ nhận xét lâu đời về giới tự nhiên, người xưa đã nhận xét thấy sự biến hóa không ngừng của sự vật (Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái. Lưỡng nghi  Âm  Dương; Tứ tượng  Thái âm, Thái dương, Thiếu âm  Thiếu dương; Bát quái  Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn  Đoài).

Người ta còn nhận xét thấy rằng cơ cấu của sự biến hóa không ngừng đó là ức chế lẫn nhau, giúp đỡ ảnh hưởng lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau và thúc đẩy lẫn nhau.

Để biểu thị sự biến hóa không ngừng và quy luật của sự biến hóa đó người xưa đặt ra Thuyết Âm Dương.

Âm Dương không phải là một thứ vật chất cụ thể nào, mà là thuộc tính mâu thuẫn nằm trong tất cả mọi vật. Nó giải thích hiện tượng mâu thuẫn chi phối mọi sự biến hóa và phát triển của sự vật.

Nói chung, phàm cái gì có tính cách hoạt động, hưng phấn, tỏ rõ, ở ngoài, hướng lên, tiến lên, vô hình, nóng nực, sáng chói, rắn chắc, tích cự, đều thuộc Dương.

Tất cả những cái gì trầm tĩnh, ức chế, mờ tối, ở trong, hướng xuống, lùi lại, hữu hình, lạnh lẽo, đen tối, nhu nhược, tiêu cực đều thuộc Âm.

Từ cái lớn nhất như Trời, Đất, Mặt trời, Mặt trăng, đến cái nhỏ như con sâu, con bọ, cây cỏ đều được quy vào Âm Dương.

Ví dụ về thiên nhiên thuộc Dương ta có thể kể: Mặt trời, ban ngày, xuân, hè, đông, nam, phía trên, phía ngoài, nóng, lửa, sáng.

Thuộc Âm ta có: Mặt trăng, ban đêm, thu, đông, tây, bắc, phía dưới, phía trong, lạnh, nước, tối.

Trong con người, Dương là mé ngoài, sau lưng, phần trên, lục phủ, khí, vệ; Âm là mé trong, trước ngực và bụng, phần dưới, ngũ tạng, huyết, vinh.

Về bệnh tật thuộc Dương thường khô khan, táo, ôn nhiệt, tiến mạnh, hay động, cấp tính, kinh giật. Bệnh thuộc Âm thường ẩm thấp, nhuận, hàn, lạnh, giảm thoát, trầm tĩnh, suy yếu, mãn tính, tê liệt.

Âm Dương tuy bao hàm ý nghĩa đối lập, mâu thuẫn nhưng còn bao hàm cả ý nghĩa nguồn gốc ở nhau mà ra nữa, hỗ trợ chế ức nhau mà tồn tại, không thể chỉ có Âm hoặc chỉ có Dương. Trong hình vẽ hình tượng Âm và Dương người ta vẽ hai phần bằng nhau Đen và Trắng, Trắng là Dương, Đen là Âm, nhưng trong phần Trắng có một điểm Đen, trong phần Đen có một điểm Trắng có nghĩa là trong Âm có mầm mống Dương và trong Dương có sẵn mầm mống của Âm rồi.

Người xưa thường nói Âm ở trong để giữ gìn cho Dương, Dương ở ngoài để giúp đỡ cho Âm. Hoặc có Âm mà không có Dương, hay có Dương mà không có Âm thì tất nhiên một mình Âm không thể phát sinh được, một mình Dương không thể trưởng thành được.

Lại có người nói, trong Âm có Âm Dương, trong Dương cũng có Âm Dương, Âm đến cực độ sinh ra Dương, Dương đến cực độ sinh ra Âm tức là hàn đến cực độ sinh ra nhiệt, nhiệt đến cực độ sinh ra hàn.


Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn www.dotatloi.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm:
Thông tin trên www.dotatloi.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên www.dotatloi.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

focus Viễn chí
14/04/2025 12:00 SA

- 遠志 (远志). Còn gọi là tiểu thảo, nam viễn chí. Tên khoa học Polygala sp. Thuộc họ Viễn chí (Polygalaceae). Viễn chí là rễ khô của cây viễn chí lá nhỏ (Polygala tenuifolia Willd.) hoặc cây viễn chí Xibêri (Polygala sibirica L.) đều thuộc họ Viễn chí (Polygal...

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu
Tên vị thuốc Mô tả
Ngô thù du - 吳茱萸. Còn gọi là thù du, ngô vu. Tên khoa học Evodia rutaecarpa (Juss) Benth. Thuộc họ Cam quít (Rutaceae). Ngô thù du (Fructus Evodiae) là quả chín phơi khô của cây thù du. Thù du ở nhièu nơi đều có, nhưng chỉ có loại thù du ở đất Ngô là tốt hơn cả, do đó có tên ngô thù du.
Ngũ bội tử - 五倍子. Còn gọi là bầu bí, măc piêt, bơ pật (Thái). Tên khoa học Galla sinensis. Ngũ bội tử (galla sinensis) là những túi đặc biệt do nhộng của con sâu ngũ bội tử Schlechtendalia sinensis Bell gây ra trên những cuống lá và cành của cây muối hay cây diêm phu mộc - Rhus semialata Murray (Rhus sinensis Mill.) thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Ngũ gia bì - 五加皮. Còn gọi là xuyên gia bì, thích gia bì (ngũ gia bì gai). Tên khoa học Acanthopanax aculeatus Seem. Acanthopanax aculeatum Hook. Acanthopanax trifoliatus (L). Merr. Thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Ngũ gia bì (Cortex Acanthopanacis), là vỏ rễ phơi khô của cây ngũ gia bì. Vì lá có 5 lá chét to chụm vào với nhau và chỉ dùng vỏ rễ làm thuốc do đó có tên như vậy. Ngoài vị trên ra, tên ngũ gia bì còn chỉ nhiều vị khác nhau. Cần chú ý tránh nhầm lẫn.
Ngưu bàng - 牛蒡子. Còn gọi là đại đao, á thực, hắc phong tử, thử niêm tử. Tên khoa học Arctium lappa L. Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Cây ngưu bàng cho các vị thuốc sau đây: Ngưu bàng tử (Fructus Arctii-Fructus Bardanae), là quả chín phơi hay sấy khô của cây ngưu bàng. Đông y thường dùng quả, tây y thường dùng rễ với tên grande bardane. Vì cây trông xấu xí, sần sùi, sắc sạm như da trâu (ngưu là trâu bò) do đó có tên này.
Nhãn hương - 龍眼 (龙眼). Tên khoa học Melilotus suaveolens Ledeb. Thuộc họ Cánh bướm (Papilionaceae). Nhãn hương là mùi thơm của nhãn vì cây khô thoang thoảng có mùi nhãn, Melilotus do chữ Hy Lạp mel = mật, lotos = cỏ thức ăn gia súc, vì cỏ thức ăn gia súc có mùi mật.
Nhân trần Tên nhân trần lại dùng để chỉ ít nhất cũng là 3 cây khác nhau, hình dáng và họ thực vật khác hẳn nhau. Cần chú ý khi sử dụng và nghiên cứu: (1) Cây nhân trần Việt Nam (chữ Việt Nam là do chúng tôi tạm thêm để phân biệt mấy cây với nhau). Tên khoa học được một số nhà thực vật của ta xác định là Adenosma caeruleum R. Br, thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). (2) Cây nhân trần bồ bồ vì một số vùng gọi là bồ bồ, một số vùng khác gọi là nhân trần. Trong những sách do chính chúng tôi viết và cho in, một số tác giả trước đây thường gọi là nhân trần. Nhưng trên thực tế điều tra lại, tên bồ bồ phổ biến hơn. Hiện nay Công ty dược liệu vẫn thu mua và cung cấp cây bồ bồ này với tên nhân trần. Tên khoa học là Adenosma capitatum Benth. thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariacase). Trước đây xác định là Acrocephalus capitatus thuộc họ Hoa môi (Labiatae). Nay mới đính chính lại. (3) Cây nhân trần Trung Quốc (chữ Trung Quốc chúng tôi cũng mới thêm sau để phân biệt mấy cây với nhau). Trong các sách Trung Quốc không có thêm 2 chữ Trung Quốc vào mà lại gọi là nhân trần cao. Tên như vậy vì trên thực tế chỉ thấy giới thiệu trong các sách Trung Quốc; chưa thấy mọc ở Việt Nam, có tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb. thuộc họ Cúc (Compositae). Hai cây trên được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, nhưng ít được nghiên cứu hoặc nghiên cứu chưa đầy đủ, còn cây nhân trần Trung Quốc không thấy sử dụng ở ta nhưng lại được nghiên cứu tương đối kỹ.
ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]