RAU KHÚC - 鼠麴草
Còn gọi là khúc nếp, thử cúc thảo.
Tên khoa học Gnaphalium indicum L.
Thuộc họ Cúc Asteracea (Compositae).
Rau khúc - Gnaphalium indicum
A. MÔ TẢ CÂY
Cây thảo sống hằng năm, thân mảnh, cao 10-20cm, có lông trắng mềm.
Lá thuôn hình dỉa, có mũi nhọn, có lông mịn, trắng ở hầu khắp mặt dưới. Cụm hoa hình bông hay hình chùy mọc ở ngọn. Lá bắc thuôn hình trái xoan, hoa cái và hoa lưỡng tính rất nhiều.
Tràng hoa các mảnh có ba răng nhỏ, tràng hoa lưỡng tính phình to từ gốc đến đỉnh, 5 thùy. Nhị 5, bao phấn có đỉnh cụt, tai có râu. Quả bế thuôn dài.
B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN
Cây mọc hoang dại ở những ruộng khô khắp nước ta, nhiều nhất ở miền Bắc. Còn thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Philipin.
Nhân dân thường hái lá non giã nát trộn và đồ lẫn với gạo nếp và đậu xanh làm thành bánh khúc.
Còn dùng lá tươi hay phơi khô để làm thuốc.
C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Trong lá khúc nếp có ít tinh dầu.
D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Ngoài công dụng làm bánh khúc để ăn, nhân dân còn dùng lá khúc để chữa ho, viêm chi phế quản.
Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm.
Có thể thái nhỏ cho vào một ít đường, hấp trên nồi cơm cho uống.
Chú thích:
Ngoài cây khúc nếp người ta còn dùng lẫn một ít lá cây khúc tẻ - Gnaphalium multiceps Wall. (Gnaphalium luteo - album L.var. multiceps Hook. cùng họ) cây cao hơn cây khúc nếp, hoa hình đầu màu vàng. Cũng làm thuốc được.